Suy thận mạn tính
Bệnh thận diễn ra kéo dài, làm suy giảm chức năng của cơ quan bài tiết nước tiểu, gây ra bệnh cảnh suy thận mạn tính.
Xu hướng trẻ hóa
Nguyên nhân gây suy thận mạn tính có thể gặp ở nhiều bệnh lý của thận, nhưng điều trị muộn hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh thường tái diễn và diễn biến kéo dài.
Các bệnh lý gồm: Viêm cầu thận cấp tính và mạn tính, viêm thận bể thận, thận đa nang, viêm thận kẻ, hội chứng thận hư, tắc nghẽn đường tiết niệu (do sỏi thận, u xơ tuyến tiền liệt) và một số bệnh thận mang tính di truyền.
Bệnh còn gặp ở những người có nguy cơ cao như béo phì, nghiện thuốc lá, người cao tuổi lạm dụng thuốc có tác động bất lợi lên thận và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý về thận.
Tuy nhiên, điều quan trọng là có những bệnh lý không diễn ra tại thận mà lại có tác động nặng nề lên thận và gây suy thận. Trong số những bệnh lý đó, có 2 bệnh lý “đáng gờm” và là 2 nguyên nhân hàng đầu mang tính phổ biến là đái tháo đường và tăng huyết áp.
Đường máu tăng cao và áp lực của sự tăng huyết áp đều gây tổn thương thành mạch máu của thận, dẫn đến suy giảm chức năng của thận và lâu ngày trở thành suy thận mạn tính.
Ngày nay, các bệnh lý đái tháo đường và tăng huyết áp có khuynh hướng gia tăng, xu hướng ngày càng trẻ hóa gây lo lắng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Ban đầu không có biểu hiện
Nói chung, ở những người được chẩn đoán suy thận mạn tính, trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì rõ ràng hoặc đặc biệt để nghi ngờ mắc bệnh.
Người bệnh chỉ được phát hiện khi làm các xét nghiệm máu và nước tiểu.
Những trường hợp người bệnh tự nhận ra các dấu hiệu nghi ngờ suy thận đã bước vào giai đoạn nặng.
Các biểu hiện thường gặp trong giai đoạn nặng, gồm:
- Cảm giác mệt mỏi, khó tập trung và mất ngủ.
- Ăn uống kém ngon, thường buồn nôn và nôn.
- Da xanh xao, khô và ngứa.
- Thường tiểu nhiều vào đêm và nước tiểu bất thường, không trong.
- Phù nề mi mắt buổi sáng, phù mặt trước cẳng chân và mắt cá chân.
- Hơi thở có mùi hôi và cảm giác có vị kim loại trong nước bọt.
- Huyết áp cao và khó kiểm soát bằng thuốc điều trị tăng huyết áp thông thường.
- Các cơ thường bị chuột rút, nhất là ban đêm.
Các nhà chuyên môn chia suy thận mạn ra thành 5 giai đoạn căn cứ vào xét nghiệm xác định mức lọc của cầu thận nhằm đánh giá mức độ thương tổn của thận. Các giai đoạn 1 và 2 là giai đoạn nhẹ. Các giai đoạn 3; 4 và 5 là giai đoạn nặng và rất nặng.
Hướng điều trị, chăm sóc và phòng bệnh
Điều trị người bị viêm thận mạn chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát các biểu hiện, hạn chế biến chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, tạo sự an tâm cho người nhà.
Các thuốc được chỉ định dùng và liều lượng tùy theo từng trường hợp cụ thể, gồm các thuốc điều trị tăng huyết áp, làm giảm cholesterol máu, giảm lượng đường máu; thuốc lợi tiểu giảm phù nề, điều trị thiếu máu, bổ sung vitamine và các chất vi lượng...
Trong giai đoạn cuối của bệnh, thận gần như không làm việc. Việc điều trị theo phương pháp lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận được đặt ra tùy theo khả năng và các điều kiện liên quan.
- Lọc máu nhân tạo: Nhằm loại trừ các chất độc hại và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể người bệnh. Phương pháp này có 2 kỹ thuật: Lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo.
- Ghép thận: Đòi hỏi cơ sở có khả năng kỹ thuật cao. Chi phí tốn rất kém. Thận ghép có thể được cho từ người nhà hoặc nhận được từ những người hiến tạng đã chết.
Sau ghép thận, người bệnh phải dùng thuốc suốt đời để chống thải bộ phận được ghép.
Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt trên nguyên tắc đủ năng lượng, các acid amine cần thiết, vitamine và các chất vi lượng, cân bằng lượng nước đưa vào cơ thể, hạn chế ăn mặn. Tốt nhất, người bệnh nên ăn nhạt nhất có thể.
Chế độ ăn của người bệnh làm sao không để thừa protein, vì sẽ chuyển hóa thành các chất bất lợi cho cơ thể.
Ăn nhiều trái cây và rau xanh để nhận vitamine và các chất vi lượng.
Hạn chế tối đa các loại thức ăn nhanh, vì chúng thường chứa nhiều muối, trừ trường hợp được sản xuất riêng cho người suy thận mạn.
Trường hợp cần dùng thuốc điều trị bệnh khác, phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để tránh các loại thuốc tác động bất lợi lên những quả thận đã bị thương tổn quá nặng nề.
Việc phòng bệnh cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm và điều trị tốt các bệnh lý có liên quan. Thực hiện phương châm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Bệnh suy thận mạn tính gây ảnh hưởng toàn thân, tác động lên toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Các biến chứng thường gặp nhất, gồm:
- Thiếu máu.
- Huyết áp tăng rất cao, có thể gây cơn đột quỵ.
- Giảm khả năng tình dục và khả năng sinh sản.
- Tích nước trong cơ thể gây phù nề ở nhiều cơ quan, nhất là phù phổi cấp có thể dẫn đến đến tử vong.
- Gia tăng kali máu do không đào thải được dẫn đến các biến chứng tim mạch.
- Gia tăng nguy cơ gãy xương do xương yếu vì mất canxi.
- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do hệ miễn dịch bị suy giảm.
- Nếu người bệnh là phụ nữ đang mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-than-man-tinh-post648734.html