Suy thoái kinh tế khiến nhiều người Pakistan liều mạng vượt biên đến châu Âu
Ông Hameed Iqbal Bhatti đã trở nên giàu có sau hai thập kỷ làm việc ở Ả Rập Xê Út, nhưng sau khi trở về Pakistan ba năm trước, ông đã trở nên tuyệt vọng.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và nhà hàng của ông phải đóng cửa. Khi không có việc làm và lạm phát cao ngất ngưởng người đàn ông 47 tuổi này đã trả 7.600 đô la cho một kẻ buôn người để đưa ông vào châu Âu, nơi ông hy vọng sẽ xây dựng lại được cuộc đời, theo lời kể từ anh trai ông, Muhammad Sarwar Bhatti.
Thảm kịch đau lòng
"Em ấy nói với tôi rằng mình sẽ bắt đầu lại từ đầu vì tương lai của các con", ông Muhammad kể lại.
Một chiếc thuyền rời Libya chở Hameed Iqbal Bhatti và hàng trăm người khác đã chìm ngoài khơi Hy Lạp vào tuần trước, một trong những thảm họa di cư đẫm máu nhất trong những năm gần đây. Hameed được cho là đã tử vong. Thảm kịch này nêu bật những nguy cơ mà những người tìm cách vào châu Âu một cách bất hợp pháp phải đối mặt.
Theo lời kể hơn một chục người di cư, cùng với nhận định của các chuyên gia và dữ liệu thống kê, số lượng người Pakistan thực hiện các hành trình này ngày càng tăng trong những tháng gần đây do cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.
Nền kinh tế trị giá 350 tỷ USD của Pakistan đang thiếu tiền mặt và đang rơi vào khủng hoảng với lạm phát ở mức kỷ lục 38%. Đồng tiền mất giá nhanh chóng và thâm hụt ngân sách đã khiến chính phủ áp dụng các biện pháp quyết liệt trong năm qua để tránh vỡ nợ.
Lĩnh vực công nghiệp, ngành kinh tế mũi nhọn của Pakistan, đã giảm gần 3% trong năm tài chính hiện tại. Dữ liệu thất nghiệp chính thức đã không được công bố trong hai năm.
Ông Hafeez Pasha, cựu Bộ trưởng Tài chính đã ước lượng tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục 11-12%.
Vấn nạn buôn người di cư sang châu Âu
Frontex, cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của EU, đã phát hiện 102.000 người di cư trái phép tại biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu từ tháng 1 đến tháng 5, cao hơn 12% so với năm trước và cao nhất kể từ năm 2016.
Các chuyến tàu vượt biên từ Libya đến Ý và Hy Lạp đã tăng gần gấp đôi, và là phương thức vượt biên phổ biến nhất. Hiện tại, lượng người di cư Pakistan ở Ý cao thứ 3, sau Ai Cập và Bangladesh, theo một phát ngôn viên của Frontex cho hay.
Trong số các vụ vượt biên bị phát hiện trong năm nay, có 4.971 người đến từ Pakistan, một kỷ lục mới. Pakistan hôm thứ Hai đã tổ chức một ngày quốc tang sau thảm họa lật thuyền. Ít nhất 209 người Pakistan được cho là có mặt trên chiếc thuyền bị lật ngoài khơi Hy Lạp đó.
Ngay cả trước vụ chìm tàu tuần trước, nhiều người Pakistan đã thiệt mạng ở Địa Trung Hải trong năm nay.
Cơ hội đổi đời hay đổi mạng?
Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan (FIA) nói rằng hầu hết những người vượt biên là các lao động phổ thông hoặc những đối tượng khó có khả năng xin được thị thực lao động ở EU. Nhưng nếu sống tằn tiện ở châu Âu, họ vẫn có thể gửi tiền về nhà nhằm nuôi sống gia đình.
Ông Muhamad Nazim, 54 tuổi, cho biết ông đã vào châu Âu bất hợp pháp qua Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1990 và cuối cùng được cấp thẻ cư trú. Ông hiểu tại sao mọi người muốn rời khỏi Pakistan.
"Ngay cả tầng lớp có học cũng gặp nhiều khó khăn khi kiếm việc làm ở Pakistan", một người Pakistan khác có tên Anish Raza cho hay.
Ông Haji Ilyas, 70 tuổi, đang xây một ngôi nhà nguy nga. Ông Ilyas, người sở hữu 4 chiếc xe, cho biết ba người con trai của ông đã ra nước ngoài bất hợp pháp. Hai trong số họ đã tới Tây Ban Nha.
Với dự trữ ngoại hối đủ để chi trả cho hàng nhập khẩu chưa đầy một tháng, Pakistan có nguy cơ cạn kiệt tiền. Một chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ hết hạn vào tháng này và chính phủ sẽ cần phải tham gia vào một chương trình mới nếu không muốn phải đối mặt với khả năng vỡ nợ.
Pakistan là nước xuất khẩu lao động hàng đầu và lượng kiều hối lớn đã giúp giữ cho đất nước phát triển. Gần 830.000 người đã đăng ký làm lao động ở nước ngoài vào năm ngoái, cao nhất kể từ năm 2016.
Israr Mirza, 29 tuổi, đã kể lại chuyến hành trình đến phương Tây sau khi anh bị cho thôi việc vào năm ngoái tại một nhà máy dệt ở Lahore.
Anh đã vay một khoản tiền, mua vé máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và trả tiền cho một kẻ buôn lậu, người đã sắp xếp cho anh đi bằng đường bộ đến Hy Lạp vào tháng 9. Anh đã tới nơi nhưng bị bắt và đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó bị giam giữ và cuối cùng bị trục xuất về Pakistan.
"Tôi không biết liệu mình có vui khi sống sót trở về hay không", anh nói. "Giờ tôi không có thu nhập và giờ phải trả các khoản nợ nần".
Quốc Thiên (theo Reuters)