Sức xuân khơi nguồn khát vọng thịnh vượng!
Mùa xuân đã căng tràn sức sống thanh tân trên vạn vật. Trong rạng rỡ sức xuân, sắc xuân và giữa không gian linh thiêng đậm chất sử thi thời đại mới, hãy lắng lòng cảm nhận sự thôi thúc của khát vọng vươn tới, đã thấm sâu trong từng thớ đất, khảm vào cùng thẳm tâm linh xứ sở này. Để cho đường xuân rộng mở sẽ nhân lên niềm tin và sức mạnh, giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt mọi thách thức trên hành trình kiến tạo lớn: Xây dựng và phát triển quê hương Thanh Hóa thịnh vượng và hạnh phúc!
TP Thanh Hóa vào xuân. Ảnh: Lê Hợi
“Tạo thế” và “dụng lực” để phát triển
Nằm ở “thế” của một vùng đất giao thoa và hội tụ cả về địa - chính trị, địa - văn hóa, xứ Thanh sớm được tôi luyện qua lịch sử đầy thăng trầm và rất đỗi hào hùng của dân tộc. Để rồi, bài học mà lịch sử đã rút ra từ mảnh đất này không chỉ là “nơi thời gian ngưng đọng trong những truyền thuyết vĩ đại”, hay những thiên anh hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh; mà còn là bài học về “tạo thế” và “dụng lực”, để khắc lên bức khảm lịch sử một “lời hứa” mang tên khát vọng thịnh vượng. Đắp đổi và chắt chiu qua từng mùa xuân, cái hạt mầm khát vọng ấy vẫn không ngừng nảy nở. Và rồi, cũng chờ đến độ xuân về, ta mới có dịp tĩnh tâm nhìn lại những hoa trái thành quả được đơm kết, những cơ hội đã qua đi, đọng lại là bài học cần rút ra cho một khởi đầu mới.
Với tâm thế rộng mở như sức xuân căng tràn, Thanh Hóa đã bước qua một năm Nhâm Dần nhiều biến động, khó khăn và trở ngại phát sinh chưa thể dự báo hết. Song, như bản chất cốt lõi của mùa xuân là niềm tin bện chặt trong sự kiên trì, nỗ lực không ngơi nghỉ, Thanh Hóa đã tận dụng tối đa thời cơ thuận lợi, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực và cán đích thành công nhiều mục tiêu đề ra. Để những sắc thái tươi mới trên bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022, được thể hiện đậm nét nhất ở tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 12,51%, đứng thứ 7/63 tỉnh/thành, đã và sẽ góp phần nâng cao vị thế của Thanh Hóa trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, cũng chính sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền; cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đã góp phần tạo dựng niềm tin của Nhân dân. Từ đó, tiếp tục thu hút trí tuệ và nguồn lực xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy quá trình hiện thực hóa khát vọng giàu đẹp, văn minh cho quê hương Thanh Hóa.
Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là rất lớn, rất quan trọng. Song, cũng cần nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế, thậm chí là yếu kém đang cản trở sự phát triển đi lên của tỉnh, để quyết tâm khắc phục cho bằng được. Tuy nhiên, khách quan cho thấy, quy luật của sự phát triển vốn dĩ là quá trình liên tục phát sinh mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn. Đây cũng là điều tất yếu, bởi mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Nắm vững quy luật ấy để thấy, việc xuất hiện các trở ngại, khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, vốn dĩ là không thể tránh. Do đó, không hoang mang, lo lắng hay bi quan; mà ngược lại, cần đối diện với mọi thách thức, khó khăn phát sinh bằng tâm thế chủ động, sẵn sàng, bằng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm, bằng quyết tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Và suy cho cùng thì “chìa khóa” để giải quyết mâu thuẫn hay trở ngại phát sinh, vẫn luôn là con người, mà trực tiếp nhất là đội ngũ cán bộ. Vì là “cái gốc của mọi công việc”, cho nên càng đòi hỏi mỗi cán bộ phải có phẩm chất, năng lực, uy tín và tinh thần trách nhiệm rất cao.
Như một lẽ tất yếu, muốn phát triển thì quan trọng nhất là phải có ý chí phát triển. Không có ý chí sẽ không có quyết tâm để nhận thức và hành động, để khát vọng và cống hiến. Đồng thời, một nguyên lý của sự phát triển là sự tích lũy của “lượng”, hay quá trình tạo ra các “điểm nút” làm tiền đề cho “bước nhảy” hay là sự chuyển hóa về “chất”. Thanh Hóa ngày nay không chỉ được biết đến với truyền thống lịch sử hào hùng và nền văn hóa phong phú, giàu giá trị, mà còn đang trở thành một minh chứng về sự nỗ lực vượt khó và ý chí phát triển. Để rồi cùng với những thành tựu đạt được những năm qua, đặc biệt là năm 2022 - với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; một số dự án lớn, có sức lan tỏa đã đi vào hoạt động; các quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đang triển khai - sẽ được tích lũy để tạo ra “bước nhảy” hay đột phá mới trong năm 2023.
