Suzuki XL7 Hybrid và Mitsubishi Xpander đã có thể đối đầu sòng phẳng?

Mitsubishi Xpander nhỉnh hơn về độ rộng rãi, trong khi Suzuki XL7 Hybrid lại ăn điểm nhờ trang bị nội thất.

Suzuki XL7 Hybrid vừa ra mắt tại Việt Nam với một số thay đổi nhỏ về thiết kế và động cơ nhằm cạnh tranh cùng các đối thủ nhóm xe gầm cao 7 chỗ. Đương nhiên đối trọng của XL7 Hybrid sẽ là Mitsubishi Xpander, “vua” của phân khúc khi liên tục thống trị bảng xếp hạng doanh số.

Dưới đây sẽ là những so sánh của Tri Thức - Znews về Suzuki XL7 Hybrid và Mitsubishi Xpander bản AT. Với mức giá gần như tương đồng, liệu XL7 Hybrid sẽ có gì để đấu với Xpander đang được lòng người dùng?

Mitsubishi Xpander bề thế hơn

Cả 2 mẫu xe gầm cao 7 chỗ này đều được thiết kế dựa trên xu hướng “SUV” với thiết kế vuông vức cùng khoảng sáng gầm tốt. Xét về kích thước, Xpander nhỉnh hơn XL7 Hybrid ở cả chiều dài và cao khi có số đo 4.595 x 1.750 x 1.730 mm. Ở XL7 Hybrid, kích thước tổng quan là 4.450 x 1.775 x 1.710 mm.

Cùng với đó, Xpander cũng có lợi thế hơn khi di chuyển qua các đoạn đường gồ ghề nhờ khoảng sáng gầm 225 mm, cao nhất nhóm xe 7 chỗ bình dân và nhỉnh hơn hơn 25 mm so với XL7 Hybrid. Chiều dài cơ sở trên Xpander là 2.775 mm, còn ở XL7 Hybrid là 2.740 mm. Chênh lệch về kích thước và cả khoảng sáng gầm giúp Xpander trông bề thế, rõ nét SUV hơn “đồng hương”.

Ngoại hình của Xpander cũng trông "nịnh mắt" hơn nhờ các chi tiết cắt dập, ốp chrome tạo sự mạnh mẽ ở đầu và viền thân xe. Suzuki XL7 Hybrid dù được sơn đen ở giá nóc, mâm xe và mặt ca lăng nhưng cũng chưa tạo được điểm nhấn so với Xpander.

Một số trang bị ngoại thất chung của cả 2 mẫu xe bao gồm đèn chiếu sáng trước/sau là LED, đèn sương mù Halogen, gương chiếu hậu gập/chỉnh điện. Đáng chú ý ở XL7 Hybrid được trang bị thêm tính năng “guide me light”, hay còn gọi là đèn tự động bật tắt, đèn dẫn đường khi người dùng đã tắt máy xe.

Xpander rộng rãi, Suzuki XL7 Hybrid thực dụng

Nhờ kích thước lớn, không gian trong cabin của Mitsubishi Xpander cũng rộng rãi và thoáng hơn XL7 Hybrid. Khu vực bảng táp lô của cả 2 mẫu xe đều đơn giản, phù hợp với mức giá khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, XL7 Hybrid được điểm thêm 1 số chi tiết ốp giả gỗ, trông thú vị và sang trọng hơn đôi chút so với chất liệu nhựa trên Xpander.

Ghế ngồi trên Xpander AT là loại nỉ trong khi ở XL7 Hybrid là da pha nỉ. Về lý thuyết khi di chuyển đường dài cũng như trong thời tiết nóng tại Việt Nam, phần ghế có kết hợp da trên XL7 Hybrid sẽ cho cảm giác ngồi dễ chịu và thoải mái hơn. Tuy nhiên vì đều là xe bình dân với chất liệu da phổ thông, ưu điểm này trên XL7 gần như không thể cảm nhận rõ.

