Suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng vì dùng thuốc khí dung kéo dài khi trẻ bị hen phế quản
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 16 tuổi nhập viện trong tình trạng ngừng tim do lên cơn hen phế quản cấp. Trước đó, trẻ bị hen phế quản không điều trị đầy đủ và thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Chủ quan trong điều trị hen phế quản có thể gây nguy hiểm tính mạng trẻ
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngừng tim do lên cơn hen phế quản cấp. Đó là bệnh nhi N.P.A (15 tuổi, Thái Bình) được bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, tuy nhiên trẻ không điều trị dự phòng.
Năm 2019, trẻ đến khám lại 1 lần ở Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ được đo chức năng hô hấp, thực hiện test lẩy da với các dị nguyên hô hấp và chẩn đoán xác định trẻ mắc hen phế quản chưa kiểm soát. Các bác sĩ chuyên khoa đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ.
Một tuần trước, trẻ ho nặng kèm theo khó thở, tuy nhiên chỉ ở nhà sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen phế quản cấp. Cơn hen phế quản cấp vẫn diễn biến nặng, không đáp ứng với các thuốc xịt và khí dung ventoline.
Ngày 15/1, trong cơn hen phế quản cấp không được điều trị bởi bác sỹ, trẻ đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu oxy. Bệnh nhi được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng.
Bệnh nhi được chuyển đến Khoa điều trị tích cực Nội khoa, mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu, kiểm soát hạ thân nhiệt chủ động, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.
Hen phế quản là gì?
Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là một bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đàm… gây hạn chế, tắc nghẽn luồng khí đường thở. Người bệnh hen phế quản thường có các triệu chứng, biểu hiện như khò khè, khó thở, nặng ngực, ho…
Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ở trẻ em, hen phế quản là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mãn tính. Tỷ lệ trẻ em mắc hen phế quản chiếm 8-12% tổng số ca bệnh, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi 12-13 tuổi.
Hầu hết trẻ em mắc bệnh này thường có biểu hiện đầu tiên khi lên 5 tuổi, các triệu chứng ở mỗi trẻ cũng thường khác nhau và gây khó khăn cho trẻ trong các hoạt động hàng ngày hoặc gây khó ngủ. Đôi khi một cơn hen phế quản có thể khiến trẻ phải nhập viện.
Bệnh hen phế quản ở trẻ em không có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng phụ huynh có thể đưa trẻ đi thăm khám thường xuyên để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa tổn thương cho phổi đang phát triển của trẻ.
Biểu hiện của hen phế quản
Không phải tất cả trẻ em đều có các triệu chứng hen phế quản giống nhau. Một trẻ mắc bệnh thậm chí có thể có các triệu chứng khác nhau từ đợt này sang đợt khác. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh hen phế quản thường gặp ở trẻ em bao gồm:
Các cơn ho kéo dài, lâu ngày, ho nhiều về đêm: do đường thở bị thu hẹp khiến trẻ khó thở, thiếu oxy gây ra những cơn ho dài, dai dẳng.
Khó thở, thở khò khè: Tiếng rít khi thở vào hoặc thở ra.
Trẻ có dấu hiệu thở nhanh, thở gấp.
Hen phế quản ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ hàng ngày, trẻ mệt mỏi, chán ăn, không muốn hoạt động.
Sức đề kháng kém: Khi thay đổi thời tiết hoặc gặp thời tiết lạnh các triệu chứng của bệnh có biểu hiện rõ hơn như sổ mũi, ho, khó thở…
Gây khó khăn trong quá trình ăn uống hoặc uống nước do đường thở bị co thắt.
Biến chứng hen phế quản
Một số thống kê cho thấy, nguy cơ mắc bệnh hen phế quản của trẻ cao gấp đôi so với người lớn. Nếu trẻ không may mắc bệnh và không được phát hiện và điều trị sớm thì trẻ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể:
Hen phế quản gây xẹp phổi
Đây là một trong những biến chứng khá phổ biến, xuất hiện ở khoảng 1/3 trẻ em bị bệnh hen phế quản. Phụ huynh nên chủ động cho trẻ đi khám, kiểm soát giúp cải thiện và tránh tình trạng phổi bị xẹp.
Hen phế quản gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất
Do phế nang giãn rộng gây ra mạch máu thưa, nuôi dưỡng kém dẫn đến áp lực trong phế nang tăng. Khi ho mạnh hoặc kéo dài thành phế nang dễ bị bục vỡ.
Hen phế quản gây giãn phế nang đa tiểu thùy
Sự đàn hồi của các phế nang ở trẻ bị hen phế quản sẽ giảm dầm, thở ra ít dẫn đến thể tích khí cặn tăng.
Hen phế quản gây ra tình trạng suy hô hấp
Một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen phế quản là khiến trẻ khó thở, tím tái, đôi khi phải dùng máy thở để hỗ trợ.
Tình trạng ngừng hô hấp ảnh hưởng tổn thương não bộ do suy hô hấp kéo dài khiến trẻ bị thiếu oxy não.
Tái khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố quan trọng giúp quản lý và điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ
Theo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương, hen phế quản ở trẻ em chủ yếu thuộc tuýp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid dạng hít hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen phế quản. Đồng thời nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên thường gặp gây cơn hen cấp. Cha mẹ thể giúp con mình tránh khỏi nguy hiểm, bảo tồn chức năng phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống của bé nếu chăm sóc đúng cách.
Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sỹ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh hen phế quản của trẻ ngày càng chuyển biến nặng.
Để đạt được kiểm soát thật tốt bệnh hen phế quản cha mẹ nên giúp con tuân thủ điều trị các thuốc dự phòng để ổn định bệnh, giảm tần suất lên cơn hen cấp và giữ chức năng phổi tốt.
Ngoài ra cha mẹ cũng cần biết cách xử trí khi con lên cơn hen cấp và đưa trẻ tái khám sớm hơn để được các bác sỹ đánh giá lại.
Cách phòng ngừa bệnh hen phế quản
Để trẻ hạn chế nguy cơ mắc bệnh và phải chịu đựng các triệu chứng hen phế quản, cần có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, bụi như: bếp than, bếp củi, khói thuốc lá, thuốc lào.
Không để vật nuôi chó mèo trong nhà, lông/len trải thảm vì trẻ dễ hít các loại lông sẽ phát sinh ra cơn hen.
Cần đảm bảo chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen phế quản ở trẻ.
Cần chú ý các loại thức ăn có thành phần dễ gây dị ứng cho trẻ, đặc biệt chú ý các đồ hải sản như tôm, cua, ghẹ, ốc dễ gây dị ứng và phát sinh cơn hen.
Không để trẻ chơi đùa, nghịch ngợm quá sức trong thời gian điều trị dự phòng hen phế quản.
Giữ ấm cho trẻ khi mùa lạnh, tắm nước ấm và tắm nhanh.
Theo dõi cân nặng của trẻ để tránh tình trạng trẻ béo phì, tăng cân quá mức (là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản).
Tập cho trẻ thói quen ăn đa dạng rau củ quả, đặc biệt là táo và rau tươi để tăng sức đề kháng trong đó có phòng và hỗ trợ chữa hen phế quản.