Sức sống mới trên vùng phên dậu
Trên vùng núi cao giáp biên giới Lào của tỉnh Quảng Nam, có những ngôi làng thuộc 4 xã vùng cao khu 7 vốn nghèo khó. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, đời sống người dân đã khởi sắc khi cửa khẩu được mở, sản xuất nông lâm nghiệp phát triển...
Bản làng được quy hoạch lại trong chương trình định canh, định cư lâu dài của huyện Tây Giang.
An cư, lạc nghiệp
Bốn xã vùng cao của huyện Tây Giang giáp Lào trước kia thường được gọi là khu 7, trong tâm trí nhiều người, đó là vùng biên viễn cheo leo, nghèo khó và xa lắc. Nhưng giờ đây, trên miền phên dậu ấy, đồng bào Cơ Tu tại 4 xã gồm Tr“Hy, Gary, Ch”Ơm và A Xan vẫn đang từng ngày từng giờ vươn lên để thoát đói nghèo.
Nhiều năm trước, đường đến các xã giáp biên như A Xan, Ch“Ơm đầy cơ cực. Xe đò chỉ đến trung tâm huyện lỵ, còn muốn đến các xã khu 7, chỉ có một cách là đi xe thồ, hoặc cuốc bộ vì mùa mưa đường đất trơn trượt, sạt lở chia cắt. Tuyến đường lên các xã vùng cao này đi qua 4 xã của huyện Tây Giang gồm Tr”Hy, Gary, Ch’Ơm và A Xan đã thi công chừng 7 năm nay để nối với cửa khẩu Tây Giang (Quảng Nam) - Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào).
Tây Giang đã khoác lên mình tấm áo mới, đường lên Tây Giang có nhiều con đường nhựa dọc ngang chạy về đến trung tâm huyện lỵ. Không chỉ đường, điện chiếu sáng cũng lung linh đến các buôn, nóc của người Cơ Tu. Sau gần nhiều năm tái lập, từ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương đầu tư, huyện Tây Giang bắt tay vào đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng cao, đầu tiên là mở rộng và nâng cấp tuyến đường huyết mạch khoảng 40km, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn rất nhiều.
Từ khi con đường Tây Giang sang Lào được mở ra, UBND huyện Tây Giang quyết tâm “quy hoạch” lại các bản làng người Cơ Tu. Vẫn theo cấu trúc cũ nhưng hiện đại hơn, quy củ hơn và có nhiều công trình vệ sinh công cộng, trường học, sân chơi thể thao… một cách bài bản. Làng nào cũng đặt nhà Gươl ở giữa làng, xung quanh là sân chơi, rồi mới đến các lớp nhà của các hộ dân vây xung quanh, ngoài xa là ruộng lúa.
Anh Zơ Râm Buôn (bản Ca Nong 1, xã A Xan) cho biết: “Xưa nay, đồng bào sống lựa theo các triền dốc núi. Các mái nhà sàn gỗ lợp lá rừng cheo leo từ cao chuyển dần xuống địa hình thấp cạnh các con suối chảy xuống từ dãy Trường Sơn. Bây giờ nhà gỗ lợp tôn chắc chắn, lại ở trên cao nên không sợ lũ cuốn. Làng quy hoạch có chỗ vui chơi giải trí nên đời sống tinh thần của bà con được nâng lên. Muốn đời sống bà con được cải thiện, trước hết phải ổn định chỗ ở đã!”.
Có được điều đó là nhờ nhiều năm qua, việc triển khai chính sách định canh, định cư, sắp xếp ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh, đến nay, huyện Tây Giang đã san ủi và bố trí cho gần 3.400 hộ dân có chỗ ở ổn định tại 70 điểm định cư (diện tích tại mỗi điểm từ 4-10ha).
Bây giờ, vào các bản thấy đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Có sân cho trẻ con chơi, có ti vi, truyền hình cáp cho người làng xem, có công trình nước sạch, nhà vệ sinh…, không lo dịch bệnh nữa. Trong những ngôi nhà mới, những chiếc chảo bắt sóng vệ tinh để xem ti vi cũng được đưa đến. Nhiều nhà, tiếng nhạc xập xình phát ra. Bây giờ đã hết cảnh nhà trên chuồng trại sát nhà dưới, rồi mưa đến, phân gio, nước thải từ chuồng trại chảy tràn xuống. Không còn bệnh tật, đồng bào sống vui khỏe hơn hẳn, có nhiều thời gian làm lụng và nuôi dạy con cái hơn.
Người dân Tây Giang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng cây đẳng sâm, ba kích tím.
