SV Trường ĐH Hòa Bình dự chung kết cuộc thi bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO
Sáng mai, đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi bảo tồn di sản văn hóa châu Á do UNESCO tổ chức sẽ chính thức sang Trung Quốc để dự chung kết cuộc thi.
Sáng nay (21/4), Trường Đại học Hòa Bình đã tổ chức lễ xuất quân đoàn sinh viên của nhà trường tham dự chung kết cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hóa châu Á và các giải pháp bền vững” do UNESCO tổ chức.
Vượt qua gần 500 nhóm dự thi trên khắp châu Á, Trường Đại học Hòa Bình xuất sắc có 2 đội thi lọt vào top 20 chung kết cuộc thi. Đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi. Các em đều là sinh viên thuộc Khoa Ngoại ngữ và Du lịch của Trường Đại học Hòa Bình (nhóm Tràng An và nhóm Hoàng thành Thăng Long).
Phát biểu tại buổi lễ xuất quân, Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Tô Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình bày tỏ niềm vui và tự hào với những nỗ lực của các em sinh viên và thầy cô giáo tham dự cuộc thi:
“Phát triển và bảo tồn di sản văn hóa là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nhân loại. Trường Đại học Hòa Bình vinh dự và tự hào khi là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi bảo tồn di sản văn hóa châu Á do UNESCO tổ chức. Sự tham gia của các em sinh viên là sự thể hiện cho nỗ lực quyết tâm, đồng lòng sát cánh của Việt Nam với thế giới trong công cuộc bảo vệ di sản thế giới”.
Cuối cùng, thầy hiệu trưởng mong muốn đoàn dự thi sẽ tự tin, vững vàng bước vào cuộc thi, mang khát vọng tuổi trẻ Trường Đại học Hòa Bình nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung sánh vai cùng với các nước bạn.
Chia sẻ về hành trình từ những ngày đầu đến với cuộc thi, Tiến sĩ Trần Diễm Hằng - Trưởng khoa Ngoại ngữ và Du lịch, đồng thời cũng là một trong những giảng viên hướng dẫn trực tiếp các đội thi của trường cho biết:
“Để đi đến ngày hôm nay là hành trình không hề dễ dàng đối với thầy và trò chúng tôi. Vì cuộc thi mang tầm cỡ châu lục nên lúc đầu các em sinh viên gặp rất nhiều áp lực, nhiều em không dám tham gia. Nhưng nhờ sự động viên, cổ vũ từ nhà trường, thầy trò đã vượt qua được một chặng đường rất dài với nhiều thử thách”.
Tiến sĩ Trần Diễm Hằng gửi lời cảm ơn tới các thí sinh vì đã dám vượt qua nỗi sợ hãi, dám khẳng định mình để bước vào top 20 chung kết cuộc thi. Đồng thời, với thành tích này, Trưởng khoa Ngoại ngữ và Du lịch một lần nữa khẳng định với các đơn vị doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hòa Bình. Cô cũng bày tỏ quyết tâm sẽ cùng các em sinh viên nỗ lực hết mình để khẳng định trí tuệ Việt Nam trên đấu trường châu lục.
Đại diện đoàn sinh viên tham dự cuộc thi, sinh viên Phạm Thị Trang đã gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc tới các thầy cô giáo đã đồng hành cùng các em từ những ngày đầu tham dự cuộc thi; Đồng thời, nữ sinh cũng khẳng định quyết tâm sẽ phát huy hết khả năng, kiến thức đã được tích lũy tại nhà trường để tự tin thể hiện ở cuộc thi sắp tới.
Sáng ngày mai (22/4), đoàn sinh viên Trường Đại học Hòa Bình sẽ chính thức lên đường sang Trung Quốc để tham dự vòng chung kết cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hóa châu Á và các giải pháp bền vững”. Toàn bộ chi phí sang tham dự chung kết cuộc thi ở Trung Quốc đều được ban tổ chức tài trợ.
Một số hình ảnh khác tại buổi lễ xuất quân sáng nay:
Cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hóa châu Á và các giải pháp bền vững" được tổ chức lần đầu tiên vào cuối năm 2022, hướng đến đối tượng là các bạn trẻ, thanh thiếu niên đang theo học tại các trường đại học toàn châu Á. Cuộc thi với mục tiêu kêu gọi các đề xuất tập trung vào chủ đề bảo tồn và sử dụng di sản văn hóa châu Á trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Theo đó, các đội thi đến từ các trường đại học sẽ phải tư duy, đề xuất và thể hiện các giải pháp có tính bền vững, khả thi để bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch địa phương tại những danh lam thắng cảnh hay địa bàn cụ thể ở quê hương của mình, dưới hình thức phim ngắn cùng với bản tham luận bằng ngôn ngữ tiếng Anh.
Cuộc thi nhằm thúc đẩy giáo dục di sản văn hóa giữa các nước châu Á, đồng thời chia sẻ các giải pháp thực tiễn tốt nhất về bảo vệ và sử dụng di sản văn hóa, truyền bá khái niệm phát triển bền vững di sản văn hóa và tăng cường trao đổi văn hóa, chia sẻ kiến thức giữa giới trẻ ở các nước châu Á.