Sudan vẫn loay hoay trong khủng hoảng chính trị

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok vừa tuyên bố từ chức hôm 2-1 sau khi không thể thành lập được nội các chính phủ lâm thời phục vụ đất nước đến trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2023. Sudan vì thế tiếp tục rơi vào khủng hoảng chính trị kéo dài từ sau cuộc 'cách mạng' vào năm 2018.

S

Bế tắc chính trị tiếp diễn

Ông Hamdok cho biết ông muốn trao trách nhiệm thành lập chính phủ lại cho người có đủ khả năng thực hiện thỏa thuận đã ký kết sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 10-2021. Đồng thời, trong tuyên bố từ chức của mình, Thủ tướng Abdalla Hamdok cảnh báo bế tắc chính trị hiện tại đang đẩy đất nước Sudan vào khủng hoảng toàn diện và sẽ gây hại lớn cho nền kinh tế đất nước.

Lời cảnh báo của Thủ tướng Hamdok phản ánh tình hình bế tắc chính trị kéo dài ở Sudan. Ngay thời điểm ông Hamdok tuyên bố từ chức, hàng nghìn người dân Sudan đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Khartoum và nhiều thành phố khác để phản đối thỏa thuận chia sẻ quyền lực vốn được xem là được xây dựng theo hướng có lợi cho quân đội, giúp quân đội tiếp tục nắm quyền kiểm soát đất nước. Cuộc biểu tình đã kéo dài từ nhiều ngày qua và đã xảy ra bạo lực khi lực lượng an ninh Sudan sử dụng vũ lực để giải tán đám đông biểu tình. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã phải lên tiếng kêu gọi lực lượng an ninh Sudan chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình ở Sudan.

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok và lãnh đạo đảo chính - tướng Abdel Fattah al-Burhan.

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok và lãnh đạo đảo chính - tướng Abdel Fattah al-Burhan.

Cuộc biểu tình rầm rộ khắp đất nước khiến người ta nhớ lại tình hình tương tự xảy ra cách đây gần 3 năm, khi đó hàng triệu người dân Sudan cũng xuống đường đề phản đối nhà lãnh đạo độc tài quân phiệt Omar al-Bashir. Mong muốn của người dân Sudan là tự do, hòa bình và công lý cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, người dân Sudan vẫn chưa thấy được điều họ mong muốn. Vì thế, họ lại tiếp tục biểu tình.

Có một sự thật trong cuộc khủng hoảng ở Sudan hiện nay, đó là việc những kẻ làm ra cuộc đảo chính cách đây 3 năm đã không thực hiện những lời cam kết mà họ đưa ra trước hàng vạn người dân Sudan. Vẫn những vấn đề cũ mà người ta luôn đối mặt dưới thời Tổng thống độc tài Omar al-Bashir.

Tháng 10-2021, những người ủng hộ quân đội Sudan xuống đường biểu tình đòi “đảo chính quân sự” để tạo cái cớ hợp lý cho quân đội một lần nữa thực hiện một cuộc đảo chính chớp nhoáng, bắt giam Thủ tướng Hamdok tại nhà. Sau đó, đến lượt hàng trăm nghìn người ủng hộ chính quyền dân sự xuống đường biểu tình phản đối đảo chính. Sau loạt biểu tình của cả hai lực lượng ủng hộ quân đội và dân sự, quân đội đã mạnh tay hơn, bắt giam thêm một số thành viên chính phủ. Dưới sức ép của quân đội, ông Hamdok vẫn không chùn bước và kêu gọi người dân Sudan tiếp tục biểu tình phản đối đảo chính. Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn không khác gì giai đoạn “cách mạng” năm 2018 lật đổ Tổng thống al-Bashir.

Đứng trước tình hình rối ren có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát, lãnh đạo đảo chính của quân đội là tướng Abdel Fattah al-Burhan đã có cuộc gặp với ông Volker Perthes, đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tại Sudan nhằm tìm kiếm một giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Sau cuộc gặp đó là những nỗ lực ngoại giao tiếp theo của Mỹ và Liên Hiệp Quốc dẫn đến việc tướng Abdel Fattah al-Burhan cùng với Thủ tướng Hamdok ký kết một bản thỏa thuận vào tháng 11-2021.

Thỏa thuận kêu gọi trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và các thành viên khác của chính phủ. Đồng thời, thành lập chính phủ lâm thời bao gồm các nhà kỹ trị, lấy hiến pháp năm 2019 làm hiến pháp tạm thời. Tuy nhiên, liên minh dân sự Lực lượng Tự do và thay đổi (FFC) và Hiệp hội Các nhà chuyên môn Sudan (SPA) không đồng tình, kêu gọi người dân Sudan tiếp tục biểu tình để phản đối thỏa thuận này vì họ cho rằng bản thỏa thuận đã phản bội lại ước muốn của người dân Sudan.

Quân đội vẫn duy trì quyền lực

Cuộc đảo chính tháng 10-2021 đã củng cố thêm quyền lực cho quân đội, gia tăng sự kiểm soát của quân đội đối với mọi hoạt động của đất nước. Nhưng, những xung đột trong đời sống chính trị vẫn không có gì thay đổi. Nhiều người có cái nhìn rộng hơn đối với những vấn đề hiện tại ở Sudan. Người ta cho rằng, cuộc “cách mạng” lật đổ Tổng thống Al-Bashir cách đây 3 năm thực chất không làm thay đổi quyền lực của quân đội ở Sudan. Có chăng, sự thay đổi chỉ diễn ra ở góc độ thay thế người lãnh đạo đất nước và quân đội vẫn nắm quyền hành kiểm soát đất nước thông qua cái gọi là Hội đồng Chủ quyền Sudan được thành lập theo hiến pháp năm 2019.

Suốt hơn 50 năm qua, từ khi giành được độc lập từ thực dân Anh và Ai Cập, chưa bao giờ quân đội từ bỏ quyền kiểm soát đất nước Sudan. Những cuộc nội chiến liên miên trong 50 năm qua cũng xuất phát từ việc miền Nam muốn thoát khỏi sự thống trị của quân đội ở miền Bắc. Năm 2011, miền Nam tách ra, thành lập quốc gia mới - Nam Sudan.

Có một thực tế là sau thỏa thuận tháng 11-2021, mặc dù Thủ tướng Hamdok được khôi phục chức vụ nhưng quyền hành thật sự vẫn nằm trong tay quân đội. Vì thế, suốt một năm qua ông Hamdok hầu như không thể thực hiện được cam kết của mình khi ký vào thỏa thuận tháng 11-2021. Đây chính là lý do khiến ông Hamdok phải từ chức, giao lại trách nhiệm thành lập nội các cho người khác.

Một vấn đề được đặt ra là tại sao phương Tây lại không mấy khẩn trương trước tình hình bất ổn hiện nay ở Sudan, nhất là tình trạng an ninh, quân đội sử dụng vũ lực chống người biểu tình? Theo giới phân tích, nhiều người ở phương Tây hiện nay đang băn khoăn một việc nếu không để cho quân đội nắm lấy quyền kiểm soát đất nước, họ e rằng Sudan sẽ lại rơi vào tình trạng chia năm xẻ bảy, nội chiến rối loạn như Libya và Syria. Khi đó, sẽ lại xuất hiện thêm một điểm nóng ở châu Phi khiến cho tình hình an ninh thế giới nói chung thêm bất ổn.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/sudan-van-loay-hoay-trong-khung-hoang-chinh-tri-i640432/