Syria 2019: Khát vọng hòa bình vẫn còn xa?

Gần đây, các nước liên quan vấn đề Syria đã tăng cường động thái mới với những toan tính riêng nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược của mình. Ngày 12-6-2019, phía Israel đã bắn tên lửa nhằm vào các cơ sở radar của lực lượng quân đội Syria tại khu vực biên giới miền nam nước này, Nga-Syria cũng dồn dập bắn phá tại thành trì Idlib, dấy lên những lo ngại về tiến trình hòa bình tại 'chảo lửa' Syria.

Bao giờ mới có hòa bình ở Syria?

Những ngày gần đây, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và các phe nhóm khủng bố khác bị đánh bật khỏi Syria và Iraq; các phe phái đối lập cũng ngồi lại với nhau ở một số hội nghị hòa giải do cộng đồng quốc tế, Nga, Iran tổ chức ở Atlanta (Mỹ), Viên (Áo), Geneve (Thụy Sỹ)... Chính điều đó đã khiến những người lạc quan tin rằng, hòa bình của Syria đã trong tầm tay. Nhưng thực chất không phải như vậy, nền hòa bình của Syria vẫn "dập dờn" và ở thời điểm hiện tại lại có cảm giác vấn đề này bị đẩy ra xa hơn. Vì sao?

Thứ nhất, IS và các tổ chức khủng bố tưởng như đã bị đánh bật ra khỏi Syria, nhưng trên thực tế thì các tổ chức khủng bố này vẫn còn nhiều đất sống, tiếp tục chống phá nền hòa bình ở Syria và gây ra những vụ giết chóc, đánh vào lợi ích của Syria, gây rối loạn xã hội, gây tâm trạng bất an cho người dân cũng như chính quyền của ông Bashar al-Assad.

Lực lượng không quân Nga - Syria đã dùng hỏa lực dồn dập bắn phá tiêu diệt IS tại Idlib

Lực lượng không quân Nga - Syria đã dùng hỏa lực dồn dập bắn phá tiêu diệt IS tại Idlib

Thứ hai, Mỹ và Nga đã "khởi xướng" một cuộc ngừng bắn ở Bắc Syria, nhưng chính Mỹ lại "cản đường" làm cho cuộc ngừng bắn ấy dường như đã bị "vô hiệu hóa". Thỏa thuận ngừng bắn chỉ có hiệu lực khi Mỹ rút quân khỏi Syria như Tổng thống Mỹ D. Trump đã từng cam kết. Tuy nhiên, Mỹ đã không giữ lời hứa, mà mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J. Bolton tuyên bố, Mỹ vẫn để lại một số quân của nước này tại Syria.

Thứ ba, chính Mỹ lẽ ra phải là nước cùng Nga và cộng đồng quốc tế thúc đẩy tạo dựng những cơ sở tốt nhất để tái thiết nền hòa bình cho Syria, nhưng đáng tiếc Mỹ lại có những hành động làm cho tình hình Syria rối bời hơn. Điển hình là ngày 25-3-2019, Tổng thống D. Trump đã công nhận cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm đóng là lãnh thổ của Israel. Điều này tạo ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế, kể cả các đồng minh của Mỹ tại khu vực cũng như tại châu Âu.

Thực tế, vùng cao nguyên Golan không phải là vùng đất tranh chấp mà là một phần lãnh thổ của Syria, nhưng bị Israel chiếm đóng và thôn tính năm 1981, tuy nhiên không được quốc tế công nhận. Hành động này của Tổng thống D. Trump ảnh hưởng xấu đến sự cố gắng của cộng đồng quốc tế muốn "đóng tập hồ sơ Syria" nhằm tái thiết nền hòa bình cho đất nước này như trước năm 2011.

Thứ tư, bối cảnh ở khu vực Trung Đông cũng đang trở nên phức tạp hơn, quan hệ giữa Israel với Palestine, Israel với Lebanon, Mỹ với Iran (căng thẳng gia tăng trong tháng 5/2019), Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ (liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga)... đều liên quan đến vấn đề Syria và tình hình có vẻ xấu đi hơn, trở thành "chướng ngại vật" trên con đường tiến tới hòa bình ở Syria. Dường như, con đường ấy ngày càng thêm chất chồng khi các phe đối lập ở Syria đang bị nhiều nước bên ngoài "giật dây", hậu thuẫn, tác động nhằm thực hiện các ý đồ chiến lược "kiếm chác" lợi ích, khiến tiến trình hòa hợp của Syria chưa đi đến một kết quả cụ thể nào.

Khi các "ông lớn" không chịu nhượng bộ

Đã có lúc, cả thế giới tin Mỹ muốn rút quân khỏi Syria, muốn kết hợp với Nga để tìm ra các biện pháp chấm dứt nội chiến, "bắt tay nhau" tái thiết hòa bình và ổn định tại Syria, chấm dứt "chảo lửa" ở Trung Đông, làm cơ sở đưa đến hòa bình Trung Đông tới đích.

