Suy thận cấp có chữa khỏi được không? 3 nhóm người có nguy cơ cao, cần cảnh giác!
Suy thận cấp có thể chữa khỏi triệt để. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Suy thận cấp có chữa khỏi được không?
Suy thận cấp xảy ra khi chức năng của thận giảm đột ngột, khiến cơ quan này không thể loại bỏ chất thải khỏi cơ thể, không cân bằng được nước và điện giải. Tuổi tác là yếu tố chính gây ra suy thận cấp, người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày, suy thận cấp có thể tiến triển nhanh chóng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, suy thận cấp sẽ được chữa khỏi triệt để, giúp phục hồi chức năng thận trở về trạng thái ban đầu.

Ảnh minh họa
Ai có nguy cơ bị suy thận cấp?
Ai cũng có nguy cơ bị suy thận cấp tính. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường khác nên cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe hơn:
- Người cao tuổi mắc bệnh mạn tính: đái tháo đường, cao huyết áp, suy gan…
- Người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, thuốc cản quang
- Người bị nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Dấu hiệu bệnh suy thận cấp
Giai đoạn khởi đầu
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, đau ngực, khó thở, nước tiểu ít… Những triệu chứng này thường diễn ra trong khoảng 24 giờ đầu tiên kể từ khi xuất hiện bệnh. Nếu điều trị ngay từ giai đoạn này, bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Giai đoạn thiếu máu và vô niệu
Ở giai đoạn này, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là tình trạng thiểu niệu và vô niệu, nếu không điều trị có thể dẫn đến tử vong. Giai đoạn này thường kéo dài vài tuần và sau khoảng 1-2 tuần, việc tiểu tiện của bệnh nhân sẽ trở lại bình thường.
Cũng trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng suy thận cấp khác như phù phổi, suy tim ứ huyết, nước tiểu đậm màu, lẫn máu…, thậm chí có thể bị chảy máu nội tạng, viêm màng ngoài tim và các dấu hiệu rối loạn não.
Giai đoạn tiểu tiện trở lại
Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã có thể đi tiểu và lượng nước tiểu cũng tăng dần. Tuy nhiên vẫn có các dấu hiệu rối loạn điện giải, tăng kali, ure máu.
Giai đoạn hồi phục
Đây là giai đoạn hồi phục chức năng thận. Các triệu chứng lâm sàng không còn nhưng khi xét nghiệm nước tiểu thì nồng độ creatinin huyết tương và ure huyết tương tăng hơn so với mức bình thường.

Ảnh minh họa
Cần làm gì khi bị suy thận cấp?
Điều trị suy thận cấp cần thay đổi trong chế độ ăn uống, việc sử dụng thuốc hoặc thậm chí là lọc máu:
Ăn kiêng
Thay đổi cách thức và những gì bạn ăn sẽ không thay đổi được tình trạng suy thận cấp. Nhưng để đối phó, người bệnh suy thận cấp sẽ phải hạn chế lượng muối và kali cho đến khi thận lành lại. Đó là bởi vì cả hai chất này được loại bỏ khỏi cơ thể bạn thông qua thận.
Dùng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhằm điều chỉnh lượng phốt pho và kali trong máu của bạn. Khi thận của bạn bị tổn thương, chúng không thể loại bỏ các chất này khỏi cơ thể bạn. Thuốc sẽ không có tác dụng giúp thận lành lại, nhưng chúng có thể làm giảm một số vấn đề gây ra suy thận.
Lọc máu
Nếu tổn thương thận nghiêm trọng, bạn có thể phải chạy thận nhân tạo cho đến khi thận hồi phục. Lọc máu không giúp chữa lành thận mà thực hiện tiếp quản công việc của thận cho đến khi thận có thể hoạt động được. Nếu thận không lành lại, quá trình lọc máu có thể kéo dài.