Sức sống 'Truyện Kiều' trong đời sống hôm nay
Hàng trăm ấn bản 'Truyện Kiều', triển lãm các bức họa Kiều, lẩy Kiều, thơ nhạc Kiều... là chuỗi hoạt động nằm trong sự kiện 'Ai nhớ Tố Như...' nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820-2020) vừa được MaiHaBooks tổ chức tại Hà Nội, góp sức lan tỏa sức sống của 'Kiều' và các tác phẩm của Nguyễn Du trong đời sống hôm nay.
Đặc sắc không gian “Kiều”
Bộ sưu tập thư và họa của MaiHaBooks về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” lần đầu tiên ra mắt công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội). Đây là bộ sưu tập công phu với hàng trăm ấn phẩm là các phiên bản “Truyện Kiều” khác nhau qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay) và các tác phẩm tiêu biểu khác của Nguyễn Du; cùng hơn 40 bức họa Truyện Kiều của các họa sĩ trong và ngoài nước. Không gian trưng bày “Kiều trong thời đại Nguyễn Du” đã đưa người xem được đắm chìm trong vẻ đẹp quyến rũ của “Truyện Kiều” và thấu cảm nỗi lòng, tâm hồn thi hào Nguyễn Du. Trong khi đó, không gian “Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1900-1945” mang đến cảm quan của buổi giao thời giữa hai nền văn hóa Đông-Tây đầu thế kỷ XX.
Sau 100 năm ra đời, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du bừng dậy trong một hình thức thể hiện mới: “Truyện Kiều” bằng chữ Quốc ngữ; “Truyện Kiều” trở thành một tuyệt phẩm ngôn ngữ Việt, được dịch sang tiếng Pháp và thế giới biết đến. Còn tại không gian “Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1946-1954 và tới 1975” khá đặc biệt với các ấn phẩm và họa phẩm Kiều của các học giả, họa sĩ miền Nam và miền Bắc. Dù trong chiến tranh ác liệt, người Việt Nam vẫn giữ tình yêu thương trọn vẹn cùng niềm tự hào về những câu Kiều thấm hồn dân tộc. “Truyện Kiều” và Nguyễn Du vẫn luôn là sợi dây nối kết người Việt vào tình yêu tiếng Việt, hòa vào một thể thống nhất của tâm hồn, số phận và tâm tình dân tộc.
Không gian trở nên sống động với trưng bày thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và thư pháp gia Châu Hải Đường với tựa đề “Kiều trong cuộc sống hôm nay”. Hơn 20 bức tranh là sự kết hợp ấn tượng giữa trường phái hội họa lập thể của phương Tây và thư pháp truyền thống của phương Đông trong những họa hình sâu sắc, tinh tế về Kiều, được thể hiện trên chất liệu giấy dó truyền thống Việt Nam.
Nói về họa Kiều, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, để minh họa trên “Truyện Kiều” thì năng lực, cảm hứng, cách tiếp cận thi ca của người họa sĩ phải tinh tường hơn người khác. Xem nhiều cuốn sách trong trưng bày lần này, tất cả các thế hệ họa sĩ Việt Nam đều có tác phẩm họa Kiều, cho thấy sức sống trường tồn của “Truyện Kiều”. Nổi bật nhất là các tác phẩm họa Kiều trên giấy dó của bộ tứ họa sĩ Việt Nam là: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn.
Lan tỏa sức sống của "Truyện Kiều"
200 năm “Truyện Kiều” hòa vào hồn dân tộc là 200 năm tiếng Việt được ngân lên đẹp đẽ, trong trẻo mà sâu lắng từ ngòi bút tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du. Ngày nay, “Truyện Kiều” càng thêm nhiều ý nghĩa, giúp ta nhìn sâu vào tính cách người phụ nữ Việt Nam qua cốt cách nàng Kiều, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mỹ miều của văn chương Việt sau bao thế kỷ mà đủ sức nâng mình lên để thấu hiểu Nguyễn Du.
Với mong muốn đáp ứng niềm yêu thích “Truyện Kiều” và văn chương Việt Nam, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, dịp này MaiHaBooks tái bản 3 ấn phẩm đặc sắc về “Truyện Kiều”, gồm: “Kim Vân Kiều” (tái bản theo bản in năm 1951), “Lãm Thúy tập” và “Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du”. Theo bà Hà Thị Hương Mai, Tổng giám đốc MaiHaBooks, các ấn phẩm được chọn lọc in ấn, phát hành lần này trong tuyển tập Bộ sách Kiều là phần mở đầu của Tủ sách Di sản Việt Nam, mà MaiHaBooks đang nỗ lực thực hiện như một sự tôn vinh, lan tỏa những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Tâm đắc với chuỗi hoạt động “Ai nhớ Tố Như...”, GS Trần Đình Sử nhận xét: “Giá trị lớn nhất Đại thi hào Nguyễn Du để lại là nghệ thuật viết, các tác phẩm chữ Nôm, trong đó có “Truyện Kiều” đi vào lòng người hấp dẫn, lôi cuốn, khiến người đời muốn đọc đi đọc lại, muốn lưu trữ. Hoạt động lần này tạo điểm đến văn hóa cho mọi đối tượng công chúng; các ấn bản dựa trên những câu thơ của "Kiều" để sáng tác nên những bài thơ mới một mặt thể hiện sự say mê, thuộc Kiều, một mặt thể hiện khả năng sáng tác mới, mang tính chất chơi văn, thể hiện tài hoa mà không ai cũng có thể làm được. Tôi rất quan tâm đến vấn đề giảng dạy “Truyện Kiều” trong trường học. “Truyện Kiều” dạy cho học sinh từ lớp 9, nhưng đến lớp 12 thi tốt nghiệp lại thi văn học đương đại”. GS Trần Đình Sử gợi ý, nên đưa “Truyện Kiều” vào chương trình học và thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, để từ đó thế hệ trẻ quan tâm và hiểu về tuyệt phẩm văn học này nhiều hơn nữa.
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam đánh giá cao chuỗi hoạt động được tổ chức, đã thu hút khá đông bạn trẻ đến thưởng lãm, đặc biệt là việc phát hành bộ sách Kiều. Ông nói: “Các tác phẩm xuất bản này rất có ý nghĩa. “Truyện Kiều” là di sản của Việt Nam, có nhiều ấn bản khác nhau rất quý giá, song nếu các nhà sưu tập cứ chỉ giữ cho riêng mình thì không thể phát huy hết giá trị của tác phẩm. Ngày nay văn hóa đọc cũng đang có xu hướng được nhân rộng nhiều hơn, do vậy việc tái bản in ấn, phát hành tới bạn đọc của ngày hôm nay là điều hết sức cần thiết, góp sức lan tỏa giá trị, vẻ đẹp của Kiều trong cuộc sống”.