Sức xuân trên những khu công nghiệp
Sau hơn 15 năm hình thành, đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý và quảng bá, xúc tiến đầu tư, hoạt động ở các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh có nhiều khởi sắc. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mạnh mẽ, góp phần tô điểm thêm những gam màu sinh động trên bức tranh tươi sáng về kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt, từ năm 2017 - 2020, các KCN tỉnh đã có bước đột phá khi thu hút được nhiều dự án lớn, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, mở ra cơ hội mới để kinh tế công nghiệp Lâm Đồng “cất cánh” trong những năm tới.
Nỗ lực tìm nhà đầu tư chiến lược
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, năm 2005 KCN Lộc Sơn, KCN đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng đã được hình thành tại TP Bảo Lộc. Đến nay, Lâm Đồng đã có 3 KCN được Chính phủ phê duyệt là KCN Lộc Sơn, KCN Phú Hội và KCN Phú Bình (Đức Trọng). Trong đó 2 KCN là Lộc Sơn và Phú Hội được đánh giá đang hoạt động hiệu quả.
Ông Đỗ Xuân Kiên - Phó Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh cho rằng: Chính sự ra đời của các KCN Lâm Đồng đã nhanh chóng trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư với lượng lớn về nguồn vốn và các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 81 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư tại 2 KCN Lộc Sơn và Phú Hội. Trong đó, có 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.581 tỷ đồng và 102,91 triệu USD, lao động đăng ký là 15.151 người và diện tích đất sử dụng là 171,5 ha.
Hiện nay, trong các KCN có 45 doanh nghiệp/dự án (19 dự án FDI) đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tại KCN Lộc Sơn 23 dự án (9 dự án FDI) và KCN Phú Hội 22 dự án (10 dự án FDI). Các sản phẩm sản xuất chủ yếu là cà phê nhân, cà phê hòa tan, cao, trà Atiso, bia, rượu vang xuất khẩu, nấm mỡ, rau, củ, quả đông lạnh, sấy khô các loại, vải dệt các loại, tơ xe, sản phẩm nhựa PE, hàng may mặc, giấy cuộn xeo, gạch tuynen, ngói màu, màng lợp nông nghiệp, gỗ ghép, kính cường lực, đá Granit,...
Đến với Lâm Đồng, các nhà đầu tư không chỉ “nhắm” tới những vị trí đắc địa của tỉnh mà còn an tâm đổ vốn vào những dự án phát triển sản xuất ở các KCN trên địa bàn. Đơn cử, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Lâm Đồng đã xây dựng nhà máy bia có công suất thiết kế 100 triệu lít mỗi năm, sản xuất các sản phẩm Bia Sài Gòn (bao gồm cả sản phẩm cận cao cấp, cao cấp) trên cấu hình thiết bị, công nghệ sản xuất bia theo tiêu chuẩn của Sabeco. Đến nay, tổng vốn đăng ký vào dự án đã lên đến 800 tỷ đồng.
Bên cạnh Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Lâm Đồng, hiện nay Lâm Đồng cũng đang là nơi đóng chân của nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất, có quy mô đầu tư vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng như: Công ty TNHH B&V Cà phê Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến cà phê hòa tan với quy mô đầu tư 294 tỷ đồng; Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam chuyên sản xuất tơ và dệt lụa tơ tằm Việt Nam với quy mô đầu tư vốn hơn 261 tỷ đồng tại KCN Phú Hội. Hay Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại TCB hoạt động trong lĩnh vực chế biến trà thương phẩm với quy mô đầu tư 116 tỷ đồng; Công ty TNHH Kanaan Bảo Lộc có quy mô vốn đầu tư hơn 134 tỷ đồng tại KCN Lộc Sơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp “ngàn tỷ” là Công ty TNHH Sản xuất dược phẩm Nanogen Lâm Đồng cũng đang được khẩn trương đầu tư xây dựng tại KCN Phú Hội. Cùng với đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư “khủng” hàng trăm tỷ đồng như: Công ty Cổ phần Hikari Đà Lạt, Công ty TNHH KUM YOUNG VINA... cũng đang gấp rút hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.
Chạm “mốc” thu ngân sách ngàn tỷ
Các KCN Lâm Đồng đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ, đóng góp nguồn thuế đáng kể khoảng 3 năm trở lại đây.
Vào năm 2005 KCN đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng là Lộc Sơn được hoàn thiện, đến năm 2008 thì có thêm KCN Phú Hội. Nguồn thuế đóng góp vào ngân sách năm 2017 từ các doanh nghiệp tại các KCN chỉ vỏn vẹn gần 33,4 tỷ đồng.
Tỷ trọng thu thuế từ KCN đóng góp vào tổng thu ngân sách của tỉnh hầu như không đáng kể trong suốt hơn 10 năm. “Với những gì ta đã thấy, tôi không dám tin KCN Lâm Đồng sẽ có bước nhảy vọt như vậy trong những năm tiếp theo” ông Kiên nói.
Ấy vậy mà, chỉ riêng trong năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp tại các KCN đạt 5.601,2 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 129,5 triệu USD; nội tiêu đạt 2.844,02 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã nộp thuế 901,05 tỷ đồng, đạt 243,53%. Nếu không gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì tôi tin chắc “giấc mơ” thu ngân sách ngàn tỷ đồng của Lâm Đồng sẽ thành hiện thực. Mục tiêu đến năm 2025, Lâm Đồng đề ra thu thuế từ các doanh nghiệp trong các KCN sẽ đạt đến 2.000 tỷ đồng - ông Kiên phấn khởi.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Lâm Đồng đang dần trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh về KCN, thu hút vốn đầu tư nước ngoài so với các tỉnh Tây Nguyên.
Có được thành quả mang tính “nhảy vọt” như hôm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm S cho rằng: Hơn 15 năm qua, các cấp chính quyền Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Môi trường đầu tư gồm cả môi trường về chính sách và môi trường về hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN đều được đầu tư đồng bộ. Tỉnh cũng chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ như: ngân hàng, logistic, khai thuế hải quan, thông tin liên lạc... để phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được Lâm Đồng triển khai hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm phát triển các chuỗi dự án, các lĩnh vực mũi nhọn; Đẩy mạnh hợp tác với các bộ, ngành, đại sứ quán các nước tổ chức các sự kiện ngoại giao, các hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế...
Thừa nhận rằng, công nghiệp đang ngày càng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Lâm Đồng thời gian qua. Nhưng với những mặt được và mất, lợi ích và chi phí, các nhà quản lý trong tỉnh cũng nên có cách nhìn tổng thể về việc phát triển công nghiệp.
So với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng là tỉnh có tốc độ phát triển ngành công nghiệp khá. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Điển hình là nhóm ngành chế biến còn ở dạng thô, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Mặt khác, việc thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án lớn, mang tính động lực...
Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh bổ sung KCN Phú Bình rộng 246 ha vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Sau khi KCN Phú Bình được phê duyệt, nhiều nhà đầu tư đã tới tìm hiểu, đặt vấn đề xin được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Dự án được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Nhân dân trên địa bàn hết sức đặt kỳ vọng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, bên cạnh KCN Lộc Sơn và Phú Hội.
Giờ đây, “đường băng” của công nghiệp Lâm Đồng đã thực sự rộng mở. Đây cũng là nền tảng vững chắc để công nghiệp Lâm Đồng “cất cánh” phát triển một cách có chọn lọc, theo hướng hiện đại trong những năm tới, đồng thời là động lực để tỉnh thu hút thêm các nhà đầu tư mới.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/suc-xuan-tren-nhung-khu-cong-nghiep-3043354/