Super League sẽ ra đời mà không có các đội bóng Anh?
Sự dè dặt từ các CLB Anh không thể ngăn ý chí của những nhà lãnh đạo hàng đầu Juventus hay Real Madrid trong cuộc chiến chống lại UEFA.
Chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli, tỏ thái độ né tránh khi được hỏi về việc liệu một giải Super League của bóng đá châu Âu có thể diễn ra mà vắng bóng các đại diện nước Anh hay không. "Tôi chưa bao giờ nghe người ta nói nhiều đến Super League như ngày hôm nay", ông Agnelli phát biểu tại Hội nghị Kinh doanh Bóng đá ở London hôm 3/3.
Câu trả lời của nhà lãnh đạo Juventus có vẻ như là một phần trong chiến lược mà ông cùng hai người khác ở Barcelona và Madrid xây dựng. Dự án European Super League (ESL), hay còn được gọi là Super League, chính thức ra mắt công chúng lần đầu vào tháng 4 năm ngoái.
Chỉ 48 giờ sau khi Super League được khởi động, giải đấu này nhận rất nhiều sự phản đối từ UEFA, ban tổ chức các giải đấu quốc nội và đặc biệt là người hâm mộ châu Âu. Tuy nhiên, những nỗ lực từ ông Agnelli cùng Florentino Perez và Joan Laporta khiến dự án Super League chưa bao giờ thực sự chết.
Sự hồi sinh
Hôm 3/3, Gary Neville cảnh báo Super League chưa bao giờ thật sự biến mất. Cựu hậu vệ Manchester United chắc chắn đã biết sự trở lại của Super League. Truyền thông châu Âu sau đó tiết lộ thêm về những thay đổi của Super League so với dự án năm ngoái. Gazzetta dello Sport tiết lộ Juventus, Barca và Real Madrid đưa ra đề xuất mới về Super League để thay thế Champions League.
Super League sẽ không còn là một giải đấu kín với số CLB nhất định như kế hoạch năm ngoái. Thay vào đó, giải đấu này sẽ mở rộng cơ hội tham dự cho nhiều CLB khác ở châu Âu.
Ở kế hoạch vào năm 2021, chỉ có 12 CLB hàng đầu châu Âu tham dự Super League, bên cạnh vài đội lớn khác có thể tham gia nếu họ đồng ý như Bayern Munich hay PSG. Trong đề án mới, số lượng CLB sẽ tham dự có thể lên tới 40 với hai hạng đấu, mỗi hạng 20 đội cùng thể thức lên và xuống hạng.
Ngay sau khi truyền thông châu Âu tiết lộ thông tin Super League được tái khởi động, chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin, phát biểu gay gắt: "Có những người thành lập Super League mới đây thôi còn gọi điện xin lỗi tôi, nhưng giờ thì họ tái khởi động nó trong bối cảnh thế giới đang có chiến tranh".
Ông Ceferin tuyên bố: "Trước đó, họ thành lập Super League khi thế giới đang trải qua đại dịch. Những người đó có lẽ sống trong một thế giới song song". Vài giờ đồng hồ sau phát biểu của ông Ceferin, cũng tại hội nghị kể trên, Chủ tịch La Liga, Javier Tebas, nói rằng ba người đứng đầu của Juve, Real Madrid và Barca là những kẻ nói dối không biết ngượng.
Sau Tebas và Ceferin, Agnelli là người phát biểu cuối cùng tại Hội thảo do Financial Times tổ chức tại London. Người đứng đầu Juventus khẳng định bóng đá châu Âu cần một cuộc cách mạng, và sự ra đời của Super League là cần thiết.
Năm ngoái, những nhà sáng lập của Super League đã kiện UEFA lên Tòa án Công lý châu Âu (CJEU) với cáo buộc tổ chức này độc quyền và vi phạm luật cạnh tranh. Rõ ràng, Angelli và những nhà sáng lập Super League đang hy vọng vào một phán quyết có lợi cho họ từ CJEU.
Theo BBC, CJEU dự kiến đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện giữa UEFA và các nhà sáng lập Super League vào cuối năm nay hoặc năm 2023. Những người ủng hộ Super League muốn biết rằng liệu UEFA có vi phạm Luật chống Độc quyền và cạnh tranh của châu Âu hay không.
Nếu CJEU xử các CLB khai sinh Super League thắng kiện trước UEFA, sự trở lại của giải đấu này là dễ dàng hơn bao giờ hết. Nếu phán quyết là ngược lại, Super League gần như sẽ chết.
Super League phiên bản mới không cần các CLB Anh?
Điều chỉnh mới quan trọng nhất của Super League có lẽ nằm ở tính mở của giải đấu, khi không cố định các CLB tham dự. Theo giới quan sát, điều này có thể giúp các nhà sáng lập Super League tận dụng sự ủng hộ của nhiều CLB khác.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo của Juve hay Real cũng tính đến trường hợp những CLB Anh không thể tham dự. Trong dự án Super League năm ngoái, các đại diện Premier League là những đội đầu tiên công khai rút khỏi giải đấu sau phản ứng gay gắt từ chính quyền Anh và người hâm mộ bản địa.
Ngay cả truyền thông châu Âu cũng đưa tin trái ngược nhau về danh sách các CLB tham dự Super League năm nay. Truyền thông Pháp tiết lộ 10 CLB bao gồm Manchester United, Man City, Chelsea, Juventus, Inter Milan, AC Milan, Real Madrid, Liverpool, Barcelona và Atletico Madrid đồng ý trở lại Super League. Borussia Dortmund có thể là CLB nối tiếp tham dự giải đấu, sau khi ông Perez nói chuyện với CEO của CLB Đức, Hans-Joachim Watzke.
Tuy nhiên, Telegraph (Anh) khẳng định các đại diện của Premier League không có ý định quay lại dự án Super League. Nguyên nhân chính cho việc này đến từ làn sóng tẩy chay quyết liệt từ các CĐV bản địa cũng như lời cảnh báo trừng phạt các CLB Premier League của chính phủ Anh.
Một giải đấu hàng đầu châu Âu không có sự xuất hiện của các CLB Anh dường như là điều mà ông Agnelli và các cộng sự đã tính đến. Chủ tịch La Liga, Tebas phân tích: "Họ đang cố gắng thiết kế một giải đấu mà không có các CLB Anh. Theo tôi biết, sẽ có đại diện của bốn giải đấu lớn ở châu Âu khác. Phần còn lại của châu Âu có thể tham gia từ giải hạng thấp".
Ông Agnelli hay Perez được cho đã trình dự án Super League mới lên Liên minh châu Âu (EU). Các nhà sáng lập giải đấu đang tận dụng sự ủng hộ từ nhiều phía để tiếp tục cuộc chiến quyền lực với UEFA.
Ông Ceferin sau đó cảnh báo rằng Juve, Real Madrid hay Barca có thể bị loại ngay lập tức khỏi các giải đấu của UEFA. Cuộc chiến quyền lực giữa các CLB châu Âu và UEFA vẫn đang diễn ra. Super League vẫn chưa chết.