Sức trẻ trong tranh của vợ chồng nghệ sĩ tuổi 80
Từ sự đồng điệu với nhau trong nghệ thuật, họ yêu nhau đến nay đã tròn 50 mùa xuân. Ở tuổi 80, những họa phẩm đầy nội lực của vợ chồng nghệ sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh vẫn khiến người xem phải bất ngờ.
Triển lãm “50 - 70 - 80” của vợ chồng họa sĩ cao tuổi nhất Việt Nam đã tạo thêm một dấu ấn đẹp cho hội họa nước nhà. Với 50 tranh và 6 tượng gốm, trong đó có 2 bức dài 10 – 11m, không chỉ thể hiện sức trẻ, mà còn bày rõ nội lực sáng tạo của nghệ sĩ cao niên.
Đam mê không thể dừng
Họa sĩ Lê Triểu Điển (tuổi 80), họa sĩ – nhà thơ Hồng Lĩnh (tuổi 70) đã khiến công chúng và giới nghệ thuật kinh ngạc trước những sáng tác tỏa ra nguồn năng lượng thật mạnh mẽ và giàu nhiệt huyết.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng, điểm chung dễ nhận ra ở triển lãm “50 - 70 - 80” là đường nét và bảng màu khỏe khoắn, tư duy tự do, biểu đạt thoải mái. Đây là điều hiếm gặp ở phần lớn các tác giả đã bước qua tuổi “cổ lai hy”.
Họa sĩ Lê Triều Điển vẽ tranh từ trước năm 1965, khi ông còn là cậu thanh niên mới vừa ngoài đôi mươi hừng hực sức trẻ. Vợ ông, nhà thơ – họa sĩ Hồng Lĩnh, cũng sớm tìm đến hội họa khi nhìn thấy chồng cặm cụi sáng tác tranh mỗi ngày.
Ngôi nhà chật chội, ngổn ngang họa phẩm là không gian sống, sáng tác của hai vợ chồng đến nay tròn 50 năm. Đối với họ, vẽ là nguồn đam mê bất tận không thể dừng lại.
Nhiều người đến tham quan triển lãm không khỏi ngạc nhiên. Điều lạ lùng khó hiểu đến ngay từ tên mà triển lãm đặt tên “50 – 70 – 80”. Họa sĩ Lê Triều Điển giải thích rằng: “50 là hành trình hôn nhân của hai vợ chồng, 70 là tuổi của bà ấy, 80 là tuổi của tôi”.
Vợ chồng nghệ sĩ cao tuổi bật mí, các tác phẩm trong triển lãm này chỉ là 1/3 số lượng sáng tác từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trong thời gian này, không thể đem tranh đi dự các triển lãm quốc tế nên hai ông bà đành phải ở nhà. Ở nhà chơi không cũng buồn, thôi thì sáng tác để thỏa mãn đam mê và đem niềm vui đến với người khác.
“Ở tuổi 70 - 80 này, với chúng tôi, sự sống – chết là chuyện thường tình như giấc ngủ. Bữa nay mình sống nhưng ngày mai mình có thể ra đi nhưng với tâm thế rất thong dong. Chính vì không còn vướng bận mà cuộc sống trở nên cô đọng và giản dị, như Mặt trời mọc ban sáng, lặn chiều tối, như hai mùa mưa nắng Sài Gòn”, họa sĩ Lê Triều Điển cho biết.
Chính vì phong thái đó nên trong những năm gần đây, họa sĩ thường đi một màu trên tranh, có khi chỉ là một vài nét vẽ nhưng biểu lộ trọn cảm xúc cá nhân. Đó là một chuyển biến rất mới mẻ so với chặng đường mấy chục năm về trước.
Nghệ thuật và sức mạnh từ tình yêu
“Khi vẽ, chúng tôi vẽ bằng vốn sống và tâm thức của mình, trong lòng không có những trường phái như trừu tượng hay biểu hiện trừu tượng. Vẽ tranh hay nặn gốm mà dường như chẳng có một mục đích nào khác ngoài mục đích tự thân của chính nó”. Nhà thơ – họa sĩ Hồng Lĩnh
Hồng Lĩnh lại kết hợp thơ và họa, bà thường vẽ tranh trước rồi mới lẩy thơ. Những câu thơ “rút ruột” từ cảm xúc hội họa, bay bổng ẩn nấp trên những mảng màu đậm – nhạt.
“Chữ là một hình thức, là đường nét, như tranh nhưng ý nghĩa ẩn chứa bên trong theo một cách diễn cảm. Đôi khi đơn giản, đang ngồi vô tư lự vậy thôi, mà một vài câu thơ phát lộ diễn tả “minh họa” cho những điều mà hội họa chưa thể nói hết”, nghệ sĩ Hồng Lĩnh cho hay.
Sinh ra ở Bến Tre, ngày Lê Triều Điển kết duyên với nhà thơ - họa sĩ Hồng Lĩnh, người làng xì xào “một đứa làm nghệ sĩ đã nghèo, cả vợ lẫn chồng làm nghệ sĩ thì sao lo nổi cuộc sống”.
Chồng vẽ, vợ làm thơ và nhiều khi trong nhà không còn hột gạo. Chật vật quá, chồng ngừng vẽ, vợ tạm “đình chỉ” thơ tập trung gói bánh, bán chè, cắt rau muống thuê để nuôi thân, nuôi mấy đứa con nheo nhóc.
Trong nhà có chút gạo, hai vợ chồng lại lao vào sáng tác. Cứ như thế, cuộc sống trôi đi như một dòng sông đầy những xúc cảm, gập ghềnh lẫn trái ngọt. Tên tuổi của họ được bạn bè quốc tế biết tới và trân trọng. Họ đã thêm vào nền mỹ thuật Việt một mảnh ghép đa sắc, thấm đượm tình yêu chồng – vợ.
11 năm trước, một bức tranh bán từ thiện của Lê Triều Điển đến tay nhà sưu tập Yves de Fontbrune và được nhà sưu tập treo tại tư gia. Tình cờ tác phẩm lại lọt vào mắt xanh nhà sưu tập Pierre Dumonteil và vợ - bà Dothi. Từ đó, tranh của vợ chồng họ vẽ ra, nhà Dumonteil cho người thuê xe tải đến mua hết.
Tranh của Lê Triều Điển phần nhiều mang phong cách trừu tượng, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu hiện và trường phái lập thể, nhưng cũng không thiếu tính hiện thực.
“Bức “Hành trình Mê Kông” (sơn dầu trên toan, 250cm x 1.000cm, 2020) của Lê Triều Điển một lần nữa lược sử đầy ngẫu hứng về các biểu tượng làm nên văn minh và văn hóa gắn liền với dòng sông này. Nhìn bức tranh lớn, đầy trẻ trung, phóng khoáng này, ít dám nghĩ rằng đây là sáng tác của một họa sĩ đã bước qua 80 tuổi”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết.
“Em lặng lẽ bên đời anh tất bật/Mặc cho vòng quay cuộc sống cứ xoay vần/Lặng lẽ bên đời vẫn một bóng em/Cho anh chút hương hoa chút vầng trăng huyền ảo/Đêm tuyệt vời sau ngày dài huyên náo/Lặng lẽ bên anh, em ngọn gió dịu dàng”, câu thơ của thi sĩ Hồng Lĩnh không chỉ đi vào âm nhạc, phim ảnh, hội họa, mà còn đi vào cuộc đời người chồng – Lê Triều Điển.