Sững sờ cảnh 'tuyết máu' ở Nam Cực

Các nhà khoa học Ukraine tại một trạm nghiên cứu ở Nam Cực đã chia sẻ những hình ảnh về một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ xuất hiện ở khu vực xung quanh căn cứ của họ.

Hình ảnh "tuyết máu" tại Cơ sở nghiên cứu Vernadsky Nằm trên đảo Galindez của Nam Cực.

Hình ảnh "tuyết máu" tại Cơ sở nghiên cứu Vernadsky Nằm trên đảo Galindez của Nam Cực.

Các nhà khoa học cho biết, “tuyết máu” có thể nhìn thấy gần Cơ sở nghiên cứu Vernadsky nằm trên đảo Galindez ngoài khơi bờ biển Nam Cực trong vài tuần qua thực ra là do một loại tảo có tên là Chlamydomonas nivalis gây ra.

Tảo được tìm thấy trên khắp thế giới trong môi trường miền núi và vùng cực. Trên thực tế, C. nivalis là loại tảo phổ biến nhất được tìm thấy - theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phycology châu Âu.

 Hình ảnh "tuyết máu" được các nhà khoa học công bố trên fanpage của Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine.

Hình ảnh "tuyết máu" được các nhà khoa học công bố trên fanpage của Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine.

Tảo có khả năng sống sót trong nhiệt độ cực lạnh ở Nam Cực trong suốt mùa đông. Nhưng bây giờ bán cầu Nam đang ở giữa mùa hè, nên tảo chuyển sang màu đỏ.

Khi loài tảo xanh này nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, sẽ tạo ra các sắc tố màu đỏ đặc biệt được gọi là carotenoids hoạt động như một loại kem chống nắng tự nhiên, bảo vệ tảo khỏi nhiệt độ quá cao và tia cực tím, ngăn ngừa hủy diệt chất diệp lục - một sắc tố cần thiết cho sự sống sót của tảo.

Quá trình này tạo ra hiện tượng mà thường được gọi là "tuyết dưa hấu", có thể được nhìn thấy trong các hình ảnh từ trạm nghiên cứu Ukraine.

Tảo màu đỏ đang làm cho băng tuyết ở Nam Cực tan chảy nhanh hơn.

Tảo màu đỏ đang làm cho băng tuyết ở Nam Cực tan chảy nhanh hơn.

Theo các nhà khoa học Ukraine, loài tảo hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn khi nó có màu đỏ, và vì thế có thể khiến tuyết tan nhanh hơn. "Những bông hoa tuyết đang góp phần làm thay đổi khí hậu. Do màu đỏ, tuyết phản xạ ánh sáng mặt trời ít hơn và tan nhanh hơn" – Newsweek dẫn một bài đăng trên fanpage Facebook của Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine cho biết.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications đã phát hiện ra rằng tuyết đỏ góp phần làm tan chảy băng ở Bắc Cực - đang xảy ra với "tốc độ chưa từng thấy".

Hiện tượng tuyết dưa hấu thực sự lần đầu tiên được ghi nhận bởi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Huyền Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/sung-so-canh-tuyet-mau-o-nam-cuc-496477.html