Syria thoát vòng vây cô lập ở Trung Đông
Syria gặt hái những kết quả khả quan trong nỗ lực phá bỏ thế bị cô lập ngoại giao khi họ vừa được kết nạp trở lại Liên đoàn Arab (AL) và khôi phục quan hệ ngoại giao với Arab Saudi, quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu ở khu vực.
Reuters ngày 10/5 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Arab Saudi xác nhận, các nhà ngoại giao nước này sẽ sớm nối lại hoạt động của phái bộ tại Damascus, sau hơn 10 năm kể từ thời điểm Riyadh rút đại diện ngoại giao về nước, liên quan đến cuộc nội chiến khốc liệt ở Syria, đồng thời cam kết tìm cách "phát triển các hành động chung Arab", Reuters đưa tin. Động thái nêu trên nhanh chóng được chính quyền ở Damascus xác nhận. Hãng thông tấn SANA dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Syria khẳng định, "Syria đã quyết định khôi phục công việc của phái bộ ngoại giao tại Arab Saudi".
Cũng trong ngày 10/5, nhờ nỗ lực của Nga và Iran, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có mặt ở thủ đô Moscow để gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, các bên nhất trí trao đổi quan điểm về việc bình thường hóa quan hệ Damascus-Ankara cũng như các vấn đề nhân đạo và hồi hương những người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng hùng mạnh đang hiện diện quân sự trên đất Syria dù động thái đó bị Damascus phản đối; còn Arab Saudi có tiếng nói rất trọng lượng với các quốc gia Arab, nhất là ở khu vực vùng Vịnh. Theo kế hoạch, Riyadh sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh của AL vào ngày 19/5 tới.
Khoảng 2 ngày trước khi Arab Saudi và Syria tái lập quan hệ, ngoại trưởng các nước thành viên AL đã nhóm họp và thông qua quyết định tái kết nạp Syria trở lại tổ chức. AL đình chỉ tư cách thành viên của Syria sau khi xung đột nổ ra tại quốc gia Trung Đông năm 2011. Arab Saudi thì cắt quan hệ với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad năm 2012 và nhiều lần công khai ủng hộ các nhóm vũ trang đối lập Syria.
Động thái mở cửa với Syria của AL và Arab Saudi tăng tốc sau thảm họa động đất hồi tháng 2/2023 ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, cùng sự kiện nối lại quan hệ ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran - đồng minh gần gũi nhất của Syria - do Trung Quốc làm trung gian, dẫn đến những thay đổi về cục diện chính trị ở khu vực. Ba tuần trước, Tổng thống Assad gặp Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan tại Damascus, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Arab Saudi tới Syria từ khi xung đột bùng phát.
Theo Bộ Ngoại giao Arab Saudi, tại cuộc gặp, ông Assad và Ngoại trưởng Faisal đã thảo luận các bước "đạt giải pháp chính trị toàn diện góp phần đưa Syria trở lại thế giới Arab". Ông Assad hy vọng, việc bình thường hóa với các quốc gia vùng Vịnh giàu có có thể mang lại cứu trợ kinh tế và nguồn tiền để tái thiết đất nước, vì họ ít khả năng nhận được nguồn tài trợ quốc tế rộng lớn hơn khi chưa đạt giải pháp chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn.
Ngay sau bước đi của AL, Syria có thể lập tức tham gia trở lại các phiên họp cùng 22 thành viên của tổ chức. Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit giải thích: "Việc khôi phục tư cách thành viên của Syria không có nghĩa là quan hệ giữa tất cả các nước Arab và Syria được bình thường hóa", bởi "đó là quyết định mang tính chủ quyền của mỗi quốc gia".
Tuy nhiên, ông Gheit khẳng định, Tổng thống Syria Assad có thể dự họp thượng đỉnh vào ngày 19/5 "nếu ông ấy muốn" trong trường hợp ông nhận được lời mời của nước chủ nhà là Arab Saudi.
Trước Arab Saudi, chỉ trong ít tháng qua, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Tunisia đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria. Jordan quyết định mở cửa trở lại biên giới hai nước. Cùng nỗ lực của Nga-Iran nhằm kết nối Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, những diễn biến kể trên đều được xem là thành tựu ngoại giao quan trọng của Tổng thống Assad, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thoát khỏi thế bị cô lập chính trị không chỉ bởi phương Tây mà còn của cả các quốc gia láng giềng.
Sau nhiều năm giao tranh, quân đội chính phủ của ông Assad đã tái kiểm soát phần lớn đất nước, dồn các nhóm phiến quân và dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tới một số khu vực ở miền Bắc và miền Đông. Hiện trạng này được duy trì ổn định và là minh chứng rằng phe đối lập Syria, dù được nhiều cường quốc hậu thuẫn, không phải là đối thủ của ông Assad. Thay vì lựa chọn tiếp tục cô lập Damascus, các nước Arab giờ đây kì vọng họ có thể dẫn dắt và thúc đẩy một tiến trình chính trị hiệu quả ở Syria.
AP ngày 10/5 dẫn lời Ngoại trưởng Ai Cập Samer Shoukry tin rằng, "giải pháp chính trị không có sự điều khiển của nước ngoài" là điều cần thiết để giải quyết triệt để bất ổn. "Cuộc khủng hoảng cho thấy quân sự không phải giải pháp và không có kẻ thắng, người thua nào cả", ông Shoukry nêu.
Từ phía các cường quốc, Reuters cho biết, Mỹ đã thể hiện sự khó chịu trước việc Syria trở lại AL. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington "không tin Syria xứng đáng được trở lại AL vào thời điểm hiện tại" và quả quyết rằng, các biện pháp trừng phạt chống Damascus vẫn nguyên hiệu lực. Phía Mỹ còn thể hiện "hoài nghi về việc Tổng thống Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng", dù Washington chia sẻ các mục tiêu của các đối tác Arab liên quan đến Syria, bao gồm việc thiết lập an ninh và ổn định.
Trái ngược với Mỹ, Nga hoan nghênh AL đưa Syria trở lại "gia đình Arab". "Chúng tôi trông đợi các nước Arab sẽ tăng cường trợ giúp Syria giải quyết các vấn đề tái thiết sau xung đột, vốn rất phức tạp do các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp", Bộ Ngoại giao Nga nêu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani thì ca ngợi việc AL chào đón Syria sẽ giúp "giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia Hồi giáo" và làm giảm sự can thiệp của nước ngoài ở khu vực.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/syria-thoat-vong-vay-co-lap-o-trung-dong-i693078/