Nhưng trên thực tế, việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria ( hồi tháng 12-2018) chỉ là cách Tổng thống D. Trump đẩy sự quan tâm của nội bộ nước Mỹ ra bên ngoài, tạo điểm cộng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống (tháng 11-2018), song thực chất nước này không có ý định từ bỏ Syria. Bằng chứng là hàng loạt tuyên bố và hành động của nước Mỹ như: Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria và nâng đỡ một số phe phái đối lập ở Syria để chống lại Tổng thống Bashar al-Assad và chính quyền của ông; Mỹ công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel để thấy rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ Trung Đông và càng không từ bỏ Syria.

Câu hỏi đặt ra là:Tại sao Mỹ lại làm vậy? Có nhiều lý do nhưng đầu tiên phải kể đến là Israel - đồng minh thân cận, lâu năm nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Mỹ muốn bảo vệ Israel nên vẫn còn tham chiến và tìm mọi cách để lật đổ chính quyền hiện nay ở Syria (vốn thân Nga).

Quân đội Syria tiến vào thị trấn Hamirat

Quân đội Syria tiến vào thị trấn Hamirat

Trong khi đó, đối với Nga, kể từ khi bắt đầu đưa quân tới Syria năm 2015 (dưới lời yêu cầu của Tổng thống Assad), công sức và tiền bạc, kể cả sự hy sinh của những chiến binh Nga tại Syria không phải ít. Syria cũng là nơi để nước Nga của Tổng thống Putin chứng tỏ được uy tín và sức mạnh của mình ở Trung Đông, chưa kể Tổng thống Bashar al-Assad là "đồng minh thân cận nhất" của Nga ở thời điểm hiện tại. Do đó, Nga không dễ dàng từ bỏ vai trò của mình tại Syria và không rút quân để nhường "lợi thế" cho Mỹ.

Hiện nay, Idlib là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy và là khu vực quan trọng để Tổng thống Assad hoàn thành việc kiểm soát hoàn toàn đất nước. Chiến dịch quân sự lớn ở Idlib được lên kế hoạch cách đây 1 năm vẫn chưa thực sự bắt đầu. Trong những ngày qua, lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga đã tăng cường tiến hành các cuộc tấn công nhưng chúng chỉ là "màn dạo đầu" nhằm gây sức ép với những kẻ nổi dậy và Thổ Nhĩ Kỳ bởi nếu cuộc tấn công thực sự diễn ra, Ankara sẽ phải đối mặt với cuộc di cư khổng lồ từ Syria.

Chiến dịch ở Idlib được cho là để thực hiện kế hoạch của Nga: soạn thảo hiến pháp mới cho Syria, tổ chức bầu cử, ổn định chính phủ và tái thiết đất nước. Nhưng Nga không có ý định chỉ "đơn giản" trao lại Syria cho Tổng thống Assad. Nước Nga của Tổng thống Putin thực sự đang muốn dùng Syria để tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của mình ở Trung Đông bằng cách tăng cường quan hệ với Iran; bắc cầu quan hệ với các đồng minh của Mỹ tại khu vực như Saudi Arabia và Các tiểu Vương Quốc Arab thống nhất (UAE - các thành viên OPEC), tăng cường liên minh kinh tế với Ai Cập, đồng thời hỗ trợ quân sự cho nước này cũng như loại bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm gia tăng vị thế Nga trên trường quốc tế.

Nga-Iran có mối quan hệ chiến lược sâu sắc trong nhiều thập kỷ

Nga-Iran có mối quan hệ chiến lược sâu sắc trong nhiều thập kỷ

Theo giới quan sát quốc tế, trước tình hình Syria bị "xâu xé" như hiện nay, Liên đoàn Arab đã tính đến việc kết nạp lại Syria. Hơn ai hết, người Arab hiểu rằng, Syria có vị trí quan trọng trên bản đồ địa chính trị ở Trung Đông, đặc biệt liên quan đến vấn đề Palestine và cuộc xung đột Arab - Israel, vấn đề Lebanon, vì thế, Liên đoàn Arab cũng sẽ có biện pháp và bước đi làm giảm căng thẳng, tiến tới việc chấm dứt nội chiến ở Syria.

Ngay một số quốc gia Arab chống Tổng thống Bashar al-Assad đến cùng, quyết tâm ủng hộ phe đối lập ở Syria, nhưng hiện nay đã có những thay đổi nhất định về cuộc nội chiến ở Syria, thêm cơ sở để các phe phái đối lập ngày càng rệu rã, đồng thời sức mạnh của chính phủ do Tổng thống Bashar al-Assad dẫn đầu thêm thượng phong, khiến các nước Arab buộc phải thay đổi quan điểm. Chính điều này đã tạo hy vọng cho cuộc nội chiến ở Syria sớm hay muộn cũng có thể có giải pháp, góp phần lật lại trật tự an ninh cho khu vực Trung Đông đã nhiều thập kỷ nay bị coi là "chảo lửa" về chiến tranh, bất ổn, xung đột của thế giới này.

Nhất Tuệ (Theo Gazeta, TASS)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/syria-2019-khat-vong-hoa-binh-van-con-xa/813965.antd