SV Bách khoa 'thắng đậm' tại Thách thức Đổi mới và Kinh doanh

Tại Vòng chung kết chương trình Thách thức Đổi mới và Kinh doanh, các nhóm sinh viên (SV) đến từ DUT và HCMUT 'thắng đậm'.

Đội Euphoria đến từ DUT giành giải nhất.

Đội Euphoria đến từ DUT giành giải nhất.

Ngày 5/4, Dự án “Thúc đẩy Hợp tác Trường Đại học và Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ” (BUILD-IT), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện bởi Đại học Bang Arizona và Chương trình STEM của công ty Dow Việt Nam tổ chức Vòng chung kết Chương trình Thử thách Đổi mới và Kinh doanh.

Theo đó, 28 đội là SV đến từ các trường đại học kỹ thuật-công nghệ tại Việt Nam đã phát triển các dự án đổi mới sáng tạo theo các mô hình của chương trình Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng. Dự án cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề thực tiễn, bao gồm việc hỗ trợ người yếu thế, phát triển bền vững, tăng năng suất nông nghiệp, tái chế nhựa, giảm thiểu phát thải khí CO2, năng lượng xanh,...

Giám khảo tiến hành chấm các dự án tại vòng triển lãm.

Giám khảo tiến hành chấm các dự án tại vòng triển lãm.

Trong vòng triễn lãm đổi mới sáng tạo, các đội SV đã trình bày các thiết kế nguyên mẫu đổi mới sáng tạo của đội mình với ban giám khảo đến từ khối chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học.

10 đội có điểm cao nhất bước vào vòng 2 thuyết trình. Tại vòng này, sinh viên có cơ hội minh họa cách mà các kỹ sư trẻ đã tận dụng lực lượng thị trường để chứng minh rằng sản phẩm ở giai đoạn đầu của họ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Kết quả, đội Euphoria đến từ Trường Đại học Bách khoa Đà Năng (DUT) đã giành giải Nhất với dự án thiết kế một hệ thống thu thập dữ liệu chất lượng điện năng từ xa thay thế phương thức vận hành thủ công. Hệ thống này có thể giám sát thông tin, hỗ trợ dự đoán tình trạng tiêu thụ cung ứng điện tốt hơn, đảm bảo chất lượng điện năng, giúp hệ thống điện vận hành an toàn và tin cậy.

Giải Nhì thuộc về đội MechaLog đến từ Trường Đại học Bách Khoa TPHCM (HCMUT) với Dự án phát triển một hệ thống camera với giá thành rẻ, dễ dàng điều khiển & đo lường mật độ giao thông, sau đó tính toán ra thời gian chờ đèn đỏ phù hợp. Từ đó giảm đáng kể lượng khí thải CO2, cũng như tiết kiệm được nguồn nhân lực, năng lượng và sau cùng là tạo ra môi trường thoải mái cho người dân.

Đồng giải Ba thuộc về đội O.L.M.A đến từ HCMUT với dự án Đèn Tảo-OLMA và đội BKM-IA của DUT với dự án xây dựng một robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt đội Goldstein Birds đến từ DUT đã giành giải đội được Dẫn dắt bởi nữ sinh tốt nhất với Dự án tạo ra một sản phẩm ván nhân tạo được tái chế từ bã mía và có thể thay thế các sản phẩm tự nhiên.

Dự án của đội MechaLog đến từ HCMUT đạt giải Nhì.

Dự án của đội MechaLog đến từ HCMUT đạt giải Nhì.

Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam, chia sẻ: "Thông qua một chương trình mới kết hợp từ mô hình EPICS-Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng và mô hình MEP-Chương trình từ Sáng tạo đến Kinh doanh, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các nhà sáng tạo đổi mới trẻ tuổi sẽ đạt được sự tự tin và năng lực lãnh đạo trong ngành kỹ thuật, để thương mại hóa các giải pháp cho khách hàng tiềm năng nói riêng, góp phần giúp đất nước Việt Nam chuẩn bị một lực lượng lao động tương lai để phát triển các giải pháp sáng tạo".

Chương trình Thách thức Đổi mới và Kinh doanh là sự kết hợp của chương trình Dự án Kỹ thuật phục vụ Cộng đồng và Từ Sáng tạo tới Khởi nghiệp. Chương trình là cơ hội để tiếp cận tới nhiều sinh viên khối ngành kỹ thuật-công nghệ từ các trường đại học cả trong và ngoài dự án BUILD IT, nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh, giúp sinh viên đạt kết quả học tập cao hơn bằng cách phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sv-bach-khoa-thang-dam-tai-thach-thuc-doi-moi-va-kinh-doanh-post633200.html