Syria chỉ trích Mỹ muốn chiếm đoạt các mỏ dầu của nước này
Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Syria chỉ trích các lực lượng của Mỹ hành động như 'hải tặc'.
Binh lính, khí tài và phương tiện quân sự của Mỹ tại mỏ dầu al-Omar, Syria
Ngày 20/3, theo hãng tin RT (Nga), trên kênh truyền hình quốc gia Syria, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Syria Bassam Tomeh đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ canh giữ mỏ dầu tại Syria.
Ông Bassam Tomeh nói: “Mỹ và các nước đồng minh đang nhăm nhe đến nguồn dầu và tàu chở dầu của Syria y hệt như những kẻ cướp biển”.
“Những gì đang diễn ra trong suốt cuộc chiến tại Syria chưa hề xảy ra ở bất cư nước nào trên thế giới bởi Mỹ và các đồng minh đang ngăn cản chúng tôi khai thác nguồn tài nguyên dồi dào đồng thời ngăn chặn hàng hóa thiết yếu đến Syria” - vị Bộ trưởng Syria nói.
Theo ông này, kể từ khi Mỹ đưa quân đến Syria, tổng thiệt hại trong ngành dầu mỏ mà nước này đang phải chịu đựng đã lên tới hơn 92 tỉ USD. Đồng thời, ông nhấn mạnh Washington đang kiểm soát 90% nguồn dầu thô trong khu vực Đông Bắc Syria.
Trong cuộc phỏng vấn tháng trước với tờ báo al-Akhbar của Li-băng, Thống đốc tỉnh Hasakah, Syria, ông Ghassan Khalil cho biết, phiến quân người Kurd được Mỹ chống lưng đã lấy trộm 140.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ các mỏ dầu trong khu vực.
Sau đó, nhóm phiến quân này buôn lậu dầu sang biên giới Iraq, ông Khalil cáo buộc.
Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do phiến quân người Kurd lãnh đạo, đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ tại khu vực Đông Bắc Syria, lại đang được Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ trực tiếp.
Bản thân Mỹ tiếp tục duy trì một lực lượng khoảng 900 quân tại Syria, hầu hết tham gia hoạt động cùng SDF.
Chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã tăng cường lực lượng, tập trung bảo vệ mỏ dầu tại Syria, ngăn rơi vào tay các tổ chức khủng bố
Về phía Mỹ, giới chức nước này luôn khẳng định, việc Lầu Năm Góc duy trì hiện diện quân sự tại Syria với mục tiêu chính là ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, mục tiêu chủ chốt trong chính sách của Mỹ với Syria là nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì cáo buộc chính quyền nước này đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Mỹ đã đổ hàng trăm triệu USD cho các nhóm phiến quân đối đầu với lực lượng chính phủ Syria.
Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump lên nhậm chức, Mỹ không còn chú trọng vào mục tiêu trên, đã tiến hành giảm bớt hoạt động của Mỹ tại Syria nhưng quay sang tập trung bảo vệ nguồn tài nguyên dầu mỏ ở đất nước Trung Đông này.
Hiện nay, khi IS đã bị đánh bại và lui về hoạt động bí mật, các mỏ dầu mà tổ chức khủng bố này kiểm soát được chuyển giao cho lực lượng SFD và người Kurd.
Năm ngoái, vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền ông Trump đã xúc tiến một thỏa thuận giữa SDF và một công ty dầu mỏ của Mỹ Delta Crescent Energy, bất chấp chính quyền Syria phản đối kịch liệt và bác bỏ hiệu lực của văn bản này, theo thông tin từ Politico và một số tờ báo.
Đến chính quyền ông Joe Biden hiện tại, Nhà Trắng đã đánh tín hiệu cho thấy họ không còn dành nhiều ưu tiên vào nguồn dầu mỏ từ Syria.
Nhưng, tháng trước, các lực lượng Mỹ lại khởi công xây dựng một sân bay mới dọc mỏ dầu al-Omar, theo hãng tin RT.
Cũng trong khoảng thời gian đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm hợp tác với các công ty năng lượng trên thực địa, trừ những nơi thích hợp nằm dưới quyền hạn hiện có.
Điều này cho thấy, ông Biden có thể vẫn tiếp tục nhắm tới nguồn dầu của Syria nhưng trên quy mô hạn chế hơn.
Các chuyên gia cho rằng, lý do Mỹ vẫn tiếp tục chính sách xoay quanh các mỏ dầu của Syria chưa hẳn là vì tiền.
Thực tế, theo thống kê trước đây của các chuyên gia Roger Diwan và Daniel Yerginis đến từ tổ chức IHS Markit, giá trị kinh tế mà các mỏ dầu ở Syria mang lại cho Mỹ là không cao.
Các giếng dầu ở Syria từng chiếm 25% tổng thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad giai đoạn trước cuộc nội chiến. Nhưng trên thị trường thế giới, nguồn dầu mỏ Syria gần như không đáng kể.
Trước nội chiến Syria, sản lượng dầu mỏ từ nước này cũng rất thấp, chỉ khoảng 385.000 thùng/ngày, chiếm chưa đầy 0,5% tổng nguồn cung thế giới.
Sau nội chiến, cơ sở hạ tầng, máy móc tại các mỏ dầu này xuống cấp trầm trọng nên sản lượng dầu cũng không còn cao.
Nhưng, chính quyền Mỹ vẫn bảo vệ các mỏ dầu tại Syria là bởi lo ngại những mỏ "vàng đen" có thể rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trở thành nguồn tài chính béo bở, nuôi sống và cho phép tổ chức này trỗi dậy.
Không chỉ vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ tiếp tục duy trì ảnh hưởng với các mỏ dầu, vốn là nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền Syria, sẽ giúp Washington có tiếng nói trong quá trình đàm phán hậu nội chiến và đảm bảo quyền lợi cho phe đối lập cũng như dân quân người Kurd.