SV tốt nghiệp ngành Tài chính doanh nghiệp có thể đảm đương công việc gì?
Sinh viên của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một nhà quản trị tài chính, hoặc cao hơn là một giám đốc tài chính.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, của các tập đoàn kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực quản trị tài chính doanh nghiệp đang rất lớn.
Đây chính là cơ hội tiềm năng để các sinh viên theo học chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tiếp cận với nghề nghiệp và học các kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Nơi đào tạo các nhà quản lý tài chính tài giỏi
Giải thích về thuật ngữ “tài chính doanh nghiệp”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Ninh – Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính cho biết: “Để hình thành và đi vào hoạt động, mỗi doanh nghiệp cần phải có một lượng tiền tệ nhất định để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, dự trữ nguyên vật liệu… nhằm đáp ứng quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khi đó, hàng loạt các câu hỏi sẽ được đặt ra như: doanh nghiệp cần bao nhiêu tiền để đầu tư vào các máy móc, thiết bị và vật tư kể trên? Số tiền đó được huy động từ đâu và bằng cách nào? Số tiền đó sẽ được đầu tư và sử dụng như thế nào? Lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phân phối như thế nào?...
Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, sự phát triển đa dạng các mối quan hệ tài chính, sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi khác liên quan đến quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp.
Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp chính là chuyên ngành sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực tài chính - các cán bộ làm công tác quản trị tài chính trong các doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp giải quyết các câu hỏi đặt ra kể trên”.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Ninh, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt với các ngành Tài chính khác, ví dụ như ngành Kế toán. Nhiều nhiệm vụ của chuyên gia quản lý tài chính doanh nghiệp mà kế toán không thực hiện được, như tham gia sâu vào việc hoạch định các chính sách và các chiến lược tài chính, đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp, lên chiến lược kiểm soát dòng tiền, quản trị rủi ro.
Tại Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Bộ môn Tài chính doanh nghiệp được giảng dạy từ năm 1992.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hoàng, Trưởng Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cử nhân chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp được trang bị hệ thống kiến thức về hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng, tài chính khu vực nhà nước, tài chính quốc tế và tài chính của các doanh nghiệp.
Người học hiểu về cấu trúc, cơ chế vận hành và quản lý của hệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường; lĩnh vực tài chính và tài chính doanh nghiệp; có khả năng nghiên cứu, phân tích và đánh giá, đề xuất chính sách về hoạt động và sự phát triển của hệ thống tài chính, góp phần vào sự ổn định và phát triển nền kinh tế.
Về kiến thức, sinh viên được trang bị kiến thức hiện đại trong lĩnh vực Tài chính: Hiểu và vận dụng các kiến thức về quản lý ngân sách, quản lý tiền tệ, quản lý tài chính doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán; thực hành tốt các nghiệp vụ quản lý tài chính doanh nghiệp; thực hành các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến quản lý thuế, ngân sách... tại các cơ quan quản lý tài chính Nhà nước; được trang bị kiến thức cơ bản về hoạt động tài chính quốc tế, các định chế tài chính, nghiệp vụ cơ bản của thị trường tài chính quốc tế.
Về kĩ năng, cử nhân ra trường biết vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực tài chính trong các bối cảnh khác nhau, có khả năng phân tích, tổng hợp và dẫn dắt chuyên môn để xử lý và đạt mục tiêu công việc; định hướng, tiếp cận mục tiêu để phát hiện và giải quyết vấn đề, như dự báo tình hình kinh doanh đặc biệt là về tài chính của các tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp…; ứng phó tình huống thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính có nhiều biến động và rủi ro.
Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Thị Hạnh - sinh viên năm cuối chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính chia sẻ: “Các anh chị của em hầu hết đều học chuyên ngành này và có mức lương cũng khá cao cũng như có cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài. Em cũng đã tự tìm hiểu và nhận thấy, chuyên ngành này cơ hội việc làm nhiều, có thể làm ở nhiều vị trí và hầu hết công ty nào cũng cần”.
Nguyễn Thái Hà Thương là thủ khoa đầu ra của khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính. Chị Thương cho biết, bản thân theo chuyên ngành này vì ông ngoại và mẹ đều là phó giáo sư, đều tốt nghiệp và giảng dạy Tài chính doanh nghiệp tại Học viện Tài chính.
“Gia đình là hình mẫu lý tưởng của em. Để hiện thực hóa được giấc mơ trở thành một người làm tài chính tài ba thì sự lựa chọn chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp đối với em luôn là một quyết định đúng đắn.
Em sẽ theo học thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh ở Anh vì quốc gia này là cái nôi của ngành tài chính - kế toán, hơn nữa khi quay trở lại Việt Nam thì cơ hội việc làm của em tại các Bộ, ban, ngành, các trường đại học hay các doanh nghiệp đều rất rộng mở” - Thương chia sẻ.
