Suy giảm đa dạng sinh học ở Sông Đầm đang diễn ra mạnh mẽ

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài nguyên nhân về ô nhiễm nguồn nước thì biến đổi khí hậu và thiên tai bão lũ cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở sông Đầm.

Sáng nay (19/7), UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Khoa học về Bảo tồn, phát huy các giá trị hệ sinh thái đất ngập nước hồ Sông Đầm, thành phố Tam Kỳ. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, tình trạng suy giảm đa dạng sinh học ở Sông Đầm đang diễn ra mạnh mẽ do tác động của hoạt động kinh tế ở các khu công nghiệp; tình trạng đánh bắt thủy sản, chim chóc tận diệt; ngăn mặn tách dòng ngược tự nhiên.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm tại thành phố Tam Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Sông Đầm có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Sông Đầm với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, hiếm có, cùng với hệ thống di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của thành phố Tam Kỳ và khu vực phía Nam của tỉnh trong tương lai.

Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ. Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, những năm qua, thành phố tích cực trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm.

“Vận động nhân dân bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản vùng gần bờ và trong vùng lõi của sông Đầm. Thành phố Tam Kỳ dành nguồn lực để phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm, trồng các loài cây bản địa. Thành phố kiến nghị tỉnh tiến hành lập hồ sơ để hình thành khu đa dạng sinh học và đất ngập nước để bảo tồn và hướng đến hình thành một công viên thiên nhiên”.

Sông Đầm được ví như lá phổi xanh của thành phố Tam Kỳ.

Sông Đầm được ví như lá phổi xanh của thành phố Tam Kỳ.

Theo kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực hồ sông Đầm của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, sông Đầm hiện có 81 loài động vật có xương sống, 214 loài động vật không xương sống và 170 loài thực vật. Trong khi so sánh chỉ số số lượng loài của hồ sông Đầm với Vườn quốc gia Bạch Mã và Vườn quốc gia Ba Bể thì các con số lần lượt là 465 loài, 630 loài, 510 loài. Số liệu này chứng minh, chỉ số phong phú loài của hồ sông Đầm không quá thấp so với các vườn quốc gia khác.

Sông Đầm có diện tích mặt nước khoảng 200 ha, tổng lưu vực hồ, bao gồm cả những làng xung quanh khoảng 650 héc ta. Khu vực này có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú nhưng đang đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm, khan hiếm nguồn lợi thủy sản, nhất là nước thải từ các khu công nghiệp đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững.

Thả cá giống xuống sông Đầm.

Thả cá giống xuống sông Đầm.

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài nguyên nhân về ô nhiễm nguồn nước thì biến đổi khí hậu và thiên tai bão lũ cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở sông Đầm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nêu thực trạng: “Nhiều nguyên nhân tác động đến đa dạng sinh học tại sông Đầm như nước lũ tràn về khu vực này, thứ hai là việc một số khu công nghiệp xả thải chưa được kiểm soát một cách hợp lý. Ngoài ra, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và khai thác nguồn lợi thủy sản một cách quá mức và phương pháp khai thác bị nghiêm cấm, người ta vẫn làm”.

Long Phi/ VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/suy-giam-da-dang-sinh-hoc-o-song-dam-dang-dien-ra-manh-me-post1109010.vov