Sức sống mới trên vùng đất anh hùng Hòa Tân Tây

Nông dân xã Hòa Tân Tây trồng dưa hấu ở vùng Eo Bầu. Ảnh: THÙY TRANG

Xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, nhân dân Hòa Tân Tây đã hy sinh, cống hiến to lớn cho Tổ quốc. Năm 1995, xã Hòa Tân (nay là Hòa Tân Đông và Hòa Tân Tây) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào, là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Tân Tây viết tiếp trang sử mới.

BÀI 1: Thành quả từ công tác dân vận

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Đảng bộ xã Hòa Tân Tây phát huy thành quả công tác dân vận qua các thời kỳ cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận trong tình hình mới, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Sức lan tỏa từ Quyết định 290

Chăn nuôi của xã Hòa Tân Tây phát triển theo hướng gia trại và hộ gia đình, với 2.500 con bò, 2.200 con heo, 75 con trâu, 45 con dê và 72.599 con gia cầm. Khi nông - lâm - ngư nghiệp phát triển sẽ khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ, nhờ đó tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã bình quân tăng 15,7%/năm, vượt 0,7% so với nghị quyết đại hội đảng bộ xã đề ra; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 hàng năm giảm, đến cuối năm 2019 sau khi trừ 39 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, thì tỉ lệ hộ nghèo của xã còn 0,97% (25/2.572); thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay ước đạt 45,6 triệu đồng/người/năm.

Xác định rõ vị trí công tác dân vận của Đảng, nhất là nêu cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, thời gian qua, xã Hòa Tân Tây có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong công tác điều hành tại địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Bân cho biết: Bước chuyển biến sâu sắc nhận thức về công tác dân vận ở Hòa Tân Tây từ khi thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Quy chế này được ví như khâu đột phá để Đảng bộ xã triển khai thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Cụ thể, Đảng ủy ban hành Kế hoạch 31-KH/ĐU, về phong trào thi đua Dân vận khéo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát động phong trào thi đua Cán bộ và nhân dân Hòa Tân Tây chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…; Kế hoạch 51/KH/ĐU về triển khai thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, theo đó đã thành lập 4 tổ dân vận thôn với 41 thành viên; bí thư chi bộ thôn làm tổ trưởng, các thành viên là phó bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, chi hội trưởng các chi hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Người cao tuổi, bí thư chi đoàn, trưởng ban giám sát cộng đồng, đảng viên có uy tín… Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh: Chính những hạt nhân nòng cốt này đã có nhiều nỗ lực để triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, thông qua các quy chế liên tịch, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện hiệu quả, thể hiện qua kết quả nhận lãnh những phần việc trong các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, từ đó vị trí, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng được khẳng định rõ nét; góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.

Ông Lê Văn Thương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã phấn khởi nói: Thời gian qua, MTTQ xã và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều phong trào thi đua Dân vận khéo như: phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; cuộc vận động Ngày vì người nghèo; Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo; phụ nữ với cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; Tuổi trẻ Hòa Tân Tây chung tay xây dựng nông thôn mới; phong trào khuyến học, khuyến tài; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… được phát động sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao, đang phát huy tác dụng phổ biến, nhân rộng, như: vận động nhân dân làm đường bê tông nông thôn, thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, cánh đồng mẫu lớn cho năng suất và thu nhập cao; Hội LHPN với mô hình “Giúp đỡ phụ nữ nghèo sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp trẻ em đến trường”, “Chuyển giao vật dụng cũ”, “Sổ tiết kiệm tặng phụ nữ nghèo và phụ nữ gia đình chính sách khó khăn”; MTTQ và các đoàn thể với mô hình “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Hũ gạo tình thương”, phong trào Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; cựu chiến binh với mô hình “Cột cờ, ảnh Bác trong xây dựng nông thôn mới”…

