'Súng chống bụi' giữa Delhi mù mịt

Các chuyên gia cho rằng chính quyền Ấn Độ cần thu thập nhiều dữ liệu hơn để có thể triển khai hiệu quả những giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí dai dẳng ở quốc gia này.

Mùa đông năm nay, khi bầu trời Ấn Độ bị ô nhiễm đến mức nghiêm trọng, những tháp lọc khói bụi ngoài trời trở thành tâm điểm chú ý. Được lắp đặt máy quạt, các tháp này có nhiệm vụ làm sạch khu vực xung quanh bằng cách hút khói bụi, dẫn qua các bộ lọc bên trong và giải phóng không khí sạch. Tuy nhiên, chúng không có mấy hiệu quả do không hoạt động trong hơn 1 năm.

"Nó không hoạt động và không có ý nghĩa gì cả. Tôi cảm thấy như mình đang mắc bệnh ung thư" – cô sinh viên 19 tuổi Suhani Shrivastava nói.

Cô Shrivastava cho biết cô bị ốm vào mỗi mùa đông vì khó thở và đau họng. Cô cho rằng những biện pháp làm giảm ô nhiễm không khí mà chính quyền áp dụng vẫn chưa phát huy được tác dụng, theo tờ The Wall Street Journal.

 "Súng chống bụi" di động ở Delhi (Ấn Độ). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

"Súng chống bụi" di động ở Delhi (Ấn Độ). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Có giải pháp nhưng tác dụng chưa đáng kể

Những năm gần đây, cứ bắt đầu mỗi tháng 10, chất lượng không khí của TP Delhi giảm mạnh khi những người nông dân ở phía tây vùng này đốt gốc rạ để dọn sạch cánh đồng. Gió mang những hạt bụi từ các đám cháy này đến TP. Tại TP, chúng hòa lẫn với khí thải từ xe cộ, nhà máy điện và nhà máy sản xuất, cộng với nhiệt độ mát khiến những hạt bụi nhỏ này lơ lửng giữa trời.

Theo Viện Chính sách Năng lượng của ĐH Chicago (Mỹ), từ năm 2013 đến năm 2021, gần 60% mức tăng ô nhiễm không khí trên thế giới là từ Ấn Độ. Các vấn đề ô nhiễm không khí của Ấn Độ không chỉ là ở TP Delhi. Tuy nhiên, theo viện này, vấn đề ở Delhi là đặc biệt nghiêm trọng, khi các vấn đề ô nhiễm không khí khiến người dân ở TP này mất gần 8 năm tuổi thọ.

Cứ những lần ô nhiễm như vậy, chính quyền Ấn Độ cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm làm giảm tình hình. Tuy nhiên, giống như quan điểm của cô Shrivastava, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực của chính quyền nhằm giảm ô nhiễm không khí đã không phát huy hiệu quả tốt.

Chính quyền đã triển khai máy bay không người lái (UAV) để theo dõi các điểm nóng ô nhiễm và 200 "súng chống bụi" di động.

“Súng chống bụi” là những phương tiện được gắn vòi rồng di chuyển khắp thành phố để làm ẩm không khí. Mục đích ban đầu là hơi nước sẽ bám vào bụi và các hạt khác để chúng rơi xuống đất. Chính quyền cũng có ý tưởng sử dụng mưa nhân tạo để làm sạch không khí.

"Đó là những giải pháp tạm thời, những đề xuất theo phản xạ đối với một tình hình nghiêm trọng. Chúng không hiệu quả" – ông Vimlendu Jha, chuyên gia về chất lượng không khí tại Delhi, cho biết.

 Đốt rơm rạ trên một cánh đồng ở Ấn Độ. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Đốt rơm rạ trên một cánh đồng ở Ấn Độ. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Vào tháng 11, tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi đã tăng đến mức đáng báo động, cao hơn 100 lần so với mức khuyến nghị an toàn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Điều này khiến nhiều cư dân không chịu nỗi. Việc các biện pháp giảm ô nhiễm không phát huy tác dụng càng khiến họ thêm khó chịu.

Anh Yash Vardhan (26 tuổi) kể anh từng bị “súng chống bụi” bắn nước vào người khi anh chạy xen ngang nó. Anh cũng từng rất bối rối về mục đích của chiếc máy này cho đến khi một người bạn giải thích rằng đó là một công cụ chống ô nhiễm.

Dù vậy, anh Vardhan cũng dành lời khen cho chính quyền vì đã triển khai thiết bị chống khói bụi.

"Ít nhất thì chính quyền cũng đang cố gắng chứng minh với mọi người rằng họ đang làm điều gì đó. Nhưng bạn phải đứng ngay cạnh ‘súng chống bụi’ thì mới có thể cảm nhận được lợi ích của nó” – anh Vardhan nói.

Vẫn đang nỗ lực

Chính quyền Delhi cho biết "súng chống bụi" và UAV là một phần của các biện pháp khẩn cấp nhằm chống ô nhiễm trong những tháng mùa đông.

Chính quyền cho biết đã thực hiện một số bước đi dài hạn, bao gồm đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than tại địa phương, đề nghị các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu sạch hơn và mở rộng đáng kể việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng thông qua hệ thống tàu điện ngầm.

Theo chính quyền Delhi, mức ô nhiễm bụi mịn trung bình hàng năm đã giảm trong giai đoạn 2015 - 2023. Tuy nhiên, những hoạt động phát sinh ô nhiễm xung quanh TP phần nào đã ảnh hưởng nỗ lực này.

Ông Arvind Nautiyal – người phát ngôn của Ủy ban Quản lý chất lượng không khí Ấn Độ – cho biết cơ quan này đã tập trung vào việc giảm ô nhiễm tại nguồn. Các chính sách bao gồm khuyến khích nông dân giảm đốt rơm rạ bằng cách trợ cấp chi phí cho các máy nghiền rơm thay vì đốt, yêu cầu các ngành công nghiệp chuyển sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn và không cho những ô tô cũ chạy trên đường phố.

Ông Nautiyal cũng cho rằng Ấn Độ phải có chính sách liên quan các chỉ tiêu về sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh nền kinh tế nước này ngày càng phát triển.

 Một tháp lọc bụi ở Delhi. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Một tháp lọc bụi ở Delhi. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Ấn Độ đã triển khai Chương trình Không khí Sạch Quốc gia vào năm 2019, nhưng mới lắp đặt được khoảng 550 trạm giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực trải rộng trên hơn 200 TP. Hiện tại, quốc gia này có khoảng 930 trạm giám sát thủ công. Tại những trạm này, việc lấy mẫu được thực hiện vài lần/tuần, vẫn ít hơn nhiều so với mục tiêu 1.500 trạm mà nước này đang hướng đến.

Các chuyên gia môi trường cho rằng việc có dữ liệu nhiều hơn và chính xác hơn sẽ là động lực lớn giúp Ấn Độ chống ô nhiễm. Những số liệu này cũng sẽ giúp Ấn Độ theo dõi chính xác các nguồn gây ô nhiễm và mức độ hiệu quả của các biện pháp chống ô nhiễm mà chính quyền đang áp dụng.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/sung-chong-bui-giua-delhi-mu-mit-post827321.html