Suýt bị lừa vì không tin tưởng chồng

Do nghi ngờ chồng không chung thủy, một người phụ nữ suýt bị lừa khi tìm mua phần mềm đọc trộm tin nhắn điện thoại.

 Tin nhắn làm quen phụ nữ trên điện thoại. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Tin nhắn làm quen phụ nữ trên điện thoại. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Một số thủ đoạn lừa đảo tinh vi tiếp tục được Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin & Truyền thông cảnh báo trong bản tin về lừa đảo trực tuyến tuần qua.

Bên cạnh trường hợp suýt bị lừa mua phần mềm đọc trộm tin nhắn điện thoại, Cục ATTT còn cảnh báo thủ đoạn giả danh công an để chiếm đoạt tiền, chiêu thức lừa xuất hàng sang nước ngoài nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Suýt bị lừa vì không tin tưởng chồng

Đầu tháng 12, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức quảng cáo, rao bán phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại

Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn theo dõi cuộc sống riêng tư của người thân hoặc mối quan hệ xã hội, kẻ lừa đảo dụ dỗ nạn nhân trả tiền để mua phần mềm nghe lén, sau đó đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản. Chúng còn tự lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh công ty công nghệ, chạy quảng cáo để bán phần mềm.

 Đang có thủ đoạn lừa bán phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Đang có thủ đoạn lừa bán phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Một người cho biết vì nghi ngờ chồng không chung thủy, chị lên mạng tìm mua phần mềm đọc trộm tin nhắn điện thoại.

Sau khi nghe đối tượng tư vấn, chị được yêu cầu chuyển nhiều loại phí (phí sử dụng phần mềm, mua gói cước, phí bẻ khóa mật khẩu). Đến đây, chị mới nghi ngờ và nhận ra đó là trò lừa đảo.

Việc tự ý mua, bán và sử dụng phần mềm, thiết bị ngụy trang nhằm ghi âm, ghi hình mà không được cơ quan có thẩm quyền cầp phép là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự.

Không chỉ đối tượng kinh doanh, người mua và sử dụng thiết bị cũng nằm trong diện xử phạt.

Theo Cục ATTT, người dân nên tìm hiểu và theo dõi chuyển biến của các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên Internet để chủ động đối phó. Tuyệt đối không tìm mua các sản phẩm, thiết bị phục vụ nghe lén hay ghi hình trôi nổi, không rõ nguồn gốc để tránh bị theo dõi, đánh cắp thông tin hoặc xâm phạm đời sống riêng tư.

Ngăn chặn trường hợp giả công an lừa 1 tỷ đồng

Công an xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết đã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh xã Tản Lĩnh, kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh công an, gọi điện đe dọa tống tiền.

Trước đó, bà N.T.H. (53 tuổi, Hà Nội) nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ công an, thông báo bà liên quan đến đường dây buôn ma túy. Kẻ này yêu cầu bà chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của chúng để xác minh, nếu không sẽ bị bắt giam.

 Công an xã Tản Lĩnh (Hà Nội) đã ngăn chặn trường hợp mạo danh công an, lừa đảo chiếm đoạt 1 tỷ đồng. Ảnh: Cục ATTT.

Công an xã Tản Lĩnh (Hà Nội) đã ngăn chặn trường hợp mạo danh công an, lừa đảo chiếm đoạt 1 tỷ đồng. Ảnh: Cục ATTT.

Quá hoảng sợ, bà H. cùng chồng (ông N.V.H., 55 tuổi) đến phòng giao dịch Ngân hàng Agribank để chuyển tiền.

Nhận thấy 2 vợ chồng có nét mặt căng thẳng, trạng thái mệt mỏi khi yêu cầu rút tiền, nhân viên ngân hàng đã liên hệ Công an xã Tản Lĩnh.

Công an huyện Ba Vì cho biết khi cần làm việc với người dân, cơ quan sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, thị trấn.

Cơ quan công an khẳng định tuyệt đối không gọi cho công dân qua điện thoại để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Trước thủ đoạn trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi từ số lạ. Không làm theo yêu cầu của đầu dây bên kia, không cung cấp thông tin cá nhân để tránh mắc bẫy lừa đảo.

Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Cảnh báo lừa xuất hàng sang Canada

Thời gian gần đây, xuất hiện trường hợp kẻ lừa đảo giả mạo các doanh nghiệp lớn tại Canada, tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của những công ty Việt Nam nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, chúng gọi điện trực tiếp hoặc nhắn tin cho doanh nghiệp qua email, WhatsApp hay Viber để mời hợp tác.

Nhiều trường hợp kẻ xấu mạo danh doanh nghiệp Canada, gọi điện các công ty tại Việt Nam để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Nhiều trường hợp kẻ xấu mạo danh doanh nghiệp Canada, gọi điện các công ty tại Việt Nam để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Nhằm tạo dựng uy tín, kẻ lừa đảo gửi chứng nhận nộp hàng, chứng nhận nộp thuế và giả mạo con dấu doanh nghiệp. Sau khi trao đổi hàng, chúng còn biên soạn và gửi hợp đồng, có đầy đủ chữ ký.

Khi doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu chuyển tiền cọc, kẻ lừa đảo gửi một số loại chứng nhận, yêu cầu xác nhận bởi đó là điều kiện bắt buộc của chính phủ Canada.

Thương vụ Việt Nam tại Canada khẳng định đó là hành vi lừa đảo, bởi các doanh nghiệp Canada khi nhập hàng thường sẽ trực tiếp đứng ra làm thủ tục, chứng chỉ theo yêu cầu.

Theo cục ATTT, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý, cảnh giác trước lời đề nghị từ những doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty cần chủ động liên hệ Thương vụ trong việc xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ công chứng tại nước sở tại làm cơ sở đảm bảo chắc chắn.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng sở tại nhằm tư vấn các doanh nghiệp hoặc giúp xác minh năng lực, uy tín của doanh nghiệp sở tại.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/suyt-bi-lua-vi-khong-tin-tuong-chong-post1448315.html