Syria trước ngàn chông gai
'Mùa Xuân Arab' mở đầu với những kỳ vọng dân chủ, nhưng lại không tạo ra được những nền dân chủ ổn định. Những cấu trúc quyền lực lâu đời của khu vực, với các liên minh hình thành để hậu thuẫn và củng cố sự lãnh đạo của ông Bashar al-Assad đã bị phá vỡ vào những ngày đầu của tháng 12/2024, đem đến những thay đổi đáng kể trong cán cân địa chính trị của Trung Đông.
Tương lai của Syria là điều khó nói trước khi quá nhiều biến số tiềm ẩn trong bối cảnh phe đối lập tồn tại nhiều bất đồng, thậm chí là đối địch và những tàn dư của chủ nghĩa khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), vẫn đặt ra những thách thức đáng kể.
Lựa chọn lối đi
Nhân tố chính trong những diễn biến tại Syria là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một trong những lực lượng nổi dậy lớn và gây tranh cãi nhất ở Syria. HTS chính thức thành lập vào năm 2017, khi nhiều nhóm vũ trang nhỏ, trong đó có Jabhat Fateh al-Sham (Mặt trận al-Nusra Front, nhánh chính thức của al-Qaeda tại Syria), sáp nhập. Dưới sự lãnh đạo của Abu Mohammed al-Jolani, HTS tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda vào năm 2016, nhằm xây dựng hình ảnh một lực lượng "dân tộc" của Syria thay vì một tổ chức thánh chiến toàn cầu.
Sau tuyên bố về việc chế độ Damascus thoát khỏi “gia tộc Assad”, khép lại 24 năm cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và 50 năm quyền lực của gia tộc này, ngày 9/12, thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Jolani đã gặp Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed al-Jalali để điều phối quá trình chuyển giao quyền lực. Lãnh đạo HTS, Ahmad al-Shara, cũng đã từ bỏ danh xưng Abu Muhammad al-Jolani để giảm bớt liên hệ với quá khứ gắn liền al-Qaeda, đồng thời công khai cam kết duy trì các cơ quan hành chính dân sự. Động thái này nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng quốc tế và các lực lượng đối lập khác rằng, HTS sẵn sàng hợp tác trong giai đoạn chuyển tiếp.
Liên minh nổi dậy đã bổ nhiệm Mohammed al-Bashir làm lãnh đạo chính phủ lâm thời - “Chính phủ Cứu rỗi Syria” (SSG) - cho đến ngày 1/3/2025. Có trụ sở tại Idlib, thành trì của SSG đã hoạt động như một chính quyền không chính thức tại Syria kể từ năm 2017.
Al-Bashir, vốn là một kỹ sư, đã lãnh đạo SSG với sự chấp thuận của al-Jolani kể từ tháng 1/2024. Nhiệm vụ của chính phủ lâm thời là duy trì ổn định và tránh sụp đổ các thể chế quốc gia, trong bối cảnh chuyển tiếp giữa hy vọng dân chủ và nỗi lo tái diễn bạo lực.
Ahmad al-Shara và các đồng minh cam kết bảo vệ quyền lợi tôn giáo và sắc tộc, nhưng di sản của chế độ cũ và cuộc nội chiến khiến sự hòa giải trở nên khó khăn. Các chuyên gia nhận định, cộng đồng quốc tế cần đóng vai trò lớn hơn trong việc điều phối các lực lượng đối lập nhằm tránh kịch bản xung đột leo thang. Sự ổn định lâu dài của Syria sẽ phụ thuộc vào khả năng các bên tìm kiếm điểm chung trong giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức này.
Ngàn chông gai
Trên thực tế, vai trò và ảnh hưởng của Ahmad al-Shara gây lo ngại về nguy cơ tái lập chế độ độc tài bạo lực, giống như những quốc gia khác sau “Mùa xuân Arab”. Cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc đã khởi động thảo luận về Syria giai đoạn hậu Assad, nhấn mạnh yêu cầu tiến trình chính trị toàn diện và bầu cử tự do theo Nghị quyết 2254. Dù vậy, khác biệt giữa các phe phái trong và ngoài nước đang là thách thức lớn. Các nhóm đối lập lưu vong như Liên minh Quốc gia Syria kêu gọi thành lập cơ quan chuyển tiếp, nhưng ảnh hưởng thực tế của họ trên lãnh thổ Syria còn hạn chế.
Trong khi đó, các lực lượng như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd thống trị và Quân đội Quốc gia Syria (ANS) thân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Những xung đột giữa các phe nhóm và khác biệt về lợi ích chính trị có nguy cơ cản trở tiến trình chuyển đổi, trong khi giới chuyên gia cảnh báo việc loại trừ bất kỳ nhóm nào đều có thể dẫn đến nguy cơ tái diễn nội chiến.
Sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo ở Syria, người Alawite, người Kurd, và các cộng đồng Cơ đốc giáo..., luôn là một yếu tố đặc biệt nhạy cảm, chắc chắn sẽ không chấp nhận một chính quyền mang tính chất áp đặt hoặc độc tài, một yếu tố buộc HTS phải theo đuổi chính sách ôn hòa hơn nếu muốn duy trì quyền lực.
Xung đột đã để lại những chia rẽ sâu sắc, nhiều người lo sợ các vụ trả thù, đặc biệt là nhắm vào cựu quan chức chính quyền Assad hoặc các cộng đồng từng ủng hộ chế độ cũ như cộng đồng Alawite. Thêm vào đó, nội chiến đã khiến một nửa dân số trước chiến tranh của Syria, ước tính khoảng 23 triệu người, phải rời bỏ nhà cửa. Rất nhiều người trong số này chắc chắn sẽ băn khoăn với quyết định trở về hay không và theo dõi sát các diễn biến liên quan.
