SVĐ Hàng Đẫy, ai sẽ ở lại, ai phải ra đi ?

Theo quy định mới của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), một sân vận động chỉ được phép cho hai CLB sử dụng. Điều đó đồng nghĩa, CLB Hà Nội, Thể Công – Viettel và CAHN, một trong ba đội bóng sẽ phải tìm ngôi nhà mới khi mùa giải năm nay khép lại. Vậy cái tên nào phải nói lời chia tay với sân vận động Hàng Đẫy?

Ba đội bóng kể trên đều đăng ký sân vận động Hàng Đẫy làm sân nhà hiện tại. Nếu không thể giải quyết, bóng đá Việt Nam sẽ bị tước quyền tham dự các giải đấu cấp CLB châu Á từ mùa giải 2024/2025. Theo kế hoạch, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ có cuộc họp với đại diện của ba đội để lắng nghe ý kiến, giải quyết những vấn đề đang tồn đọng. Quyết định cuối cùng thuộc về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – đơn vị đang quản lý sân.

Gần đây, đã có những thông tin về việc một trong ba đội có thể phải chuyển xuống thi đấu ở sân vận động Hà Đông – đại bản doanh của đội bóng nữ Hà Nội. Tuy nhiên, nếu buộc phải thi đấu tại sân vận động có sức chứa khoảng 10.000 khán giả, đội bóng đó dự kiến phải chi số tiền không nhỏ để cải tạo khi sân vận động Hà Đông dường như không đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn để sử dụng tại V-League. Tuy nhiên, khoan nói tới chuyện ai đi hay ở nhưng trong ba cái tên thì CLB Hà Nội chính là đội có bề dày lịch sử gắn chặt với sân vận động Hàng Đẫy trong quá trình hình thành và phát triển.

SVĐ Hàng Đẫy. Ảnh: ANTĐ.

SVĐ Hàng Đẫy. Ảnh: ANTĐ.

Từ khi thành lập năm 2006, CLB Hà Nội đã chọn Hàng Đẫy là sân nhà. Trong quá trình thi đấu gần hai thập kỷ tại đây, CLB Hà Nội đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, chăm sóc mặt sân, sửa sang các hạng mục và luôn bảo đảm điều kiện thi đấu tốt nhất cho đến tận bây giờ.

Ngoài ra trong những năm qua, CLB Hà Nội luôn được coi là niềm tự hào của bóng đá Thủ đô khi sở hữu 6 chức vô địch V-League, 3 cúp Quốc gia và 5 Siêu cúp Quốc gia. Thành tích ấn tượng của bóng đá Việt Nam trong vài năm qua dưới thời ông Park Hang-seo có đóng góp không nhỏ của những cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội.

Không chỉ đội một khẳng định được vị thế hàng đầu mà các đội trẻ của CLB Hà Nội từ lứa U9, U15, U17, U19 và U21 trong những năm qua luôn gặt hái thành tích tốt ở các giải trong nước, đóng góp nhiều nhân tố chủ chốt cho các đội tuyển quốc gia, mang lại nhiều giá trị và hình ảnh cho bóng đá Thủ đô. Mới nhất, U19 Hà Nội vô địch giải U19 quốc gia, trở thành đội bóng vô địch giải đấu nhiều nhất với 7 lần.

Thành tích đó đủ để chứng minh dù thành lập sau Thể Công – Viettel hay CAHN nhưng CLB Hà Nội thực sự mới là niềm tự hào Thủ đô, mang lại những thành công, vinh quang cho bóng đá Việt Nam.

Về phần Thể Công-Viettel, đội bóng chính thức sử dụng Hàng Đẫy là sân nhà kể từ khi thăng hạng V-League 2019. Trong khi đó, CAHN mới sử dụng sân Hàng Đẫy từ năm 2023. Dù chọn Hàng Đẫy là sân nhà song hai đội bóng lại mang thương hiệu của bóng đá quân đội và công an.

- Sân vận động Hàng Đẫy được thành lập vào năm 1958, được thiết kế theo hình lòng chảo với 20 bậc cùng sức chứa khoảng 22.500 khán giả.

- Hơn 6 thập kỷ tồn tại, nơi đây tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn như Tiger Cup 1998, Sea Games 22 hay Đại hội TDTT toàn quốc,…

- Hàng Đẫy là đại bản doanh của nhiều đội bóng lừng danh của Hà Nội một thời như: Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, Thể Công, Hòa Phát hay Hà Nội ACB.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/svd-hang-day-ai-se-o-lai-ai-phai-ra-di--224202.htm