Hội viên nông dân vươn lên từ mô hình làm bánh phở

Bằng sự cần cù, chịu khó và tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Trần Văn Hữu (sinh năm 1985) ở thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã mạnh dạn vay vốn để mở xưởng sản xuất bánh phở. Trải qua nhiều khó khăn, từ nghề làm bánh phở đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Anh Trần Văn Hữu sắp xếp bánh phở trước khi đóng gói cho khách hàng

Anh Trần Văn Hữu sắp xếp bánh phở trước khi đóng gói cho khách hàng

Anh Hữu sinh ra và lớn lên tại thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc. Năm 2009, anh Hữu lập gia đình, khi đó cả hai vợ chồng anh đều không có việc làm ổn định nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gia đình anh cũng không có ruộng vườn để canh tác nên phải đi làm thuê cho các hộ sản xuất cao khô trên địa bàn xã. Năm 2014, nhận thấy trên địa bàn huyện có nhiều quán bán đồ ăn sáng như bún, phở nhưng phải nhập bánh phở từ thành phố Lạng Sơn về nên anh Hữu nảy ra ý định mở xưởng sản xuất bánh phở để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Hữu chia sẻ: Thời điểm mở xưởng sản xuất bánh phở, gia đình tôi gặp khó khăn về vốn, chạy vạy khắp nơi vay mượn họ hàng nhưng không ai dám cho vay vì gia đình mình còn khó khăn. Trong lúc đang loay hoay về vốn, năm 2015, tôi được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mua cối, phên và nồi nấu làm bánh phở. Ban đầu, các công đoạn sản xuất bánh phở từ xay bột, tráng bánh, cắt bánh đều được làm thủ công. Tuy nhiên, do bản thân chưa có kinh nghiệm nên bánh phở của gia đình tôi làm ra thường bị nát, không có độ dẻo, dàn bánh không đều nên chỗ dày chỗ mỏng, tiêu thụ gặp khó khăn do bánh phở làm ra chưa đạt chất lượng.

Không nản chí trước những khó khăn đó, anh chủ động nghiên cứu, tìm tòi thêm trên mạng và các mô hình sản xuất bánh phở tại các huyện khác. Với suy nghĩ làm tốt để tạo dựng niềm tin ở khách hàng, anh Hữu đặt ra nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh là “không chất tẩy rửa, không phụ gia, không hóa chất, không hàn the” mà vẫn giữ được sợi phở dai, dẻo thơm và đảm bảo về giá trị dinh dưỡng. Theo anh Hữu, để bánh phở ngon dai, mềm, ngọt mà không bị trương, nguyên liệu và quy trình sản xuất là điều quyết định. Trước tiên phải sử dụng gạo bao thai bản địa, thời gian ngâm gạo không được quá lâu, nếu không khi nghiền, tráng dễ bị nát bánh và gây chua. Ngoài ra, bánh phở phải để 2 - 3 tiếng cho nguội mới đem thái hoặc đóng gói. Đặc biệt, bánh phở được gia đình anh Hữu sản xuất và giao trong ngày nên chất lượng đảm bảo.

Từ sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, bánh phở của gia đình anh Hữu sản xuất ra đã đảm bảo chất lượng và được nhiều khách hàng tin tưởng. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, bánh phở của gia đình anh chủ yếu chỉ bán tại xã. Để nhiều khách hàng biết đến, vợ chồng anh không ngại khó khăn, hằng ngày từ 5 giờ sáng, anh Hữu đã mang bánh phở đi bán lẻ tại các chợ phiên của huyện. Dần dần, bánh phở của gia đình anh Hữu được nhiều khách hàng trên địa bàn huyện biết đến và đặt mua.

Chị Chu Thị Huế, thôn Chi Quan, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Từ khi mở quán bán phở, tôi đã thử mua bánh phở của nhiều nhà. Tuy nhiên, tôi thấy bánh phở của gia đình anh Hữu được khách hàng yêu thích nhất bởi bánh phở có độ dẻo, dai, không bị nát do được làm từ gạo bao thai. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi đặt mua của gia đình anh Hữu 20 kg bánh phở.

Khi đã có lượng khách hàng ổn định, năm 2018, gia đình anh Hữu đầu tư máy móc sản xuất bánh phở theo dây chuyền khép kín, hiện đại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình anh tráng được hơn 2 tạ bánh phở và giao cho nhiều quán phở trên địa bàn huyện. Từ nghề làm bánh phở, trung bình mỗi năm gia đình anh Hữu có thu nhập trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc đánh giá: Anh Trần Văn Hữu là tấm gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế gia đình của xã. Mô hình sản xuất bánh phở không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giúp tạo việc làm cho 2 lao động. Bên cạnh đó, anh Hữu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hộ gia đình khác trên địa bàn xã khi có nhu cầu.

Với sự nỗ lực đó, tháng 1/2024, anh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/vuon-len-tu-nghe-lam-banh-pho-truyen-thong-5020442.html