Suzuki XL7 Hybrid cũng cho thấy độ thực dụng nhất định với các trang bị hỗ trợ người dùng như bệ tỳ tay trung tâm ở cả hàng ghế trước và hàng 2, hộc đựng nước có khe làm mát hay màn hình giải trí trung tâm 10 inch có kết nối Apple Carplay và Android Auto. Trải nghiệm thực tế, màn hình của XL7 Hybrid vẫn có độ trễ và mất kết nối trong thời gian nhất định.

Trên Xpander cũng được sở hữu tính năng kết nối không dây này, tuy nhiên để sở hữu, khách hàng phải lựa chọn phiên bản AT Premium hoặc Cross. Còn ở bản AT, màn hình giải trí 7 inch chỉ được hỗ trợ kết nối Apple Carplay và Android Auto có dây.

Một số trang bị nội thất tương đồng trên XL7 Hybrid và Xpander AT bao gồm cửa gió cho hàng ghế sau, hệ thống 6 loa phủ khắp cabin, vô lăng bọc da. Nhưng XL7 Hybrid nhỉnh hơn Xpander nhờ hệ thống điều hòa điều chỉnh tự động, tính năng đàm thoại rảnh tay.

Điểm mạnh của XL7 Hybrid so với đối thủ chính là hệ thống Cruise Control vừa được tích hợp trên phiên bản lần này. Trang bị này cũng chỉ được trang bị trên Xpander bản AT Premium và Cross, vốn đắt hơn bản AT gần 100 triệu đồng.

XL7 Hybrid không hẳn tiết kiệm hơn

Mitsubishi Xpander AT được trang bị động cơ 4 xy-lanh, 1.5L, sản sinh công suất 105 mã lực và mô-men xoắn cực đại 141 Nm. Hộp số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Thông số này cũng khá tương đồng với XL7 Hybrid, lần lượt là 103 mã lực và 138 Nm. Ngoài ra, XL7 Hybrid cũng được trang bị thêm bộ pin Lithium-ion 12 V.

Hệ truyền động Mild-Hybrid trên XL7 Hybrid không mang đến khả năng vận hành nhỉnh hơn quá nhiều so với Xpander AT. Thực tế, bộ pin 12 V này chỉ hỗ trợ, cải thiện khả năng tăng tốc, lên dốc hay khi khởi động ôtô.

Mức tiêu thụ nhiên liệu trên Xpander AT dao động 6,2-8,6 L/100 km tùy điều kiện môi trường. Còn ở XL7 Hybrid, mức tiêu thụ được quảng cáo dao động 5,36-6,81 L/100 km. Trải nghiệm thực tế với cung đường khoảng 300 km, XL7 Hybrid có mức tiêu thụ nhiên liệu dao động ở mức 8,8 L.

Trang bị an toàn của cả 2 mẫu xe không có gì khác biệt bởi XL7 Hybrid và Xpander AT đều thuộc phân khúc bình dân. Cả 2 đều được trang bị 2 túi khí, hệ thống phanh ABS, EBD và BA, tính năng cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo hay khởi hành ngang dốc (HAC). Dù đều được trang bị camera lùi, XL7 Hybrid lại nhỉnh hơn Xpander AT nhờ tính năng cảm biến lùi.

Nhìn chung với mức giá 599,9 triệu đồng, Suzuki XL7 Hybrid sẽ nhỉnh hơn về các trang bị nội thất, tính năng an toàn. Ở bên kia chiến tuyến, điểm mạnh của Xpander với giá 630 triệu đồng là thương hiệu, thiết kế bề thế và sự vận hành ổn định.

Với những ai yêu thích nét thiết kế hầm hố, chú trọng về sự rộng rãi, Xpander AT là ứng cử viên sáng giá. Tuy nhiên xét về yếu tố “ngon bổ rẻ”, XL7 Hybrid vẫn sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/suzuki-xl7-hybrid-va-mitsubishi-xpander-da-co-the-doi-dau-song-phang-post1493703.html