Sức sống, tình người nơi vùng biên giới Thuận Hạnh

Đất đai phì nhiêu màu mỡ, thời tiết khí hậu ôn hòa rất thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, lại nằm trên điểm giao nhau giữa hai quốc lộ 14 và 14C, xã biên giới Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển. Thực tế cho thấy, lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Thuận Hạnh diễn ra khá 'xuôi chèo mát mái'. Năm 2019, sau khi 'chạm đích' xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thuận Hạnh tự tin bước vào 'đường đua' mới khó khăn hơn rất nhiều - xây dựng NTM nâng cao, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Trong nhịp điệu phát triển ấy, bản sắc của một vùng biên giới yên ả, thanh bình, ấm áp tình người vẫn luôn được nâng niu gìn giữ...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Song hỗ trợ ngày công chăm sóc vườn hồ tiêu cho bà con ở xã Thuận Hạnh. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Song hỗ trợ ngày công chăm sóc vườn hồ tiêu cho bà con ở xã Thuận Hạnh. Ảnh: Thái Kim Nga

Phát triển nông nghiệp mang tính hàng hóa bền vững

Có thể nói, đối với một xã biên giới thuần nông đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên như Thuận Hạnh, con số hơn 7.000ha cây trồng chia đều cho 11.226 nhân khẩu thì chưa thể gọi đây là nơi “đất rộng, người thưa” để có thể tận dụng lợi thế về quỹ đất sản xuất. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thế mạnh của xã Thuận Hạnh nằm ở chỗ đất đai phì nhiêu màu mỡ, thời tiết khí hậu ôn hòa rất phù hợp phát triển các loại cây hàng hóa chất lượng cao.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội xã Thuận Hạnh, 6 tháng đầu năm 2024, toàn bộ diện tích cây trồng ngắn và dài ngày đều đạt 100% kế hoạch đề ra, trong đó có sự góp mặt của nhiều loại cây đang ở “đỉnh hót” về giá trên thị trường như cà phê (2.071ha), hồ tiêu (2.281ha), sầu riêng (993ha), mắc ca (255ha). Năng suất cây trồng cũng không ngừng được nâng cao nhờ áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ triệt để các quy trình trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó là việc chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại vừa và nhỏ, quản lý chặt chẽ số lượng, triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm trên địa bàn xã để duy trì ổn định tổng đàn gần 25.000 con gia súc (trâu, bò, dê, lợn) và hơn 12.000 con gia cầm các loại.

Chuỗi giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản giữ vững sự ổn định, hoạt động thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trên thị trường và tiêu dùng của nhân dân, tránh được tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá, ép giá nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như vụ mùa thu hoạch và Tết Nguyên đán. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để hướng tới mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển nền nông nghiệp mang tính hàng hóa, bền vững.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là về y tế và giáo dục, nhờ những thành tựu đạt được trong xây dựng NTM, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, 100% người dân xã Thuận Hạnh được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và học tập, các chương trình an sinh xã hội, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được triển khai đến tận hộ gia đình và cụm dân cư.

Đời sống người dân trên địa bàn xã Thuận Hạnh không ngừng được nâng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, mức thu nhập bình quân đã đạt đến con số 61 triệu đồng/người/năm, toàn bộ số hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo đều được hưởng lợi từ các chương trình an sinh xã hội, mô hình phát triển sản xuất, được tiếp cận hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, nhà ở...

Với nhịp độ phát triển như hiện nay, có thể khẳng định, mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao đang nằm trong tầm tay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã biên giới Thuận Hạnh.

Nét đẹp tình người

Trong “bức tranh” kinh tế sống động với “gam màu” chủ đạo là những chỉ số phát triển cao, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến bản sắc đặc trưng của một vùng biên giới yên ả, thanh bình, ấm áp tình người ở xã Thuận Hạnh.

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Song mà gia đình ông Trần Văn Lẹ đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Kim Nga

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Song mà gia đình ông Trần Văn Lẹ đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Kim Nga

Được trải nghiệm thực tế địa bàn cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Đắk Song, BĐBP Đắk Nông đơn vị trực tiếp quản lý xã Thuận Hạnh, chúng tôi cảm nhận sâu sắc “hai nửa” trong một con người những chàng trai làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới: Một nửa là tính kỷ luật, khoa học, chính xác, quyết đoán trong tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; còn nửa kia là sự đồng hành gần gũi, thân thương, kiên trì và trách nhiệm trong công tác dân vận xây dựng địa bàn.

