SVB sụp đổ vì quá 'giác ngộ'?
Thật kỳ lạ, phân tích nguyên nhân thất bại của một ngân hàng, người ta thường tập trung vào các yếu tố tài chính như rủi ro cho vay dưới chuẩn hay nguy cơ thua lỗ bất ngờ vì trái phiếu giảm giá… Đằng này các chính trị gia Mỹ lại đổ lỗi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ vì các chính sách quá 'cấp tiến' của họ trong khía cạnh văn hóa doanh nghiệp.
Dưới áp lực xã hội, doanh nghiệp Mỹ thường áp dụng các chính sách thể hiện sự đa dạng, bình đẳng và dung nạp (gọi tắt là DEI) trong quản lý nhân sự, tức tuyển dụng người da màu, đồng tính, chuyển giới, người nhập cư… mà không có sự phân biệt đối xử. Với các hoạt động đầu tư, doanh nghiệp theo đuổi chính sách ưu tiên cho bảo vệ môi trường, ứng xử xã hội và quản trị có trách nhiệm (gọi tắt là ESG). Ở mức độ bình thường các chính sách này vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa đem lại những lợi ích cho các bên. Nhưng cũng có những tiếng nói phê phán doanh nghiệp đi quá đà trong cả DEI lẫn ESG, nhiều lúc mang tính hình thức gây hại cho doanh nghiệp vì bỏ quên sứ mệnh chính.
Phe bảo thủ ở Mỹ gọi sự quá đà này là “woke” – với hàm ý “ra vẻ quá thức tỉnh trước các vấn đề xã hội mang tính giả tạo”. Khi SVB sụp đổ, nhiều nhà bình luận cho rằng lý do chính là bởi ngân hàng này quá woke”, tức là quá “giác ngộ” hiểu theo nghĩa trên. Trong một bài bình luận, tờ Wall Street Journal cho biết SVB từng khoe 91% hội đồng quản trị của họ là độc lập, 45% là nữ, bao gồm 1 người da đen, 1 người thuộc giới LGBTQ+ và 2 cựu binh; tác giả bài báo nhắc khéo ngân hàng này có thể đã lơ là nhiệm vụ chính khi quá chú ý đến tính đa dạng.
Thống đốc bang Florida, Ron DeSantis nói: “Ngân hàng này, họ quá chú tâm đến DEI và chính trị, đủ thứ. Tôi nghĩ chính điều đó đã làm họ lạc hướng không tập trung vào sứ mệnh cốt lõi”. Dân biểu Jim Comer, Trưởng tiểu ban Giám sát và Cải cách của Hạ viện Mỹ nhận định SVB là “một trong những ngân hàng “giác ngộ” quá đáng trong nỗ lực tìm kiếm các chính sách và dự án đầu tư thuộc loại ESG. Thượng nghị sĩ Josh Hawley phê phán các lãnh đạo của SVB tiêu tốn thì giờ vào các thứ “phải đạo” (ý ông ta nói đến các giải pháp biến đổi khí hậu) thay vì vào chuyện kinh doanh ngân hàng và nay lại muốn người đóng thuế giải cứu. Trước đây SVB cam kết sẽ trung hòa khí thải carbon trước năm 2025.
Để chứng minh SVB quá “giác ngộ”, tờ New York Post trích dẫn trường hợp cô Jay Ersapah, Trưởng bộ phận quản lý rủi ro của SVB, chi nhánh Anh, từng tổ chức một chiến dịch dài cả tháng xây dựng một môi trường cho nhân viên nào muốn thì tâm sự về việc thay đổi giới tính hay công khai mình là người đồng tính. Tờ báo cho rằng thay vì quản lý rủi ro cho ngân hàng, cô này lại làm blog nhấn mạnh đến ý thức sức khỏe tinh thần cho cộng đồng LGBTQ+.
Đáp lại, nhiều tờ báo lớn khác của Mỹ khẳng định SVB sụp đổ là do nguyên nhân khác chứ không liên quan gì đến các chính sách văn hóa doanh nghiệp. Tờ New York Times trích lời một chuyên gia cho rằng, trách cứ sự sụp đổ của ngân hàng là do tạo ra tính đa dạng tại nơi làm việc hay theo đuổi các khoản đầu tư bảo vệ môi trường và có ý thức xã hội cho thấy người phê phán không hiểu gì về cách thức hoạt động của ngân hàng. Tờ báo cho rằng xét theo mức độ theo đuổi các chính sách DEI và ESG thì ngân hàng SVB chỉ ở mức trung bình so với nhiều doanh nghiệp khác chứ không có gì quá đáng.
Tuy nhiên, các cơ quan điều tra liên bang Mỹ đang làm rõ chuyện Tổng giám đốc SVB, Gregory Becker bán trên 3,5 triệu đô la cổ phiếu của SVB chỉ hai tuần trước khi ngân hàng này sụp tiệm. Ngoài ra giới lãnh đạo SVB bán tổng cộng 84 triệu đô la cổ phiếu ngân hàng trong vòng hai năm qua, làm nhân viên SVB phẫn nộ vì mức độ giao dịch nội gián vì họ biết rõ nội tình sức khỏe của SVB.
“Giác ngộ” hay không thì chưa rõ nhưng chỉ 5 ngày trước khi bị đóng cửa, giới lãnh đạo SVB vẫn còn tự chúc mừng SVB lọt vào danh sách các ngân hàng tốt nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes bình chọn, năm thứ 5 liên tiếp họ đứng vào danh sách này. Tương tự, chỉ mấy ngày trước khi sụp đổ, Tổng giám đốc Becker vẫn tự tin nói tại một hội nghị gồm các nhà đầu tư, giới tài chính Wall Street và giới công nghệ rằng tương lai của ngành công nghệ vẫn tươi sáng và vị thế của SVB chưa bao giờ tốt đẹp hơn. Điều ông ta không nói với khán giả là trước đó hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã gọi cho ông, thông báo tình hình sức khỏe tài chính của SVB là gay cấn, trái phiếu SVB có nguy cơ bị tụt hạng về mức rác. Một ngày sau hội nghị này, SVB công bố mức lỗ 1,8 tỉ đô la, khởi đầu cho sự sụp đổ nhanh chóng một ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/svb-sup-do-vi-qua-giac-ngo/