Trong khi đó, các lực lượng người Kurd, vốn kiểm soát khu vực phía Đông Syria, đang tìm kiếm sự công nhận và quyền tự trị trong bối cảnh chính trị mới. Họ coi đây là cơ hội lịch sử để củng cố quyền tự trị. Vấn đề người Kurd chắc chắn không thể bỏ qua khi định hình bức tranh Syria. Các lực lượng người Kurd, được Mỹ hậu thuẫn, đã kiểm soát một khu vực bán tự trị ở Đông Bắc Syria suốt nhiều năm. Họ là nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), và cũng là đối tác của các nhóm đối lập người Arab trong cuộc đối đầu chính quyền Syria suốt thời kỳ nội chiến, mối quan hệ này thực tế luôn căng thẳng, thậm chí là đụng độ và tranh giành.
HTS đang đưa ra các tín hiệu hòa giải với người Kurd và việc tái hòa nhập khu vực phía Đông có khả năng đi kèm với một số nhượng bộ đối với quyền tự trị của cộng đồng này. Điều đáng nói là hướng đi đó có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã nhiều lần can thiệp vào Syria nhằm ngăn chặn bất kỳ hình thức tự trị nào của người Kurd mà họ lo ngại có thể khuyến khích các phong trào tương tự trong biên giới của mình. Một số nguồn tin còn cho rằng, các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, dù liên minh với HTS, đã lợi dụng tình hình để giành lại một số vùng lãnh thổ mà người Kurd kiểm soát, trong khi giao tranh cũng liên tục diễn ra tại nhiều khu vực khác. Việc lực lượng nổi dậy có thái độ ôn hòa với các nhóm thiểu số có thể khiến cộng đồng quốc tế hạ bớt những lo ngại và tính đến một tương lai hòa giải, song vấn đề sắc tộc luôn nhức nhối và khó giải quyết tận gốc bởi những phức tạp đa tầng nấc.
Ngoài ra, cộng đồng Shiite và các nhóm tôn giáo thiểu số khác như người Druze cũng đang đứng trước nguy cơ thiệt thòi trong quá trình tái thiết chính trị. Trước đây, các nhóm này đã được chế độ Assad bảo trợ và giờ đây, họ phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm một vị trí trong trật tự chính trị mới.
Những nút thắt này, nếu muốn tháo gỡ, đòi hỏi một chính sách bao trùm, thay vì tập trung vào ý thức hệ cực đoan. Với nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, những nhà cầm quyền mới phải nhanh chóng khôi phục các dịch vụ cơ bản như điện, nước, và y tế, giúp ổn định đời sống và xây dựng uy tín cũng như những cam kết về khả năng lãnh đạo và dẫn dắt đất nước. An ninh và an sinh luôn là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và hỗ trợ quốc tế. Những thách thức này sẽ định hình tương lai của Syria trong giai đoạn hậu chiến, và cách mà HTS xử lý chúng có thể quyết định liệu họ có thể hàn gắn một Syria rạn nứt sau 13 năm nội chiến để tiến tới hòa bình bền vững hay không.
Những thách thức đặt ra với HTS nếu cầm quyền càng lớn hơn bởi tổ chức này hiện vẫn bị Liên hợp quốc (LHQ) coi là nhóm khủng bố dù đã cố gắng cải thiện hình ảnh trong thời gian qua để trấn an các quốc gia nước ngoài và các nhóm thiểu số ở Syria. Phát biểu trước đám đông tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad 1.300 năm tuổi ở Damascus gần đây, Ahmad al-Shara tuyên bố: “Hỡi những người anh em của tôi, lịch sử mới đang được viết ra trên toàn khu vực sau chiến thắng này”.
Vấn đề Syria không thể giải quyết chỉ với vài nhân tố, mà đòi hỏi sự tham gia của cả nhiều bên quốc tế, nhất là Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và cả Israel,... với những lợi ích cả trực tiếp và gián tiếp. Các bên đều đang có những động thái tích cực can dự tình hình bằng nhiều cách, khiến bối cảnh càng thêm phức tạp và biến số ngày càng lớn. Thách thức với lực lượng cầm quyền mới cũng cần nhìn nhận trong tổng quan những chiến lược và tính toán của các nhân tố này.
Nhiều người cho rằng sự khép lại của chế độ Assad sau nửa thế kỷ đánh dấu thời điểm quan trọng đối với Syria, là cơ hội để xây dựng lại quốc gia trên nền tảng bao trùm, đa nguyên và ổn định hơn. Tuy nhiên, đây là khoảnh khắc đan xen giữa niềm vui và những nỗi sợ về thứ mà người ta có thể hoàn toàn chưa biết. Những tầm nhìn về hòa giải và tái thiết có thể hiện thực hóa được hay không còn phụ thuộc khả năng các phe đối lập có thể điều hướng những thách thức to lớn trong quá trình chuyển đổi.
Nhiệm vụ cấp bách cho tất cả các bên liên quan, cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các quốc gia phương Tây và vùng Vịnh, là giúp quốc gia vụn vỡ này chuyển đổi sang chế độ ổn định và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá. Những diễn biến này cũng hé mở cơ hội tái thiết lập các mối quan hệ giữa những nhân tố quan trọng như Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và những bên có thể tìm thấy lợi ích tiềm tàng trong bức tranh khu vực.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/syria-truoc-ngan-chong-gai-i754801/