Sức vươn của ngôi trường trên đất thiêng Thành Cổ
Ngay sau khi thống nhất đất nước, ngày 16/8/1975, UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập Trường cấp 3 Triệu Phong. Để phù hợp với điều kiện lịch sử của từng giai đoạn, trường được đổi tên nhiều lần, từ Trường PTTH số 1 Triệu Hải (1977-1978) đến Trường THPT thị xã Quảng Trị (từ năm 1989 đến nay).
Từ ngày thành lập trường đến nay, ngôi trường luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của quê hương, đất nước. Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị cho biết: “Từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh, không quản ngại gian khổ, với niềm tin cháy bỏng về sự hồi sinh và phát triển của quê hương, các thầy giáo đã cắt tranh, chặt tre… dựng nên ngôi nhà 3 gian để làm lớp học. Ban đầu trường chỉ có 3 lớp với 115 học sinh. Khóa học đầu tiên của trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, 60% đỗ vào đại học. Kết quả đó đánh dấu sự khởi đầu về chất lượng và thành tích GD của nhà trường, là nền tảng để xây dựng truyền thống “dạy tốt, học tốt”, tạo dựng niềm tin cho phụ huynh và sự quan tâm của xã hội đối với nhà trường.
Trong giai đoạn lập lại tỉnh Quảng Trị và cũng là những năm đầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, nhà trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nhà trường vận dụng có hiệu quả nguyên lí giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” nên thầy và trò không quản ngại lên rừng khai thác chổi đót, trồng cây gây rừng, đắp đê sau bão lũ, xuống đồng trồng lúa, lên đồi trồng sắn khoai, xây lò đúc gạch, nạo vét kênh mương khơi dòng thủy lợi Nam Thạch Hãn… góp phần xây dựng quê hương, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Khó khăn là vậy nhưng nhà trường luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Ngay từ những năm 1994 đến 2000, trường vinh dự là 1 trong 100 trường trong cả nước được chọn thực hiện chương trình phân ban thí điểm.
Cùng với đó, nhà trường luôn tăng cường công tác xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất, đạo đức. Đặc biệt thời gian gần đây, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhà trường thường xuyên xây dựng kế hoạch chuyên môn, kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học và kế hoạch giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới, yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh thực hiện tốt các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn và công tác giáo dục học sinh như các tổ chuyên môn tích cực tổ chức hoạt động chuyên đề, thao giảng, thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi, kiểm tra hoạt động sư phạm giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và công tác quản lí. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia.
Chi bộ và Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 03, nay là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trên nền tảng phẩm chất năng lực của đội ngũ nhà giáo, các thế hệ lãnh đạo luôn chú trọng việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, phát huy dân chủ thực sự trong trường học, từ đó tổ chức nhiều hoạt động thi đua, động viên thầy cô giáo và học sinh nỗ lực, sáng tạo, lập nhiều thành tích xuất sắc. Các tổ chức đoàn thể của nhà trường có nhiều sáng tạo trong các hoạt động giáo dục lí tưởng, giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng và phát triển nhà trường.
Nhìn lại sau gần 45 năm thành lập trường để thấy sức vươn mạnh mẽ của ngôi trường này. Nếu năm học 1975-1976, năm học đầu tiên chi bộ nhà trường chỉ có 4 đảng viên thì đến nay có gần 40 đảng viên. Từ quy mô 3 lớp học với 115 học sinh năm 1975 đến năm học 2018- 2019, Trường THPT thị xã Quảng Trị có hơn 1.300 em học sinh với 33 lớp. 100% cán bộ, giáo viên của trường đạt chuẩn đào tạo, trong đó nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều học sinh đạt thủ khoa vào các trường đại học, đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi văn hóa, sân chơi trí tuệ, thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia và quốc tế. Tiêu biểu có em Văn Viết Đức, quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15; Phạm Huy, đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học kĩ thuật quốc tế năm 2017; Lê Thanh Tân Nhật đoạt giải nhì Đường lên đỉnh Olympia năm 2018. Tỉ lệ đỗ kì thi THPT quốc gia hằng năm đạt 100%. Số học sinh đạt học sinh giỏi các cấp đứng đầu trong tỉnh. Đến nay, nhà trường đã đào tạo hàng chục ngàn học sinh hoàn thành chương trình và tốt nghiệp THPT. Nhiều cựu học sinh đã trưởng thành trên con đường học vấn, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư và thành đạt trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa, giáo dục. Các thế hệ học sinh có mặt khắp mọi miền của quê hương, đất nước và đã phát huy những phẩm chất tốt đẹp được hình thành từ mái trường THPT thị xã Quảng Trị, đóng góp xứng đáng cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận kết quả đạt được, Tỉnh ủy Quảng Trị tặng Cờ thi đua “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm liên tục từ 2013- 2017 và tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của BCH Trung ương Đảng, khóa X cho chi bộ nhà trường. Năm 1999, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2005 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2010 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. UBND tỉnh công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia” giai đoạn 2001-2010 và tặng danh hiệu Điển hình tiên tiến 5 năm 2006-2010... Từ năm học 2006-2007 đến nay, trường nhiều lần được Bộ GD&ĐT xếp vào tốp 100, 200 trường chất lượng cao toàn quốc.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142202