Trở thành giám đốc tài chính tương lai
Theo Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính, những sinh viên của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một nhà quản trị tài chính trong doanh nghiệp, hoặc cao hơn là một giám đốc tài chính doanh nghiệp (CFO).
“Ở Việt Nam mới chỉ có rất ít doanh nghiệp có chức danh giám đốc tài chính theo đúng nghĩa khoa học của vị trí này và phần lớn các CFO đều chưa được đào tạo bài bản, ít được cập nhật thường xuyên kiến thức quản trị tài chính hiện đại.
Ở góc độ doanh nghiệp, vai trò quan trọng của CFO ngày nay là không thể phủ nhận được. Thậm chí, cho dù một doanh nghiệp có chiến lược phát triển tốt và đang kinh doanh thành công thì vẫn có thể rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và dẫn đến phá sản nếu không có một CFO làm tốt công tác quản trị tài chính” - thầy Ninh chia sẻ.
Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính hàng năm luôn tổ chức cuộc thi để giúp sinh viên phát huy kỹ năng nghiệp vụ và tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp.
Trong đó có cuộc thi “Giám đốc tài chính tương lai - CFO” - nơi các bạn sinh viên phải đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp trong thực tiễn và đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bộ môn Tài chính doanh nghiệp cùng câu lạc bộ Kỹ năng kinh doanh của Học viện Tài chính tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp trẻ”. Các đội thi giành giải cao nhận giải thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng, cùng những suất học bổng, các khoản đầu tư thực tế nhằm phát triển dự án đến từ các nhà tài trợ.
Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn Nguyễn Thanh Thảo - cựu sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính từng đạt Top 8 cuộc thi “Giám đốc tài chính tương lai - CFO”, Quán quân cuộc thi Tôi Lên Tiếng năm 2023 chia sẻ: “Hiện tại, ngoài công việc chính, em đang hỗ trợ gia đình kinh doanh trực tuyến một vài mặt hàng, cho nên em cũng rất hy vọng có cơ hội được độc lập khởi nghiệp khi nảy ra ý tưởng độc đáo và phù hợp.
Trong quá trình học tập và làm việc, em luôn tin rằng sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp là yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong lĩnh vực tài chính. Nếu có cơ hội, em mong muốn có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn tài chính hoặc quản lý quỹ đầu tư, từ đó không chỉ phát triển bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế”.
Theo Trưởng Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sinh viên ra trường có thể làm chuyên viên ở tất cả các vị trí trong các cơ quan quản lý nhà nước về Tài chính - Ngân hàng từ Trung ương đến địa phương như: Tổng cục Thuế, Kho bạc, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước, hay làm việc tại các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Bên cạnh đó, cử nhân chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp có thể làm chuyên viên quản lý tài chính trong các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là các vị trí chuyên viên phân tích tài chính, thẩm định tài chính, tín dụng, tư vấn tài chính, tư vấn quản trị tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro, chuyên viên phân tích đầu tư.
Các bạn cũng có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn tại nước ngoài và các cơ sở đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng và các lĩnh vực kinh tế có liên quan khác.
Giỏi Toán chưa đủ để học tốt Tài chính doanh nghiệp
Là một trong những chuyên ngành phức tạp nhất trong kỹ năng quản lý tài chính, sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp cần nhiều hơn khả năng tính toán.
Nguyễn Thị Hạnh từng gặp khó khăn khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học: “Em cảm thấy phần phân tích là khó nhất. Lấy ví dụ, khi thu thập được số liệu từ công ty thì chúng em sẽ tiến hành tính toán, phần này thì đã có công thức trong giáo trình và excel hỗ trợ tính toán nên không quá khó khăn. Tuy nhiên, khi tính toán xong thì chúng em sẽ phải đi phân tích các chỉ số đó có ý nghĩa như thế nào, tăng giảm qua các năm là do đâu và ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp”.
Nguyễn Thanh Thảo cũng tâm sự: "Ngành Tài chính doanh nghiệp đòi hỏi sinh viên phải tiếp thu một khối lượng kiến thức rất lớn và phức tạp. Việc học các môn như Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính, Kế toán tài chính, Tiếng Anh chuyên ngành… yêu cầu sự tập trung cao độ và sự quyết tâm học tập cao.
Cường độ học tập và thi cử của trường cũng tạo ra không ít áp lực khi phải cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là khi tham gia vào các câu lạc bộ và dự án nghiên cứu khoa học. Em lập ra một lịch trình chi tiết, phân chia thời gian hợp lý giữa học tập và các hoạt động khác. Em cũng đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để tập trung vào những gì cần hoàn thành trước mắt, giúp giảm bớt áp lực và căng thẳng”.