Sửng sốt trước gương mặt phục dựng của 3 xác ướp Ai Cập cổ đại
Khuôn mặt của 3 người đàn ông Ai Cập sống cách đây hơn 2.000 năm đã được phục dựng 3D dựa trên dữ liệu di truyền.
Theo Live Science, xác ướp 3 người đàn ông được khai quật ở vùng lân cận của thành phố Abusir el-Meleq, một cộng đồng cổ đại trên sông Nile ở Ai Cập.
Ba người này lần lượt được định danh là JK2134, JK2888 và JK2911, sống cách đây 2.000 đến 2.800 năm. Họ qua đời khi mới khoảng 25 tuổi.
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Tübingen, Đức từng giải mã trình tự ADN của xác ướp vào năm 2017. Thời điểm đó là lần đầu tiên người ta tái tạo thành công bộ gene của xác ướp Ai Cập cổ đại.
Giờ đây, các chuyên gia tại công ty công nghệ ADN có tên Parabon NanoLabs (trụ sở tại Virginia, Mỹ) đã sử dụng dữ liệu di truyền đó để tạo ra các mô hình 3D về khuôn mặt của JK2134, JK2888 và JK2911 thông qua một quy trình gọi là phân tích kiểu hình DNA pháp y.
Phương pháp này sử dụng phân tích di truyền để dự đoán hình dạng các đặc điểm trên khuôn mặt cùng các khía cạnh khác về ngoại hình của một người. Kết quả, khuôn mặt của 3 người đàn ông Ai Cập cổ đại đã được phục dựng một cách sinh động.
Theo Parabon, một số đặc điểm như màu da và màu mắt được tái tạo dựa trên các dấu hiệu di truyền trong bộ gene trong khi các đặc điểm khác được đo lường thông qua những gì còn lại trên cơ thể họ.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người đàn ông trên có làn da nâu nhạt với đôi mắt và mái tóc sẫm màu. Nhìn chung, cấu trúc gene của họ gần giống cấu trúc gen của người hiện đại ở Địa Trung Hải hoặc Trung Đông hơn so với cấu trúc gene của người Ai Cập hiện đại.
Sau đó, các nhà khoa học đã tạo ra các lưới 3D phác thảo các đặc điểm khuôn mặt và tính toán bản đồ nhiệt để làm nổi bật sự khác biệt giữa 3 xác ướp và tinh chỉnh các chi tiết của mỗi khuôn mặt.
Parabon đã công bố khuôn mặt phục dựng của xác ướp tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về nhận dạng con người lần thứ 32 ở Orlando, Florida vào giữa tháng 9 vừa qua.
Đại diện Parabon thông tin thêm, các quy trình được sử dụng trên những xác ướp cổ đại này cũng có thể giúp các nhà khoa học tái tạo khuôn mặt để xác định các hài cốt hiện đại. Điều này rất hữu ích đối với việc giải quyết các vụ án mạng chưa tìm được manh mối.
Minh Hoa (t/h)