Sùng Tả - sắc màu miền biên viễn

Là một địa cấp thị (thành phố) thuộc Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc) giáp biên giới Việt Nam, Sùng Tả nổi lên như một điểm đến du lịch văn hóa độc đáo.

Nơi đây gây ấn tượng bởi sự giao thoa giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bề dày văn hóa của các tộc người thiểu số. Từ những di sản cổ xưa như Quần thể tranh đá Hoa Sơn được UNESCO vinh danh, đến các lễ hội dân gian rực rỡ sắc màu của người Choang, Sùng Tả mở ra hành trình khám phá đầy mê hoặc cho du khách, nơi quá khứ và hiện tại giao hòa trên miền biên viễn.

Du khách thăm Quần thể tranh đá Hoa Sơn - di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Du khách thăm Quần thể tranh đá Hoa Sơn - di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Một thành phố, hai di sản văn hóa thế giới

Sùng Tả được thiên nhiên ưu đãi với núi sông hùng vĩ và cộng đồng văn hóa đa dạng. Nơi đây được mô tả là vùng đất “dung hòa giữa cổ kính và hiện đại”, nơi “núi non tươi đẹp, sông ngòi chằng chịt, địa hình karst và phong cảnh đồng quê hòa lẫn vào nhau”. Sự kết hợp hài hòa đó đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú, in dấu trong đời sống của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Choang ở Quảng Tây.

Nổi bật trong hệ thống di sản văn hóa của Sùng Tả là Quần thể tranh đá Hoa Sơn nằm trên vách núi dựng đứng bên bờ sông Tả Giang (huyện Ninh Minh). Đây là quần thể tranh đá lớn nhất thế giới, nằm ở độ cao 90m so với mặt sông, rộng 221m, cao 40m, diện tích tranh hơn 8.000m2, bao gồm 1.950 bức tranh khắc đá tô sơn đỏ. Các bức bích họa được thực hiện từ thế kỷ V (trước Công nguyên) đến thế kỷ II (sau Công nguyên) nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Hình tượng “người ếch” đặc trưng trong tranh được coi là ngôn ngữ biểu đạt của người xưa khi chưa có chữ viết, qua đó mô tả sống động hình ảnh trống đồng, vũ khí, thuyền bè và những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày hay nghi lễ hiến tế của người Lạc Việt cổ - tổ tiên của tộc người Choang ngày nay. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật độc đáo, năm 2016, Quần thể tranh đá Hoa Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bên cạnh Quần thể tranh đá Hoa Sơn, Sùng Tả còn lưu giữ nhiều nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của cộng đồng Choang và các dân tộc bản địa.

Lễ hội Tết Sương giáng dân tộc Choang diễn ra vào ngày 1 tháng Mười (âm lịch) hằng năm không chỉ là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, mà còn là sự kiện văn hóa lớn nhất của người Choang trên toàn tỉnh Quảng Tây.

Ngay trong đời sống thường nhật của người Choang cũng ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa truyền thống, chẳng hạn như nghề dệt thổ cẩm. Những tấm thổ cẩm rực rỡ với hoa văn tinh xảo thể hiện thế giới quan và sự khéo léo của phụ nữ Choang.

Du khách có thể ghé thăm các hợp tác xã dệt vải ở vùng ven Sùng Tả hay Làng dân tộc Choang Thiên Cầm (huyện Long Châu) để tìm hiểu quy trình dệt thủ công, tự tay dệt các hoa văn đơn giản hoặc mua về những sản phẩm như khăn, túi, áo choàng thổ cẩm làm kỷ niệm.

Yếu tố lịch sử cách mạng cũng góp phần tô điểm diện mạo văn hóa Sùng Tả. Vùng đất này từng in dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình hoạt động cách mạng những năm 1940.

Hiện nay, chính quyền thành phố Sùng Tả đã phối hợp cùng các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam xây dựng tuyến du lịch “Theo dấu chân Bác Hồ” kết nối Hà Nội - Long Châu - Sùng Tả, để du khách hai nước có thể tìm hiểu về giai đoạn lịch sử chung. Dấu ấn lịch sử đặc biệt này không chỉ thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt - Trung mà còn làm phong phú thêm những trải nghiệm văn hóa cho du khách khi đến với Sùng Tả.

“Bắt tay” xây dựng sản phẩm du lịch xuyên biên giới

Với 46 điểm tham quan cấp quốc gia (hạng A), trong đó có 2 điểm được xếp hạng 5A - mức cao nhất của Trung Quốc, Sùng Tả hiện là một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Tây. Năm 2024, thành phố Sùng Tả đã đón 56,4 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu 54,07 tỷ nhân dân tệ.

Chia sẻ về cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong việc liên kết xây dựng các tour tuyến du lịch xuyên biên giới, bà Lý Thu Yến, Cục trưởng Cục Văn hóa, Du lịch, Thể thao và Truyền hình thành phố Sùng Tả cho biết: Với tầm nhìn dài hạn, việc hình thành “Vành đai du lịch biên giới Việt - Trung” đang dần đi vào hiện thực nhờ chính sách mở cửa linh hoạt từ hai nước, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, phối hợp kiểm tra kiểm soát cửa khẩu; phát triển tuyến đường sắt, xe khách du lịch liên vận và các chương trình du lịch song phương giữa doanh nghiệp hai nước.

Sùng Tả hiện tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch cốt lõi là: Khám phá biên giới, trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, du lịch cách mạng “đỏ” và du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, hai bên còn hợp tác xây dựng tour xuyên biên giới Trung - Việt nhằm tăng cường hợp tác, khai thác tuyến mới và trao đổi khách; tổ chức “Lễ hội du lịch biên giới Trung Quốc - Việt Nam” thường niên nhằm tạo “vòng tiêu dùng du lịch 24 giờ” để các “tour quá cảnh” trở thành “tour qua đêm” và “tour một ngày” trở thành “tour nhiều ngày”, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch xuyên biên giới giữa hai nước.

Là một trong những đơn vị hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch xuyên biên giới với thành phố Sùng Tả, bà Vũ Nam Phương, CEO Công ty TNHH Du lịch và Thương mại quốc tế Phương Nam (PNTrip) cho biết, thời gian tới, hai bên sẽ hợp tác xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa “Theo dấu chân Bác Hồ” kết nối Hà Nội - Long Châu - Sùng Tả dành riêng cho thanh niên hai nước và các du khách ưa thích loại hình du lịch văn hóa - lịch sử.

Ngoài ra, công ty cũng xây dựng sản phẩm du lịch caravan “Một hành trình, hai quốc gia” bằng xe tự lái và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác nhằm phục vụ nhu cầu của đa dạng đối tượng khách. “Đây không chỉ là một sản phẩm du lịch có ý nghĩa đặc biệt mà còn góp phần nâng cao lượng trao đổi khách giữa hai nước, qua đó thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt - Trung” - bà Phương chia sẻ.

Bài và ảnh: Bảo Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sung-ta-sac-mau-mien-bien-vien-700569.html