Suýt phải cắt bỏ tay vì nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người'

Lúc đầu, cẳng tay của người đàn ông chỉ có vùng da tổn thương khoảng 2-3 cm, sau đó bất ngờ vết sưng nề lan nhanh, bắp tay thâm tím.

 Tay trái của anh T. khi phát bệnh. Ảnh: BVCC.

Tay trái của anh T. khi phát bệnh. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ khoa Nội I, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, cho biết bệnh nhân là T.A.T. (39 tuổi) ở Văn Giang, Hưng Yên. Trước khi nhập viện gần một tuần, anh T. thường xuyên bị đau đầu, đã đi khám nhiều nơi, tiêm và uống thuốc giảm đau không đỡ, cũng chưa phát hiện được nguyên nhân.

Sau 3 ngày điều trị tại viện, anh đã hết các triệu chứng trên nhưng cẳng tay trái sưng tấy, sau đó là những cơn sốt rét, sốt nóng 38-39 độ C. Lúc này, phần bắp tay đã sưng thâm đen, căng cứng cơ, phù nề, đau tới mức không thể cử động hay co gập được.

Trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Nội I, cho hay vết sưng ở cẳng tay của bệnh nhân giống như một khối áp xe và khối này tiến triển rất nhanh. Lúc đầu, kích thước vùng tổn thương trên da cẳng tay khoảng 2-3 cm, không có phỏng nước, sau đó vết đỏ lan nhanh ra hết mặt trước cẳng tay trái.

"Ngay khi người bệnh bị sốt, chúng tôi đã cho làm xét nghiệm, cấy máu và điều trị kháng sinh đường truyền tĩnh mạch với chẩn đoán viêm mô bào. Kết quả cấy máu cho thấy người bệnh nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' Aeromonas Hydrophila. Loại vi khuẩn này khiến hoại tử mô mềm trên cơ thể, nếu không được ngăn chặn kịp thời, tốc độ lan bệnh rất nhanh, gây hệ quả phải cắt bỏ chi", bác sĩ Hằng nói.

 Sau 11 ngày điều trị, vết thương của anh T. dần dần nhỏ lại, bề mặt da đã trở lại bình thường. Ảnh: BVCC.

Sau 11 ngày điều trị, vết thương của anh T. dần dần nhỏ lại, bề mặt da đã trở lại bình thường. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Hằng, sau khi sử dụng kháng sinh được 3 ngày, bệnh có dấu hiệu dừng tiến triển thêm. Sau 11 ngày, vết thương của anh T. dần dần nhỏ lại, bề mặt da đã trở lại bình thường. Người bệnh tiếp tục được chỉ định theo dõi, điều trị bằng thuốc viên sau khi đủ điều kiện ra viện.

Theo bác sĩ Hằng, trước đó khoảng hơn 2 tháng, khoa Nội I đã tiếp nhận một thai phụ nhập viện do sốt nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm và cấy máu cũng cho thấy người bệnh này nhiễm vi khuẩn Aeromonas Hydrophila.

Vị chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng trong ăn uống, sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh, nhất là trong thời gian sau mưa bão như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể lây nhiễm vi khuẩn này qua ăn uống, sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao và nhanh tiến triển.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/suyt-phai-cat-bo-tay-vi-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-post1497387.html