Sudan: Các phe phái đẩy mạnh nỗ lực lập chính phủ dân sự, Ai Cập ca ngợi 'diễn biến quan trọng và tích cực'
Ngày 9/1, hơn một năm sau cuộc đảo chính quân sự, các chính đảng ở Sudan đã bắt đầu đàm phán để cố đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm thành lập một chính phủ dân sự và giải quyết các vấn đề nổi cộm khác.
Hồi tháng trước, các đảng phái đã ký thỏa thuận khung với quân đội để khởi động quá trình chuyển tiếp chính trị mới hướng tới bầu cử. Tuy nhiên, những người biểu tình chỉ trích thỏa thuận này không đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân và để lại một số điểm gây tranh cãi cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Một trong những điểm gây tranh cãi là việc xóa bỏ chính quyền của nhà lãnh đạo Omar al-Bashir sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy vào năm 2019. Đây sẽ là điểm đầu tiên được thảo luận tại các cuộc đàm phán trong tuần này.
Trong một cuộc họp báo hôm 9/1, chính trị gia Khalid Omer Yousif phát biểu: “Mục tiêu là để kết quả đàm phán đáp ứng được mong muốn của đông đảo người dân Sudan, toàn diện và thể hiện quan điểm của các bên liên quan”.
Trước đó, ngày 8/1, cơ chế ba bên gồm Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc và Cơ quan liên chính phủ về Phát triển (IGAD) đã công bố khởi động giai đoạn cuối của tiến trình chính trị tại Sudan nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm.
Hãng thông tấn chính thức của Sudan (SUNA) cho hay, các vấn đề sẽ được thảo luận trong giai đoạn cuối của tiến trình chính trị gồm giai đoạn chuyển tiếp tư pháp và an ninh, cũng như cải cách quân sự, việc thực hiện thỏa thuận hòa bình ký năm 2020 và căng thẳng ở phía Đông Sudan.
Ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố ca ngợi đây là "diễn biến quan trọng và tích cực", đồng thời bày tỏ tin tưởng, các bên của Sudan sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị cuối cùng và toàn diện.
Kêu gọi tất cả quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ kinh tế và phát triển cho Sudan để giúp nước này giải quyết các thách thức, Ai Cập cho rằng, những hỗ trợ này sẽ góp phần cải thiện tích cực đời sống của người dân Sudan, góp phần đạt được sự đồng thuận chính trị toàn diện trong cả nước.
Cuộc đảo chính tháng 10/2021 đã chấm dứt thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội và Lực lượng tự do và thay đổi, một liên minh dân sự, vốn được ký kết sau khi cựu Tổng thống Bashir bị lật đổ.
Kể từ khi quân đội tiếp quản, không có thủ tướng mới nào được bổ nhiệm, nền kinh tế trì trệ và xung đột nội bộ ở các vùng của Sudan leo thang. Các nhà ngoại giao và lãnh đạo quân đội đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng thành lập một chính phủ mới ở nước này.