Sức sống phong trào hát chèo truyền thống ở Nông Cống

Hát chèo là một trong những môn nghệ thuật truyền thống có tuổi đời nghìn năm, gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc ta. Những chiếu chèo luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong văn hóa của người Việt, nhất là khu vực phía Bắc. Tại Thanh Hóa, nghệ thuật hát chèo cũng xuất hiện và tồn tại từ rất lâu ở nhiều địa phương trong tỉnh như Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung... Tuy vậy, khi nói đến hát chèo cổ thì chắc rằng Nông Cống mới là nơi có lịch sử lâu đời nhất.

Thi hát chèo truyền thống trên sông trong khuôn khổ lễ hội đền Mưng (xã Trung Thành).

Nghệ thuật hát chèo cổ (hát chèo thờ) gắn với lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành có lịch sử tồn tại đã gần 1.400 năm. Đây cũng là điểm nhấn đặc sắc nhất của lễ hội này, đã được gìn giữ và duy trì cho đến nay. Theo tìm hiểu từ các nghệ nhân ở xã Trung Thành: Chèo thờ làng Mưng bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động. Làng vốn nằm ở hữu ngạn sông Lãng Giang (xã Trung Thành, Nông Cống). Đền Mưng thờ Thánh Lưỡng. Theo truyền thuyết, Thánh Lưỡng là em của Tam Giang thần nữ tức Vua Bà. Thánh Lưỡng hy sinh anh dũng trong chiến trận. Bà chị thương em nhảy xuống sông Lãng tự vẫn, thi thể trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa sông Lãng, sông Hoàng và sông Yên thì được dân làng đưa lên an táng, lập đền thờ Vua Bà (hiện thuộc xã Tế Tân), cúng bái từ mùng 5 đến mùng 8-3 (âm lịch). Ngày mùng 8 có lệ “em đến thăm chị”: Thánh Lưỡng được rước xuống đền Vua Bà. Lệ rước bằng thuyền, dọc dòng Lãng Giang dài khoảng 10 km, vì vậy mà có hội chèo thờ tháng Ba (hay còn gọi là trò hát thờ).

Thông lệ hàng năm, tham gia hội chèo thờ có các đội chèo của 8 làng thuộc hai xã Trung Thành và Trung Chính, sống quanh sông Lãng (thực địa sẽ diễn ra “chèo nước” - tức hát chèo dưới nước). Các đội vừa chèo thuyền, vừa thi thố tài năng hát chèo trên sông với những làn điệu chèo cổ. Trong khi đó, để tham gia chèo cạn, các đội phải đặt một con thuyền không đáy được trang trí khá đẹp. Trong khoang thuyền là 16 nữ quan, áo quần mớ ba mớ bảy, khăn, dây xà tích của nữ chèo được là lượt cẩn thận, cứ hai người cầm một mái chèo đứng đối mặt nhau, chân nâng nhè nhẹ, bước lên rồi lại lùi xuống nhịp nhàng, khoan thai. Dù là chèo nước hay chèo cạn, theo yêu cầu của “đạo diễn” (là các nghệ nhân cao tuổi từng tham gia các hội chèo Mưng xưa kia), các nữ quan phải làm sao cho khuôn mặt toát lên vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng, nụ cười cắn chỉ, mắt sáng long lanh, tay các nữ quan đưa ra nhịp nhàng rồi thì lại vuốt lại mái chèo như kiểu người dệt vải chuốt sợi. Các thuyền nối đuôi nhau chèo lượn, dòng sông sáng rực ánh đèn, vẳng tiếng hò khoan của nữ chèo, có trống cơm đệm nhạc. Cứ thế, những câu hát “vận từ ca dao” của các nam thanh nữ tú trên bờ dưới thuyền “giao duyên” với nhau.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ hội người dân trong vùng lại tạm gác mọi công việc để đến tham dự. Khi các thuyền chuẩn bị xuất phát cũng là lúc người dân hai bên bờ hò dô, cổ vũ. Đoàn thuyền theo dòng Lãng Giang uốn lượn xuôi xuống đền Vua Bà, đến mỗi làng trên khúc sông thuyền xuôi qua, theo thói quen các nữ chèo lại cất lên những câu hát quen thuộc trong 28 làn điệu chèo cổ làng Mưng. Hát chèo còn được mở rộng, phát triển ở nhiều địa phương khác trong huyện. Tháng 12-2019, Lễ hội đền Mưng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo báo cáo của huyện, hiện nay, tại các thôn của xã Trung Thành và một số xã khác như Trường Sơn, Vạn Thắng, Tế Thắng, Công Liêm... đều có các câu lạc bộ (CLB), có các đội hát chèo duy trì hoạt động hàng năm, tham gia tích cực vào các hội thi, hội diễn, giao lưu cấp tỉnh, cấp huyện. Các xã hàng năm cũng đều tổ chức được các hội diễn, thi tài giữa các đội hát chèo. Từ đó đã tạo ra sự sôi động cho phong trào văn nghệ của địa phương. Tại các kỳ hội thi văn nghệ quần chúng cấp huyện (2 năm tổ chức 1 lần) có ít nhất từ 4 đến 6 đội hát chèo tham gia. Từ những hạt nhân là các nghệ nhân hát chèo, huyện Nông Cống đã thường xuyên cử các đội hát chèo tham gia các liên hoan, hội diễn cấp tỉnh. Gần đây nhất, đội hát chèo của huyện với nòng cốt là các nghệ nhân hát chèo đền Mưng, đại diện cho huyện Nông Cống đã giành giải A tại Liên hoan văn hóa các dân tộc toàn tỉnh năm 2018.

Ông Trần Văn Phượng, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nông Cống, cho biết: Trong thời gian tới, huyện Nông Cống xác định rõ, hát chèo là một trong những loại hình nghệ thuật được quan tâm, đầu tư có trọng điểm nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa – văn nghệ của địa phương. Bên cạnh việc khuyến khích tạo điều kiện cho các đội, CLB hát chèo hoạt động thường xuyên, hằng năm huyện cũng tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng nhưng có phần trao giải riêng cho hát chèo. Bên cạnh đó, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ thêm kinh phí cho các đội, CLB hát chèo tham gia các hội thi, hội diễn khu vực, cấp tỉnh và kể cả các ngành. Ở góc độ bảo tồn, hiện nay huyện cũng đang lập danh sách các nghệ nhân hát chèo để đề nghị công nhận là nghệ nhân dân gian... Đây là nỗ lực của huyện trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/suc-song-phong-trao-hat-cheo-truyen-thong-o-nong-cong/117874.htm