Syria hậu Assad: Bàn cờ địa chính trị giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ

Mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước những thay đổi lớn khi sự sụp đổ của chính quyền Assad tại Syria mở ra cả cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh Trung Đông đầy biến động, hai quốc gia đồng minh của Mỹ này không chỉ đối mặt với căng thẳng, mà còn cạnh tranh ảnh hưởng để định hình tương lai khu vực.

Binh sĩ Israel được triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 15/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel được triển khai gần vùng đệm ở Cao nguyên Golan ngày 15/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 21/12, mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị phức tạp của Trung Đông. Sự sụp đổ của chính quyền Assad tại Syria đã tạo ra một cơ hội chiến lược cho cả hai quốc gia này, nhưng cũng đồng thời làm nổi bật những căng thẳng giữa họ. Trong khi cả hai đều là đồng minh của Mỹ, sự cạnh tranh về ảnh hưởng trong khu vực đang ngày càng trở nên rõ rệt, không chỉ ở Syria mà còn lan ra nhiều nơi khác.

Cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria

Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria từng là một trong những đồng minh quan trọng của Iran tại Trung Đông. Tuy nhiên, sự tan rã gần đây không chỉ làm giảm ảnh hưởng của Iran mà còn mở ra cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Gönül Tol, Giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông, nhấn mạnh rằng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn xây dựng một Syria mới mà họ có thể kiểm soát, nhưng họ lo ngại rằng Israel có thể làm hỏng kế hoạch này.

Trong khi cuộc đối đầu giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ không thể so sánh với cuộc xung đột đẫm máu và kéo dài giữa Israel, Iran và các lực lượng dân quân thân Tehran, sự suy yếu của "Trục kháng chiến" do Iran dẫn đầu đã tạo ra một lợi ích an ninh tức thời cho Israel, nhưng điều này cũng khiến Israel lo ngại về sự hình thành của một "Trục Hồi giáo dòng Sunni" mới do Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo.

Khi trật tự ở Syria đang hình thành sau sự sụp đổ của chính quyền Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một thế lực thống trị ở Syria. Điều này đưa Ankara đến gần hơn bao giờ hết với tham vọng của mình về một phạm vi ảnh hưởng trải dài khắp các vùng đất Ottoman cũ, cho đến tận Libya và Somalia.

Trước đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã công khai bày tỏ ủng hộ đối với đối thủ "không đội trời chung của Israel như phong trào như Hamas, điều này càng làm gia tăng căng thẳng với Tel Aviv. Ông Erdoğan nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể thoát khỏi số phận của mình trong khu vực và khẳng định rằng Ankara sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề khu vực.

“Cũng như chúng tôi đã tiến vào Karabakh và Libya, chúng tôi sẽ làm như vậy ở Israel”, đây là những lời của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ 6 tháng trước, ám chỉ đến sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc chiến tranh Nagorny-Karabakh năm 2020, cũng như sự can thiệp của nước này vào cuộc nội chiến ở Libya năm 2020.

Theo tờ Jerusalem Post (Israel), với sự sụp đổ của chính quyền Assad và biên giới chung của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, tuyên bố của Tổng thống Erdogan – về cơ bản là cảnh báo một cuộc tấn công trên bộ vào Israel – mang theo những hàm ý đáng lo ngại. “Không có gì chúng ta không thể làm; chúng ta chỉ cần mạnh mẽ”, ông Erdogan tuyên bố tại một cuộc họp chính trị của đảng Công lý và Phát triển (AKP) tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự sụp đổ của chính quyền Assad và chiến thắng của phe đối lập Syria được coi là lời cảnh tỉnh cho những người ra quyết định của Israel.

Những thay đổi về địa chính trị ở Syria diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự gần gũi của các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn với biên giới phía Bắc của Israel đặt ra những rủi ro mới. Abu Muhammad al-Julani, tên thật là Ahmed Hussein al-Sharaa, là một người Hồi giáo Sunni và chỉ huy của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), hiện tự nhận mình là “thủ lĩnh của một Syria mới”, gần đây đã tuyên bố: “Người dân Gaza, hãy đợi chúng tôi – mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là Jerusalem”.

Dù có những căng thẳng hiện tại, mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại các kênh liên lạc. Eyal Zisser, Trưởng Khoa lịch sử Trung Đông đương đại tại Đại học Tel Aviv, cho biết một Syria do Thổ Nhĩ Kỳ thống trị sẽ tốt hơn nhiều so với một Syria dưới sự kiểm soát của Iran. Chuyên gia Zisser cũng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn hủy diệt Israel hay việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: IRNA/TTXVN

Khả năng đối đầu trực tiếp?

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã khiến các chính quyền Mỹ cảm thấy khó chịu. Sự hợp tác quân sự với Nga và hỗ trợ cho các phong trào vũ trang ở Iraq và Syria đã tạo ra nhiều hoài nghi về vai trò của Ankara trong liên minh phương Tây. Jonathan Schanzer từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một quốc gia "khó chịu" trong mắt phương Tây.

Dân quân người Kurd đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến Syria, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc và phía Đông, sau đó họ đã thành lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hợp tác với các phe phái dân tộc và tôn giáo khác. Với sự hỗ trợ của Mỹ, SDF đã giải phóng được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn khỏi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bao gồm cả Raqqa.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng dân quân người Kurd này là sự mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), gọi nó là một tổ chức "khủng bố". Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động các hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria để ngăn chặn sự hợp nhất lãnh thổ của người Kurd dọc theo biên giới của mình.

Các nhóm dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, bao gồm HTS và Quân đội Quốc gia Syria đã phát động các cuộc tấn công rộng khắp ở Tây Bắc Syria. Những cuộc tấn công này, mặc dù nhắm vào lực lượng của chính quyền Assad, cũng đã ảnh hưởng đến các khu vực do người Kurd nắm giữ.

Hiện nay, tình hình ở Syria vẫn rất phức tạp với sự hiện diện của lực lượng dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Những cuộc tấn công vào khu vực người Kurd ở phía Đông Bắc Syria đang diễn ra, gây ra nhiều lo ngại về an ninh cho cả Mỹ và các đồng minh khác trong khu vực. Trong khi đó, nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Șahin chỉ trích việc Mỹ ủng hộ các nhóm vũ trang người Kurd mà Ankara coi là "khủng bố".

Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục yêu cầu Israel rút quân khỏi khu vực chiếm đóng xung quanh Cao nguyên Golan của Syria và cáo buộc Israel tìm cách phá hoại quá trình chuyển đổi sau khi chính quyền Assad sụp đổ.

Nhưng dù có những căng thẳng hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột công khai giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là rất thấp. Aydin Selcen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định rằng cả hai quốc gia đều có lợi ích chung trong việc duy trì ổn định ở Syria.

Có thể thấy cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra trong bối cảnh Trung Đông đầy biến động. Mặc dù có nhiều yếu tố gây chia rẽ, cả hai quốc gia đều nhận thức được rằng việc duy trì ổn định khu vực là lợi ích chung. Sự cạnh tranh này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương mà còn tác động đến toàn bộ cấu trúc quyền lực ở Trung Đông trong tương lai gần.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo wsj.com/jpost.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/syria-hau-assad-ban-co-dia-chinh-tri-giua-israel-va-tho-nhi-ky-20241221170926792.htm