Suýt xảy ra va chạm giữa hai vệ tinh hỏng của Mỹ
Ngày 29/1, hai chiếc vệ tinh hỏng đã bay sượt qua nhau sau khi các chuyên gia cảnh báo chúng có thể va chạm khi di chuyển với tốc độ lên tới 53.000 km/h và để lại hàng nghìn mảnh vỡ trong vũ trụ.
Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy không gian Mỹ cho biết hai vệ tinh, trong đó một chiếc là kính viễn vọng không gian và một chiếc là vệ tinh thử nghiệm của Mỹ - đã bay ngược chiều nhau mà không gây ra sự cố nào. Vụ việc xảy ra vào lúc 23h39 (giờ GMT) tại khu vực cách thành phố Pittsburgh 900 km. Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ va chạm ở mức 1%-5%, vốn được xem là mức cao trong lĩnh vực này.
Mặc dù hiếm khi xảy ra, song các vụ va chạm giữa các vệ tinh lớn ở tốc độ cao là rất nguy hiểm, do chúng tạo ra các đám mây mảnh vỡ gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ trên khắp hành tinh. Lần đầu tiên sự cố như vậy xảy ra là vào năm 2009 khi vệ tinh viễn thông còn đang hoạt động Iridium 33 va vào vệ tinh hỏng của Nga là Cosmos 2251, dẫn tới một khu vực gồm khoảng 1.000 mảnh vỡ lớn tại quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
Trước đó, năm 1983, kính viễn vọng không gian IRAS đã đi vào hoạt động và đây là dự án chung của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Anh và Hà Lan. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, kính viễn vọng này nặng 1 tấn và có kích cỡ tương đương 1 chiếc xe tải. Trong khi đó, vệ tinh thử nghiệm của Mỹ GGSE-4 đã được Không lực Mỹ phóng vào vũ trụ năm 1967. Vệ tinh này có trọng lượng chỉ 85 kg và bay theo chiều thẳng đứng. Nếu như hai vệ tinh này va chạm, chúng có thể tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ lớn hơn 10 cm, và hơn 12.000 mảnh vỡ nhỏ hơn 1 cm.
Ước tính khoảng 20.000 mảnh vỡ có kích thước to hơn quả bóng mềm đang bay xung quanh hành tinh, với tốc độ 28.000 km/h. Mặc dù các nhà điều khiển vệ tinh thường xuyên điều chỉnh quỹ đạo của chúng, song điều này là không thể với những vệ tinh không còn hoạt động.