Đổi thay trên vùng biên viễn
Ở một huyện vùng biên với 8/10 xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào mà làm được lúa nước và không ngừng mở rộng là nỗ lực lớn của đồng bào và chính quyền nơi đây. Việc cơ giới hóa, thủy lợi hóa sản xuất lúa nước, áp dụng các biện pháp khoa học cũng không còn xa lạ với đồng bào.Nhiều người tự hào rằng, Tây Giang là “vựa lúa nước vùng cao”, điều đó có lẽ không quá lời. Với hơn 868ha lúa nước hai vụ, quả là một kỳ tích. Nhờ có lúa nước, lại được sự hướng dẫn của các cán bộ BĐBP, người dân trong xã bây giờ đã hết đói. Có nơi lúa làm ra dư ăn cả năm, bà con còn đem bán. Nhiều thôn ký cam kết… không nhận gạo cứu đói của Nhà nước nữa.
Trong các gia đình ở thôn Ca Nong 1, xã A Xan, nhà nào có tới hơn chục sào ruộng đã là bình thường. Đất trồng lúa của A Xan hầu hết được quy hoạch để nhân giống lúa đặc sản của đất Tây Giang là lúa Proong và Xươn để vừa bảo tồn giống lúa quý của người Cơ Tu, vừa “nuôi” chủ trương phát triển loại gạo đặc sản dẻo thơm này thành hàng hóa. Lâu nay, với việc trồng bằng kỹ thuật lúa nước, người dân đã không còn thiếu hụt lương thực.
Trước kia, người Cơ Tu thường trồng một vụ lúa Xươn và một vụ lúa nếp. Ngày nay, người ta vẫn duy trì trồng loại lúa này, kết hợp với một vụ lúa tẻ giống do huyện cấp là lúa X21, Xi23... Do biết canh tác và biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc nên năng suất lúa không ngừng tăng nhanh từ 1 vụ lên 2-3 vụ/năm, năng suất từ 4-4,2 tấn/ha. Nhiều hộ đã có gạo dôi dư để bán lại cho đồn Biên phòng, các loại lương thực khác như ngô, sắn đã dành cho phát triển chăn nuôi. Những vùng đất đồi trọc là hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy giờ đã được phủ xanh nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm như quế, bưởi…
Không chỉ nông nghiệp, huyện Tây Giang xác định, cây đặc hữu đẳng sâm và ba kích là cây dược liệu chủ lực của huyện vùng cao này. Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đẳng sâm, ba kích huyện Tây Giang hình thành vùng dược liệu hàng hóa đã được thực hiện. Để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt, đồng thời nâng cao sinh kế bền vững cho người dân, các hợp tác xã dược liệu đã liên kết với người dân để trồng đẳng sâm, ba kích bán tự nhiên trên đất nương rẫy hay phát triển thành các trang trại chuyên trồng các loại dược liệu này.
Nhiều năm về trước, ở huyện miền núi Tây Giang có già làng Bhríu Pố, dân tộc Cơ Tu nổi danh là “vua ba kích”. Rồi cơ duyên đến, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Hiển cùng niềm đam mê và mơ ước trồng dược liệu đến với già làng Bhríu Pố, cùng nâng tầm cây ba kích lên. Sau hơn 10 năm gắn bó cùng núi rừng Tây Giang, Hiển đã trở thành “vua ba kích” mới của vùng này.
Bây giờ, Hiển làm chủ vườn ươm rộng hàng ngàn mét vuông, cung cấp 120.000 cây giống ba kích hằng năm cho địa bàn Quảng Nam. Vườn ươm của anh là nơi cung cấp toàn bộ cây giống ba kích cho địa bàn tỉnh Quảng Nam và các vùng núi Tây Nguyên. Nhờ gắn bó với loại cây này, Hiển từng trở thành Phó Chủ tịch UBND xã trẻ nhất của huyện Tây Giang khi mới 24 tuổi, dù không phải là người địa phương và cũng không phải là người Cơ Tu, một biệt lệ hiếm thấy ở vùng đất này.
Hiện nay, trên địa bàn xã A Xan và Ch’Ơm, bà con đã được xem các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. 100% con em đồng bào dân tộc trong xã đã được cắp sách đến trường và học trong những ngôi trường được xây dựng vững chãi, khang trang. 100% các thôn bản đều có nhà Gươl văn hóa làm nơi hội họp, đọc sách, nghe đài. Huyện Tây Giang đã có gần 400km đường giao thông đến tận từng khu dân của 70 thôn; 84/95 khu dân cư đoạn tuyệt hẳn với đời sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, có điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…
Tiêu Dao
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-phong/suc-song-moi-tren-vung-phen-dau/190932.htm