Trên “cuộc chạy marathon" mang tên xây dựng NTM, những người lính BP luôn là người “đi trước về sau”. Nói một cách khác, trong khi đất và người Thuận Hạnh đang chuẩn bị chinh phục “đích đến” NTM nâng cao thì đâu đó dưới những mái nhà xiêu vẹo xuống cấp, lính BP vẫn cần mẫn với sứ mệnh người đồng hành, tiếp sức của mình.

Tại Đội công tác địa bàn của Đồn BP Đắk Song, đứng chân ở thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh, cậu bé mồ côi cha Nguyễn Đức Thắng vẫn ngày qua ngày đến trường học trên chuyến xe đưa đón của những người cha nuôi BP. Hình ảnh thật đẹp này diễn ra một cách lặng lẽ không dễ nhìn thấy, bởi mái ấm người lính nằm sâu bên trong vườn hồ tiêu, cây ăn quả của bà con và được xây dựng trên chính mảnh đất người dân hiến tặng.

Trung tá Lương Đình Hùng, Chính trị viên Đồn BP Đắk Song chia sẻ: “Mảnh đất này do bác Phạm Văn Thiếu tự nguyện hiến tặng cho đơn vị. Chúng tôi luôn trân trọng tình cảm, tấm lòng của nhân dân dành cho BĐBP và nguyện sẽ nỗ lực hết mình cống hiến, góp phần xây dựng xã Thuận Hạnh ngày càng phát triển. Với khả năng của mình, chúng tôi lựa chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng mô hình phát triển kinh tế, làm từng bước một, giúp bà con thoát nghèo vươn lên...”.

Vâng, gần gũi, thân thương, kiên trì, trách nhiệm - đó là “bí quyết” để người lính Đồn BP Đắk Song duy trì bản sắc của một vùng biên giới yên ả, thanh bình và ấm áp tình người. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giúp dân lao động sản xuất, phòng, chống thiên tai dịch bệnh, Đồn BP Đắk Song đẩy mạnh xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Năm 2017, đồn lựa chọn gia đình ông Trần Văn Lẹ, ở thôn Thuận Trung, xã Thuận Hạnh xây dựng mô hình bò sinh sản. Chỉ với con bò giống ban đầu do đồn hỗ trợ, cùng chuỗi ngày dài đồng hành của người lính, đến nay, gia đình ông Trần Văn Lẹ đã phát triển đàn bò lên 7 con, thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Để tiếp tục giúp gia đình ông Lẹ phát triển kinh tế một cách bền vững, mới đây, chính quyền địa phương lại hỗ trợ một con bò giống nhưng ông từ chối vì: “Những cái cần thiết nhất đã có BĐBP giúp đỡ rồi, giờ điều kiện kinh tế đã ổn định nên muốn nhường lại cho người khác khó khăn hơn...”. Nét đẹp của người nông dân chân chính là ở chỗ đó, họ chấp nhận lam lũ “một nắng hai sương” suốt cả năm ròng chỉ để có được “lưng vốn” giải quyết khó khăn trong gia đình, nhưng cũng sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” cho người khác khi thấy mình đã có thể tự vươn lên.

Hay như câu chuyện của chị Trần Thị Hà (mẹ của cháu Nguyễn Đức Thắng) ở thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh. Năm 2021, trước gia cảnh khó khăn của chị Hà (chồng qua đời do tai nạn), Đồn BP Đắk Song đã hỗ trợ con giống, ngày công lao động làm chuồng trại để xây dựng mô hình nuôi heo lai. Sự đồng hành của người lính đã giúp gia đình chị Hà từng bước ổn định cuộc sống, với đàn heo lai có thời điểm phát triển lên đến hàng chục con. Để tiếp tục san sẻ gánh nặng cho người phụ nữ đơn thân, tháng 9/2023, đồn quyết định nhận cháu Nguyễn Đức Thắng làm con nuôi với tâm nguyện chắp cánh thêm ước mơ về một tương lai tươi sáng. Trong vòng tay yêu thương của những người lính, cậu con nuôi Nguyễn Đức Thắng đã bước đầu có những cải thiện về thể chất và học lực để có thể trở thành con ngoan, trò giỏi. “Nếu không có sự giúp đỡ của các anh, các chú ở đồn BP, cuộc sống của mẹ con tôi không biết sẽ như thế nào...” - chị Trần Thị Hà nghẹn ngào chia sẻ với chúng tôi như thế.

Vẫn còn rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình quân dân biên giới ở xã Thuận Hạnh. Chung quy lại, trong sự “thay da đổi thịt” diễn ra từng ngày từng giờ ở vùng NTM này có một giá trị đã trở nên bất biến, đó là tình người để làm nên nét đẹp của vùng vùng biên giới yên ả, thanh bình và phát triển.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-song-tinh-nguoi-noi-vung-bien-gioi-thuan-hanh-post479538.html