Sự nghiệp làm nên bởi chữ "Đồng”
Lịch sử đã có không ít minh chứng khẳng định, một nguyên lý tạo dựng nên thành công là biết nắm bắt đúng thời điểm và tận dụng tốt thời cơ. Ví như, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) ở núi rừng Lam Sơn, là một minh chứng sinh động về việc nắm bắt đúng thời cơ của Bình Định vương Lê Lợi. Khi mà vũ đài chính trị lúc bấy giờ gần như đã vắng bóng các lực lượng yêu nước có đủ năng lực gánh vác sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc; thì sự xuất hiện của anh hùng áo vải Lê Lợi trở thành tất yếu khách quan. Và sự thật, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa trường kỳ ấy đã mở ra giai đoạn “Muôn thuở nền thái bình vững chắc” cho quốc gia - dân tộc.
Khát vọng thịnh vượng cho quê hương Thanh Hóa vốn được hun đúc qua nhiều thế hệ. Để đến hôm nay, khát vọng ấy càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi những thành tựu phát triển những năm qua đã giúp tỉnh ta từng bước tạo dựng được “thế” và “lực” cơ bản. Đặc biệt, Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ lớn, những vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, nếu tập trung triển khai quyết liệt, nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Lẽ đương nhiên, cơ hội cho một sự chuyển hóa về “chất” luôn chứa đầy thách thức. Song, nếu không vượt Vũ Môn làm sao cá chép hóa rồng? Nói cách khác, hành trình đi đến bến bờ thịnh vượng, chắc chắn sẽ phải băng qua “vùng trũng” của trở ngại, thách thức, đặc biệt là sự trì trệ trong tư duy, ngại khó, ngại khổ, ngại va vấp... Song vốn dĩ, “bản chất của hòn đá là cứ ỳ ra, không nhúc nhích. Nhưng khi nhiều người đồng tâm hiệp lực mà xô đẩy, thì dù tảng đá to mấy, nặng mấy, cũng phải lăn”. Cho nên, muốn vượt trở ngại thì phải xem sự nghiệp làm nên bởi chữ "Đồng” - nghĩa là lấy đoàn kết và đồng lòng làm động lực thôi thúc tinh thần sẵn sàng đồng cam cộng khổ, chắt chiu nguồn lực, đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn, quả quyết hành động. Đồng thời, phải tạo ra môi trường cho tư duy sáng tạo nảy nở, cho hiền tài xuất hiện, cho đạo đức và văn hóa được trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Năm 2023 được xác định là một năm mà thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, khó khăn, thách thức dự báo sẽ nhiều hơn, phức tạp và khó lường hơn. Điều này càng đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Trọng tâm trong đó là duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140.000 tỷ đồng trở lên... Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Muốn cán đích các mục tiêu trên, cũng là góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Thanh Hóa hiện đại, văn minh, hay một “tỉnh kiểu mẫu”, thì việc “dụng lực” càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Bởi nguồn lực không chỉ là sức mạnh, mà còn là cội nguồn của sức mạnh. Đây là điều cần được minh triết, để vận dụng cho phù hợp vào thực tiễn hiện nay. Khơi thông nguồn lực - gồm cả nội sinh và ngoại sinh - trước hết cần chú trọng nội lực là tài nguyên thiên nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ chế, chính sách, truyền thống văn hóa, con người - nhân lực...; đồng thời, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực bên ngoài thông qua cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương trong nước và nước ngoài. Song, phát triển vốn là quá trình “tự thân”, hay nguồn gốc, động lực của sự phát triển được quyết định bởi các yếu tố bên trong. Do vậy, cùng với việc khai thác hiệu quả các nguồn lực nội sinh, thì phải xem việc khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, ý chí kiên cường, quyết tâm vượt khó, sức sáng tạo không giới hạn và nhiệt huyết cống hiến trong mỗi người dân xứ Thanh. Đây mới chính là tiền đề căn bản và quan trọng nhất để nhân lên khát vọng phát triển thịnh vượng và hạnh phúc cho xứ sở này!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/suc-xuan-khoi-nguon-khat-vong-thinh-vuong/177880.htm