Sương mù dày đặc tại sân bay Nội Bài, ngành hàng không họp khẩn
Những ngày qua, tại khu vực sân bay Nội Bài (TP Hà Nội), tầm nhìn ngang có thời điểm đã giảm sâu xuống dưới 300 mét, trường hợp này chỉ xuất hiện 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây
Hiện tượng sương mù dày đặc hiếm gặp tại sân bay Nội Bài
Trong những ngày đầu tháng 2-2024, tại các sân bay khu vực phía Bắc đang xảy ra các hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay.
Đặc biệt tại khu vực sân bay Nội Bài (TP Hà Nội), tầm nhìn ngang có thời điểm đã giảm sâu xuống dưới 300 mét, theo thống kê của cơ quan khí tượng trường hợp này chỉ xuất hiện 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây.
Sương mù là hiện tượng thời tiết xảy ra khi nhiệt độ không khí gần mặt đất giảm tiệm cận với nhiệt độ điểm sương, khiến hơi nước ngưng tụ thành những giọt nước li ti hoặc tinh thể băng. Sự ngưng tụ này làm giảm tầm nhìn và có thể gây ra các tình trạng nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt đối với hoạt động bay tại sân bay.
Hiện tượng thời tiết xấu như mưa giông, sương mù thường diễn biến phức tạp, đột ngột gây ra nhiều khó khăn cho công tác dự báo. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài là yếu tố khó lường, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các hoạt động dân sinh.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, giảm thiểu tối đa tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay khu vực miền Bắc khi xảy ra hiện tượng sương mù, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác dự báo thời tiết, quản lý luồng không lưu và điều hành bay.
Ngay trong đêm 31-1, VATM đã áp dụng Phương thức khai thác trong điều kiện tầm nhìn hạn chế (LVP) tại sân bay Nội Bài. Phương thức khai thác này có mục đích đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả cho tất cả các hoạt động bay tại sân bay Nội Bài trong điều kiện tầm nhìn giảm xuống dưới tiêu chuẩn khai thác bình thường.
Trong phương thức LVP, các chuyến bay được chỉ định thực hiện phương thức tiếp cận chính xác ILS CAT II đường cất hạ cánh 11R. Để có thể thực hiện phương thức này, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật đối với các trang thiết bị thì kiểm soát viên không lưu điều hành bay và phi công phải có trình độ cao, được sự phê duyệt của Cục Hàng không Việt Nam.
Quản lý bay giảm thiểu những tác động tiêu cực
Bên cạnh Phương thức LVP, VATM cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai Quy trình điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi. Quy trình này là một trong các biện pháp quản lý luồng không lưu nhằm cân bằng nhu cầu hoạt động bay và năng lực khai thác tại sân bay khi xảy ra các hiện tượng thời tiết xấu.
Để thực hiện quy trình điều tiết luồng không lưu cần sự tham gia của nhiều đơn vị trong và ngoài VATM nhằm phối hợp đưa ra quyết định (CDM) như: Công ty Quản lý bay miền Bắc, Công ty Quản lý bay miền Trung, Công ty Quản lý bay miền Nam, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, Trung tâm Khí tượng hàng không, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không, các Trung tâm/Phòng điều hành sân bay của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các Trung tâm Điều hành khai thác của các hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng vụ hàng không miền Nam…
Ngoài việc áp dụng các phương thức điều hành bay và biện pháp quản lý luồng không lưu, VATM nghiên cứu, phối hợp thảo luận chuyên môn với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác dự báo thời tiết, đặc biệt trong những thời điểm thường xảy ra các hiện tượng thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động bay.
Ngày 4-2, VATM đã tổ chức cuộc họp do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Công chủ trì để nhìn nhận, xem xét và đề ra các biện pháp tăng cường đảm bảo hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Tổng công ty, kết nối trực tuyến trên phạm vi toàn quốc và có sự tham gia của đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cùng tất cả các cơ quan, đơn vị của VATM.
Trong thời gian tới, VATM sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng dịch vụ, tích cực, chủ động phòng tránh, hạn chế và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do diễn biến thời tiết ảnh hưởng tới hoạt động bay.