Sưu tập nghệ thuật: Nghề chơi cũng lắm công phu
Bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế lại được xem là 'thời điểm vàng' của các nhà sưu tập khi có thể sở hữu các tác phẩm nghệ thuật Việt tương xứng với giá trị. Tuy nhiên, việc sưu tập, nhất là sưu tập nghệ thuật không phải là một vấn đề đơn giản, cả về góc độ thị hiếu nghệ thuật hay đầu tư kinh doanh.
Thị trường còn sơ khai
Trị giá và giá trị tác phẩm nghệ thuật là hai khái niệm khác nhau, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, việc phân tích mỹ thuật trong tác phẩm đã không còn là chủ đề chính. Những con số triệu USD sau mỗi đợt gõ búa từ các sàn đấu giá quốc tế đã vô tình trở thành động lực để nhiều người nhảy vào thị trường nghệ thuật, đam mê cũng có nhưng không ít người xem đây là một mô hình đầu tư nhiều hứa hẹn.
Nếu chỉ thuần túy nhìn dưới góc độ đầu tư, có thể thấy thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn tương đối kém thanh khoản theo nghĩa về khả năng chuyển đổi nhanh khoản đầu tư thành tiền mặt khi cần. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường nghệ thuật trong nước hiện còn khá sơ khai, thiếu các thành phần hỗ trợ nghệ thuật thứ cấp, như các nhà đấu giá chuyên nghiệp, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên hay gallery đúng nghĩa… đa số vẫn là mua bán trực tiếp giữa nghệ sĩ và nhà sưu tập. Và do thiếu khâu trung gian đảm bảo nên nguy cơ gặp phải tranh giả, tranh nhái hoặc tác phẩm nghệ thuật có lịch sử sở hữu đáng ngờ không phải hiếm.
Cũng vì thế, những người có xu hướng coi sưu tập nghệ thuật là kênh đầu tư sẽ nhắm tới tác phẩm của các họa sĩ có tên tuổi và tranh đang tăng giá như một cách để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, đó cũng không hẳn là hình thức tối ưu. Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn phân tích: “Giá trị của nghệ thuật thường mang tính chủ quan và những gì hấp dẫn đối với một nhà sưu tập, có thể không hấp dẫn đối với người khác. Và điều này ảnh hưởng đến sự kỳ vọng về giá trị thật sự của tác phẩm khi coi đó là tài sản đầu tư”.
Hướng đi của nhà sưu tập nhỏ
Nhiều nhà sưu tập có kinh nghiệm đã chỉ ra một trong những sai lầm “huyền thoại” chính là suy nghĩ phải thật giàu mới có thể trở thành người sưu tập nghệ thuật. Điều này chỉ đúng nếu đó là tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi mà một tác phẩm nghệ thuật (một bức tranh chẳng hạn) có thể là một tài sản cực lớn.
Sở hữu bộ sưu tập hơn 50 bức phác thảo của các họa sĩ trẻ mua từ các nhóm mua bán tranh trên mạng xã hội, Nguyễn Hà Nguyên Khanh (23 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM), chia sẻ: “Mới bắt đầu sưu tập, tôi tự lên ý tưởng về bộ sưu tập mình muốn sở hữu, rồi tham gia các nhóm chia sẻ về hội họa. Tôi thích sưu tầm các phác thảo nằm trong khả năng chi trả… Đến bây giờ, bộ sưu tập phác thảo của tôi đã có nhà sưu tập kỳ cựu để mắt và dù mức giá họ đưa ra tôi có thể lời vài trăm triệu đồng nhưng hiện tôi vẫn chưa có ý định nhượng lại”.
Nguyên Khanh có thể xem là một điển hình của các nhà sưu tập mới bước vào thị trường. Họ không nhất thiết phải có thật nhiều tiền bởi có nhiều cách sưu tầm như chọn mua các phác thảo, các bản in độc bản hay tranh khổ nhỏ... Tác giả chưa nổi tiếng, tranh chưa được chú ý, giá trị vì thế cũng không cao. Tuy nhiên, theo thời gian, các tác phẩm sưu tập đó có thể sẽ tăng giá trị. Vấn đề chỉ là ở cách nhìn nhận, đánh giá và dĩ nhiên là dựa trên kiến thức, sự hiểu biết về mỹ thuật của nhà sưu tập.
“Giá trị nghệ thuật của bộ sưu tập nhiều khi không phải chỉ là nhiều tiền hay rất nhiều tiền. Cũng như bức tranh đơn lẻ vậy - không gì sai hơn khi đánh giá một tác phẩm giá 10 triệu đồng có giá trị nghệ thuật kém hơn một tác phẩm ai đó bán với giá 100 triệu đồng”, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Bản chất của việc sưu tập là cá nhân. Nghệ thuật như là một cách diễn đạt bản thân về cảm xúc và quan điểm thẩm mỹ. Nó cũng có giá trị khác về mặt xã hội như cách kết nối với người khác ở mức độ sâu sắc. Chính vì vậy, sưu tập nghệ thuật có thể xem là một hình thức đầu tư nhưng là dạng đầu tư hoàn toàn khác biệt bởi nó gắn liền và phản ánh cảm xúc của chính nhà sưu tập. Nếu chỉ thuần túy chạy theo lợi nhuận, những con số thanh khoản khổng lồ, thị trường nghệ thuật sẽ sớm tan biến, khó có thể tồn tại chứ chưa nói đến việc phát triển, trở thành động lực cho sáng tạo nghệ thuật.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/suu-tap-nghe-thuat-nghe-choi-cung-lam-cong-phu-post698708.html