Suy ngẫm về thiết chế văn hóa cơ sở
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những giải pháp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra đó là: Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.
Để làm được điều này trong thời đại Cách mạng 4.0, ngoài phát triển văn hóa số, xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, trong mỗi gia đình và toàn xã hội, hệ thống văn hóa thông tin cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó không chỉ là cầu nối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân mà qua công cụ văn hóa thông tin cơ sở cũng góp phần gắn kết người với người, thẩu hiểu và sẻ chia cùng hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa con người cao đẹp, giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "chân quê".
Ai muốn khỏe, đẹp, vui vẻ ra “Nhà văn hóa”
Hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở là một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa thông tin của cả nước, là công cụ tuyên truyền, vận động sắc bén, sâu rộng tại cơ sở của Đảng, Nhà nước, đồng thời là nơi hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam tại cơ sở. “Muốn có thông tin, vui khỏe mỗi ngày thì cứ ra nhà văn hóa xóm. Ở đó, bên cạnh vui chơi, giải trí bằng đọc sách báo, mọi người còn được dịp giao lưu gặp gỡ và trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống, gia đình, con cái, thậm chí trai gái có thể gặp gỡ, nên duyên đôi lứa. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát nhà văn hóa xóm vắng vẻ hẳn. Mong sao mau hết dịch để nơi đây lại xôn xao, sôi động, vui vẻ, thắm tình văn hóa như xưa” - cử tri bày tỏ.
“Mùa covid-19 này mà không có loa thì đúng là mù tịt thông tin của xóm, của xã, của cấp trên, nhất là các thông tin của địa phương, cụm dân cư. Tự nhiên thấy yêu mến bác cụm trưởng, Tổ trưởng dân phố và loa phường lắm. Nhờ đó, người dân chúng tôi có thông tin để chủ động cùng chính quyền phòng, chống dịch và cũng góp một phần nhỏ công sức để cùng Đảng, Nhà nước xây dựng Quỹ vaccine phòng bệnh, ủng hộ đồng bào nơi bị thiệt hại nặng do dịch bệnh. Loa phường góp phần giúp tình người gắn kết, gần gũi hơn” - Một cử tri khác cho biết.
Kết quả giám sát chuyên đề của HĐND một số địa phương về thiết chế văn hóa thông tin cơ sở cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công năng sử dụng một số nhà văn hóa chưa cao, chủ yếu hội họp rồi đóng cửa; các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em và người già chưa bảo đảm. Đa số chưa thành lập Ban chủ nhiệm và ban hành quy chế hoạt động theo quy định tại Thông tư số 12/2010/BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên chưa phát huy được hiệu quả. Hiệu quả sử dụng các phòng đọc, tủ sách pháp luật ở Nhà văn hóa còn thấp, số lượng sách báo còn nghèo nàn về nội dung, số lượng người đến đọc sách, báo rất ít. Nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho thiết chế thể thao còn khiêm tốn, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu…
Ảnh: Bình Nguyên
Để giữ được “chân quê”
Từ đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn cho thấy, hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đã, đang góp phần phát triển xã hội một cách bền vững. Để giữ lấy lề, hay nói cách khác là giữ được “chân quê”, hồn quê mộc mạc bình dị của bản sắc văn hóa Việt Nam ở cơ sở, nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở là việc làm hết sức cần thiết. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi công nghệ số phát triển, sự du nhập của văn hóa nước ngoài vào nước ta mạnh mẽ, tràn lan và thiếu kiểm chứng, nhất là ảnh hưởng tới giới trẻ. Làm sao để con em bứt ra khỏi màn hình điện thoại, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, chung tay vì cộng đồng thì văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng.
Theo đó, ở khía cạnh cơ quan dân cử, thiết nghĩ HĐND cần có biện pháphỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức và khuyến khích nhân tài theo hướng bổ sung mục hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức dài hạn đối với trình độ đại học nhằm tạo điều kiện cho những công chức, viên chức trên địa bàn nói chung và của ngành văn hóa, thể thao nói riêng chưa được chuẩn hóa hoàn thiện chuyên môn; đồng thời, tiếp tục có biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn hóa, thể thao về công tác tại cơ sở. Chính quyền địa phương cũng cần quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin bảo đảm quy chuẩn. Có quy chế chung để sử dụng hiệu quả các thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, thể thao phường, xã và các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố...
Chú trọng hoàn thiện về quy hoạch tổng thể đất dành cho văn hóa, thể thao cơ sở đúng quy chuẩn và đồng bộ cơ sở vật chất; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thích đáng về xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người làm công tác quản lý văn hóa - thể thao phường, xã (công chức văn hóa), hoặc có cơ chế hỗ trợ phường, xã tuyển cộng tác viên văn hóa, thể thao để hỗ trợ, chia sẻ bớt công việc cho công chức văn hóa ở cơ sở.
Điều cuối cùng đó là cần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh của con người theo vùng quê, dù hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Bởi, dù thiết chế văn hóa cơ sở có được đầu tư hiện đại đi chăng nữa mà ý thức, nếp sống văn hóa của người dân không được duy trì và phát huy thì mọi sự đầu tư chỉ là lãng phí.