Suy thận mạn ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ
'May mắn vì tôi chưa lấy chồng và có con, nếu không với chi phí điều trị và chạy thận xấp xỉ trăm triệu mỗi năm, không biết nuôi con thế nào, rồi con cái cũng vất vả theo mình' - chị Vũ Thị Thảo, 38 tuổi, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - tâm sự.
Gánh nặng kinh tế
Buồng chạy thận nhân tạo, Khoa Nội thận khớp, Bệnh viện 198, Bộ Công an một buổi sáng, im ắng, gần 20 chiếc máy chạy thận nhân tạo cần mẫn xoay. Bên cạnh mỗi máy chạy thận là một cuộc đời đang từng ngày quay quắt với căn bệnh chưa có phương pháp chữa khỏi.
Chị Thảo là một trong số đó. Chiếc giường chỉ rộng chừng chưa đến 1m nhưng trông chị nhỏ thó một góc, gương mặt xanh xao. Các vị trí xương khớp của chị đã xuất hiện biến chứng, ảnh hưởng của suy thận, đau buốt.
Năm 2013, chị Thảo phát hiện suy thận mạn giai đoạn 3. Đến năm 2014, bệnh tiến triển nặng phải lọc máu thường xuyên. Đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, chị Thảo phải bắt đầu hành trình đều đặn 3 buổi một tuần đến bệnh viện chạy thận.
"Giờ tôi không khóc nữa, vì khóc nhiều quá rồi, phải bình tĩnh mà vượt lên thôi. Thời gian đầu vẫn còn đi làm được, thu nhập được chục triệu một tháng cũng tạm đủ tự lo cho bản thân. Nhưng vài năm gần đây, xuất hiện thêm các biến chứng, thời gian đến viện nhiều hơn, điều trị tốn kém trong khi sức khỏe sa sút, không làm việc nhiều được" - chị Thảo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Chinh, mẹ của chị Thảo kể, bà đồng hành cùng con từ khi con phát hiện bệnh đến nay. Do gia đình ở quê làm nông nghiệp, nên khi con gái phải điều trị liên tục trên Hà Nội, bà Chinh đã lên đây thuê một phòng trọ nhỏ để hai mẹ con ở, tiện cho việc chữa bệnh.
Kể từ đó bà làm đủ mọi công việc, từ tạp vụ, giúp việc đến bán rau ngoài chợ, chỉ mong sao có đủ chi phí điều trị cho con.
Chỉ riêng tại Khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 198, Bộ Công an hàng năm cũng đã tiếp nhận, thăm khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân suy thận mạn và hiện có 90 bệnh nhân đang lọc máu thường xuyên. Khoảng 20% trong số đó ở độ tuổi dưới 40.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 198 Bộ Công an, chi phí điều trị y tế của bệnh suy thận mạn là một thách thức lớn đối với bản thân bệnh nhân, gia đình cũng như xã hội.
Chi phí này bao gồm thuốc điều trị các nguyên nhân dẫn đến suy thận như tăng huyết áp, đái tháo đường, ức chế miễn dịch. Ngoài ra người bệnh phải chi phí cho việc điều trị dự phòng các biến chứng của bệnh, điều trị bổ sung các bệnh lý kèm theo như điều trị thiếu máu, thuốc đạm thận, bổ sung vitamin, khoáng chất, yếu tố vi lượng.
"Về cơ bản đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn cũng được bảo hiểm y tế chi trả tương đối lớn tùy thuộc vào mức đóng của bệnh nhân. Tuy nhiên điều trị ngoại trú thì mức chi trả đang còn giới hạn nhiều, vẫn có nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục thanh toán trong suốt quá trình điều trị", bác sĩ Hùng cho hay.
Ước tính chi phí một tháng chạy thận nhân tạo phải chi khoảng 2,5-12 triệu đồng (tùy chất lượng, dịch vụ từng nơi) sau khi trừ bảo hiểm y tế. Thực tế, bị suy thận mạn là phải điều trị suốt đời (trừ khi bệnh nhân được ghép thận thành công).
Như vậy, việc chi trả chi phí này là một gánh nặng tài chính lớn đối với nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hoặc sống ở vùng nông thôn.
Cần thay đổi lối sống
Theo bác sĩ Trịnh Hùng, tình trạng trẻ hóa của bệnh thận mạn do viêm cầu thận đang chiếm tỉ lệ tương đối lớn. Không chỉ vậy, lối sống sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, dùng nhiều đồ ăn sẵn, nước ngọt, sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá cũng là một trong nhưng nguyên nhân khiến bệnh suy thận mạn ngày càng gia tăng ở người trẻ.
Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc suy thận mạn hơn nam giới do quá trình mang thai, sinh con, dùng các thuốc nội tiết tố. Khi mắc suy thận mạn, chạy thận nhân tạo người bệnh, đặc biệt là phụ nữ trẻ, sức khỏe giảm sút rất nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cả về tinh thần và thể chất, công việc. Ngoài ra, họ còn phải đối diện với những nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh, nội tiết,…
"Tỉ lệ nữ mắc bệnh thận mạn cao gấp 1,5 lần so với nam giới, và tỉ lệ nữ tiến triển đến giai đoạn nặng của suy thận mạn cũng như vậy. Đối với phụ nữ trẻ tuổi, khi bệnh tiến triển sang giai đoạn chạy thận nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố, đến khả năng mang thai và sinh con", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo, bệnh thận mạn chưa có phương pháp nào điều trị khỏi bệnh. Vì vậy, mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ, cần tạo cho mình một lối sống lành mạnh, nâng cao hoạt động thể chất, không thức khuya, không sử dụng chất kích thích.
Cần khám sức khỏe định kỳ, đánh giá xét nghiệm nước tiểu để tầm soát các nguy cơ, phòng tránh suy thận kịp thời.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Trong đó có khoảng 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu. Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính hơn 4.000 tỷ đồng.