Suýt mất chân vì nhầm bệnh tuổi già

Người đàn ông 78 tuổi suýt phải cắt bỏ chân vì thấy chân nhức mỏi, xuất hiện nhiều vết sạm đen nhưng chủ quan không đi khám vì cho rằng là bệnh tuổi già.

Cụ thể, ông Tường - tên nhân vật đã được thay đổi (78 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, ông đã từng bị vài cơn đau tức chân trước đây nhưng nghĩ bệnh đau xương khớp người già nên đã không đi khám.

Khoảng thời gian sau, ông đột ngột thấy đau tức nhiều ở vùng đùi và bắt đầu lan xuống cẳng bàn chân phải và kèm theo thấy chân lạnh dần, khó vận động, nhiều vết sạm đen xuất hiện nhưng ông vẫn không chịu đi đến bệnh viện kiểm tra mà cho rằng mình mắc bệnh da liễu. Ông Tường ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc uống nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.

Tình cờ một ngày, ông Tường được người quen giới thiệu đến thăm khám nơi ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam đang làm việc, lúc này ông Tường mới tá hỏa căn bệnh của mình là do suy giãn tĩnh mạch.

Chân ông Tường phù nề, xuất hiện nhiều vết thâm đen, lở loét (Ảnh: BSCC)

Chân ông Tường phù nề, xuất hiện nhiều vết thâm đen, lở loét (Ảnh: BSCC)

Trực tiếp thăm khám cho ông Tường, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh cho biết, bệnh nhân đến khám trong tình trạng chân sưng nề và tím lạnh nhiều ở vùng cẳng và bàn chân kèm theo bắp chân có triệu chứng căng nhẹ, ấn đau, giảm vận động và cảm giác.

Từ trên đùi xuống khoeo và mu chân đã có một số điểm xuất hiện vết loét, chấm đen hoại tử do thiếu máu ở phần mu chân.

Bệnh nhân sau đó đã được chỉ định phẫu thuật gấp với mục tiêu phục hồi lưu thông mạch máu để bảo tồn tối đa chân của bệnh nhân, tránh nguy cơ cắt cụt ảnh hưởng cả cuộc sống sau này.

Sau 10 ngày phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đi lại bình thường, chân không còn tê nhức, đau mỏi.

Chân ông Tường hiện đã đi lại dễ dàng, không còn đau nhức (Ảnh: BSCC)

Chân ông Tường hiện đã đi lại dễ dàng, không còn đau nhức (Ảnh: BSCC)

Dễ nhầm với các bệnh về xương khớp

Theo bác sĩ Mạnh, bệnh giãn tĩnh mạch chân thông thường sẽ được bắt gặp ở những người cao tuổi do các chức năng hoạt động trong cơ thể đã suy giảm đáng kể, tất nhiên không ngoại trừ chức năng lưu thông máu ở vùng chân.

Ngoài ra, bệnh lý này còn là mối lo ngại đối với những người thừa cân bởi đôi chân đã phải chịu đựng sức nặng lớn hơn những người có cân nặng bình thường. Phụ nữ cũng sẽ là đối tượng sẽ dễ mắc phải căn bệnh này bởi quá trình mang thai hoặc ảnh hưởng từ việc thường xuyên đi trên giày cao gót.

Ngày nay, căn bệnh này đã không còn là bệnh lý của tuổi già mà bất kì ai cũng sẽ có thể là đối tượng mắc bệnh bởi các tác nhân ngoại cảnh như do yêu cầu của công việc phải đứng hoặc ngồi quá lâu, có quá nhiều thú vui cho giới trẻ thay vì luyện tập thể dục thể thao, ăn uống không khoa học dẫn tới mắc bệnh béo phì, sử dụng các chất kích thích gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các hệ thống lưu thông máu,...

“Tuy nhiên trên thực tế, các triệu chứng ban đầu của suy giãn tĩnh mạch dễ nhầm lẫn với căn bệnh khác như xương khớp, thoát vị đĩa đệm… nên người bệnh thường chủ quan, bỏ sót hoặc chậm trễ đi khám để lại những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Mạnh nói.

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam (Ảnh: BSCC)

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam (Ảnh: BSCC)

Các triệu chứng thường gặp của suy giãn tĩnh mạch như đau, nóng rát, cảm giác chân nặng nề và khó chịu, sưng chân và mắt cá chân, da ở trên vùng giãn tĩnh mạch bị khô, biến đổi màu sắc, ngứa, nặng hơn các búi tĩnh mạch trương phồng lên, nổi rõ, có thể gây loét da, nhiễm trùng hoặc tắc mạch,…

Do đó, bác sĩ Mạnh khuyến cáo khi có các triệu chứng bất thường, người dân cần đến cơ sở y tế, để được bác sĩ thăm khám và phát hiện bệnh, có phương án điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/suyt-mat-chan-vi-nham-benh-tuoi-gia-d195424.html