Suýt mất mạng do nhiễm Leptospira - hiểm họa từ chuột, ai dễ mắc?

Loại vi khuẩn Leptospira tồn tại nhiều trong cơ thể các loài động vật, đặc biệt là chuột. Người có nguy cơ cao mắc bệnh gồm nông dân, thợ săn, người chăm sóc động vật...

Cứu bệnh nhân nhiễm Leptospira nặng

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), bệnh nhân H.T.N (41 tuổi, ngụ Long An) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng mơ hồ, nôn ói, chán ăn. Trước đó 2 ngày, bệnh nhân có biểu hiện ớn lạnh, mệt mỏi.

Bác sĩ Trần Huy Nhật, Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (Bệnh viện Nhân dân 115), cho biết chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng cũng chỉ phát hiện có sỏi bùn túi mật. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp và nhập viện theo dõi tiếp.

Tình trạng xuất huyết kết mạc kèm vàng mắt đặc trưng của nhiễm Leptospira. Ảnh BVCC

Tình trạng xuất huyết kết mạc kèm vàng mắt đặc trưng của nhiễm Leptospira. Ảnh BVCC

Trong quá trình điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, bệnh nhân được phát hiện có tình trạng khó thở nhiều, vàng da nhẹ, suy thận nặng, nhiễm toan chuyển hóa nặng và được chuyển sang điều trị hồi sức tích cực.

Bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống để thở máy và lọc máu để kiểm soát tình trạng suy thận và ổn định nội môi. Dù đã dùng kháng sinh mạnh theo kinh nghiệm nhưng tình trạng vàng da ngày càng tăng, các chỉ số cận lâm sàng hướng nhiễm trùng không cải thiện.

Khai thác kỹ lại bệnh sử, bệnh nhân làm công nhân dập hộp đựng cơm tại một nhà máy ở Long An, nguồn nước sử dụng là nước giếng bơm, bệnh nhân không để ý thấy môi trường làm việc có chuột hay loài động vật khác.

Đến ngày thứ 3 sau khi nhập viện, trong khi các kết quả tầm soát sốt rét âm tính, bệnh nhân diễn tiến xuất huyết kết mạc - dấu hiệu đặc trưng của nhiễm Leptospira nặng.

Ngay lập tức, bệnh nhân được sử dụng ceftriaxone đường tiêm – loại kháng sinh đặc trị Leptospira. Bệnh nhân còn được xét nghiệm tìm kháng thể IgG và IgM trong máu của Leptospira bằng kỹ thuật ELISA. Kết quả giúp chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm cấp tính Leptospira với IgM > 100 U/L và IgG 14,6 U/L.

Trong vòng 7 ngày sau đó, bệnh nhân tỉnh táo hơn, tình trạng viêm kết mạc và vàng da cải thiện đáng kể. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản và cai máy thở thành công. Điều đáng tiếc là chức năng thận của bệnh nhân vốn đã suy nặng trước đó không có sự cải thiện rõ.

Leptospirosis – bệnh nhiễm khuẩn lây từ động vật (đặc biệt là chuột) sang người

Theo bác sĩ, Leptospirosis là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Leptospira gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Đây là một bệnh lý phổ biến ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém, khu vực đô thị đông dân cư, ở người “chân lấm tay bùn”.

Leptospirosis có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và trong nhiều môi trường khác nhau, nhưng thường thấy nhất ở những người có nguy cơ cao do tiếp xúc với môi trường hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

 Thủ phạm trực tiếp gây bệnh – xoắn khuẩn leptospira. Ảnh BVCC

Thủ phạm trực tiếp gây bệnh – xoắn khuẩn leptospira. Ảnh BVCC

Bệnh Leptospirosis do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại nhiều trong cơ thể các loài động vật, đặc biệt là chuột. Chuột là nguồn chứa chủ yếu của vi khuẩn Leptospira và chúng lây lan vi khuẩn qua dịch tiết và nước tiểu. Con người bị nhiễm bệnh chủ yếu do tiếp xúc với nguồn nước hoặc môi trường có chứa vi khuẩn từ nước tiểu chuột và các loài động vật khác.

Bệnh có thể lây qua da nếu có vết thương hoặc qua màng nhầy (ví dụ như mắt, mũi). Người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm nông dân, thợ săn, người chăm sóc động vật và những người tham gia các hoạt động ngoài trời như bơi lội, chèo thuyền, hoặc đi bộ đường dài.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 26 ngày. Bệnh Leptospirosis có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng:

Bệnh nhẹ: Người mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, buồn nôn và tiêu chảy. Một dấu hiệu đặc trưng là viêm kết mạc, mắt có thể đỏ lên do xuất huyết.

Bệnh nặng: Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm màng não vô khuẩn, suy gan, suy thận và hội chứng nguy ngập hô hấp cấp tính (ARDS). Hội chứng Weil là dạng bệnh nặng nhất, gây ra vàng da, suy thận và xuất huyết.

Leptospirosis có thể được điều trị hiệu quả với những kháng sinh đơn giản dễ tìm nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng mà phải được nhân viên y tế tư vấn và giám sát chặt chẽ.

Giang Thu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/suyt-mat-mang-do-nhiem-leptospira-hiem-hoa-tu-chuot-ai-de-mac-2047618.html