Súng đo thân nhiệt có thể 'để lọt' người nhiễm Covid-19
Nhiều chuyên gia nhận định, trong khi nhiều quốc gia đang 'chiến đấu' với dịch viêm phổi Covid-19 thì các hành khách trên khắp thế giới đang được kiểm tra bằng những thiết bị đo không đáng tin cậy.
Kể từ khi dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, trên toàn thế giới đã có hơn 70.500 ca nhiễm và gần 1.800 người tử vong. Các sân bay, thành phố ở Trung Quốc hay thậm chí là cửa hàng của Tập đoàn Apple đã thiết lập các chốt kiểm tra thân nhiệt để xác định những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh, cũng như ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi corona.
Và để có thể làm được điều này, nhiều chính phủ và doanh nghiệp đã sử dụng súng đo thân nhiệt, một thiết bị dựa vào cảm biến hồng ngoại để đo thân nhiệt người khác mà không cần tiếp xúc trực tiếp với da của họ. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định, các thiết bị trên không đáng tin tưởng hoàn toàn.
“Những thiết bị này được cho là không chính xác và không đủ tính tin cậy. Một số thiết bị như vậy chỉ như là ‘để cho có’”, Business Insider trích bài phỏng vấn của tờ New York Times với bác sĩ James Lawler làm việc tại Trường Đại học Nebraska cho biết. Và điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều ca nhiễm virus không được phát hiện thông qua việc quét thân nhiệt.
Vì sao súng đo thân nhiệt lại không đáng tin cậy?
Phần lớn những người sử dụng súng đo thân nhiệt để chúng quá xa hoặc quá gần đối tượng được đo, và điều này khiến thân nhiệt đo được quá nóng hoặc quá lạnh.
Ông Lawler cho biết, súng đo thân nhiệt đã nhận định thân nhiệt của ông “giống với người sắp tử vong vì thân nhiệt bị hạ thấp”, hồi ông này tới Tây Phi trong đợt bùng phát dịch Ebola 2014-2016. “Thân nhiệt tôi lúc đó được đo ở khoảng 35 độ Celsius hoặc thấp hơn, khi cơ thể con người bắt đầu có triệu chứng chết dần. Nên tôi không tin tưởng những thiết bị này sẽ chính xác”, ông nói.
Công ty cung cấp ứng dụng và thiết bị công nghiệp Grainger cho biết, khoảng cách đo thân nhiệt chính xác còn phụ thuộc vào kích thước của đối tượng được đo. Ngoài ra, các môi trường xung quanh như đường đất bụi bặm hay xe ô tô có nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng tới việc quét nhiệt cơ thể.
Hoặc có trường hợp một số bệnh nhân bị buồn nôn hoặc tiêu chảy trước khi họ có triệu chứng sốt, và nếu ai đó nhiễm virus corona dùng thuốc hạ sốt, thì thân nhiệt họ sẽ ở mức bình thường.
Mặt khác, người có thân nhiệt cao chưa chắc đã bị nhiễm bệnh. “Họ có thể vừa tập luyện thể dục hay sử dụng một số loại thuốc. Hoặc một người sẽ chạy thật nhanh để không bị muộn chuyến bay của mình”, chuyên gia về thiết bị đo nhiệt Jim Seffrin trả lời New York Times cho biết.
Nhu cầu về súng đo thân nhiệt tăng đột biến
Khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu về khẩu trang y tế tăng dù không hoàn toàn ngăn chặn được sự lây lan của virus. Giá bán khẩu trang y tế tăng đột biến, và các nhà sản xuất đang phải cố gắng đáp ứng hết công suất. Các nhà sản xuất súng đo thân nhiệt cũng trong tình cảnh tương tự.
“Đây là điều quá tải nhất tôi từng đối phó trong cuộc đời mình. Có rất nhiều người tới và hỏi trực tiếp chúng tôi rằng: Các anh có thể cung cấp 1.000 chiếc súng đo thân nhiệt? Các anh có thể cung cấp 2.000 chiếc?”, Giám đốc Công ty Công nghệ nhiệt Infrared Cameras Gary Strahan trả lời phỏng vấn New York Times nói.
Và thậm chí ngay cả ông này cũng phải đồng ý với nhận định rằng súng đo thân nhiệt không phải lúc nào cũng có thể tin cậy hoàn toàn. “Súng đo thân nhiệt chỉ được dùng để đo thân nhiệt một cách nhanh chóng, và nó không chuẩn xác như các thiết bị đo nhiệt truyền thống khác”, ông Strahan nói thêm.