Dân vận khéo giúp dân thoát nghèo

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhân dân Hòa Tân Tây được tham gia thảo luận, bàn bạc công khai dân chủ các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng bộ xã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, sâu rộng thiết thực; đặc biệt từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hòa Tân Tây đã tập trung nguồn lực, khai thác tối đa vai trò chủ thể của người dân để phát triển kinh tế - xã hội. Với diện tích tự nhiên 1.636ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 932ha, gồm 800ha sản xuất lúa, 267ha rừng phòng hộ, 217ha rừng sản xuất, gần 200ha đất phi nông nghiệp, đất thủy lợi 37ha, có nguồn nước tưới quanh năm từ hệ thống thủy nông Đồng Cam, hồ Hóc Răm, sông Bàn Thạch, sông Trong… là điều kiện thuận lợi để Hòa Tân Tây phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Toàn xã có 2.611 hộ dân, 8.375 nhân khẩu sinh sống ở 4 thôn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và buôn bán, dịch vụ. Cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; đến nay 100% hộ dân trên địa bàn xã đã sử dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất và thu hoạch; thực hiện luân canh, xen canh, bón phân hợp lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như IPM, 3 giảm, 3 tăng… Nhờ đó năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi hàng năm đều tăng.

Minh chứng như gia đình chị Nguyễn Thị Phấn ở thôn Xuân Thạnh 2, là hộ nghèo của xã, được Đoàn thanh niên và Mặt trận xã hỗ trợ trao tặng nhà và bò để giúp chị vươn lên thoát nghèo. Chị Phấn tâm sự: Chồng bệnh ung thư mất khi các con ở tuổi ăn, tuổi học, và còn nuôi mẹ chồng già nên tôi phải gồng gánh vừa làm nông vừa làm thuê. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tôi có điều kiện chăn nuôi bò, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả

Trao đổi về mô hình liên kết sản xuất, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Tân Tây cho biết: Các mô hình hiệu quả gồm mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm loại giống lúa BĐR 27 với diện tích 120ha, năng suất đạt 84,5tạ/ha; mô hình cánh đồng mẫu giảm lượng giống gieo sạ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, loại giống OM2695-2 với diện tích 50ha, năng suất 83,2 tạ/ha; mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ sinh thái giảm thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, HTX triển khai phương án trồng khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao TBR1 với diện tích 1ha ở Cửa Đồng Hội Cư, vụ hè thu năm 2020 tiếp tục trồng khảo nghiệm thêm giống lúa chất lượng cao ST25 với diện tích 1ha, bao tiêu sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu Gạo chất lượng cao của Hòa Tân Tây để cung ứng sản phẩm gạo ra thị trường. Hiện tại xã tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ: “Làng nghề trồng hoa tại thôn Xuân Thạnh 2” trên diện tích 1ha, đã có sản phẩm và tiêu thụ ra thị trường trên địa bàn xã và các xã lân cận, đem lại thu nhập đáng kể cho các nhà vườn; trồng sen kết hợp tham quan du lịch ở khu vực Lù Bầu, thôn Xuân Thạnh 2 và khu vực Hóc Răm.

Ông Đoàn Ngọc Khang ở thôn Phú Khánh, chia sẻ: Gia đình tôi có diện tích thực hiện mô hình cánh đồng mẫu giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện mô hình, được Nhà nước hỗ trợ 100% lượng giống gieo sạ với 5kg/sào; sự hướng dẫn sâu sát, kịp thời của Hội đồng quản trị HTX nên trong suốt thời gian thực hiện mô hình, tôi và bà con trong thôn thay đổi nhận thức, thói quen sạ dày trong canh tác lúa sử dụng giống xác nhận, từng bước nâng cao trình độ thâm canh của nông dân và được thu hoạch đồng loạt bằng cơ giới hóa.

Các ông Lê Xuân Cảnh, Huỳnh Khóa Sơn, Nguyễn Hát ở thôn Hội Cư trồng dưa hấu kết hợp với trồng bắp, bầu, bí, khổ qua ở vùng Eo Bầu, cho biết hàng năm thu nhập từ mô hình này cao gấp hai lần so với trồng lúa trước đây.

Bài cuối: “Chạy đua” về đích xã nông thôn mới nâng cao

THÙY TRANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/418/245627/suc-song-moi-tren-vung-dat-anh-hung-hoa-tan-tay.html