Syria yêu cầu Israel rút quân khỏi lãnh thổ nước này

Ngày 9/12, Đại sứ Syria tại LHQ Qusay al-Dahhak tuyên bố Israel phải rút quân khỏi Syria.

Đại sứ Syria tại LHQ Qusay al-Dahhak. Nguồn: syrianobserver

Đại sứ Syria tại LHQ Qusay al-Dahhak. Nguồn: syrianobserver

Ông Qusay al-Dahhak nêu rõ: "Chúng ta cần chấm dứt hành động xâm lược của Israel đối với Syria. Chúng ta muốn lực lượng Israel xâm lược lãnh thổ của chúng ta ... phải rời đi".

Theo nhà ngoại giao này, Israel phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và thỏa thuận phân chia lực lượng năm 1974. Theo thỏa thuận, chỉ có lực lượng LHQ mới được đồn trú tại vùng đệm ở Cao nguyên Golan. Bên cạnh đó, ông Qusay al-Dahhak nói rằng ông không biết về tương lai của các căn cứ Nga ở Tartus và Khmeimim.

Trong khi đó, đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya phàn nàn việc Israel đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về Cao nguyên Golan. Bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Vasily Nebenzya chỉ trích: "Chúng tôi đang nghe những tuyên bố trái ngược nhau từ Israel. Chúng tôi không biết phần nào của Cao nguyên Golan mà ông ta coi là một phần của Israel, xét đến việc họ vi phạm vùng đệm".

Cùng ngày 9/12, đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon đã khẳng định với Hội đồng Bảo an rằng Tel Aviv chỉ thực hiện “các biện pháp hạn chế và tạm thời” tại dải đất phi quân sự giáp ranh Syria để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt là đối với cư dân của Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng.

Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ, ông Danon bày tỏ: “Điểm quan trọng cần nhấn mạnh là Israel không can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa các nhóm vũ trang Syria; hành động của chúng tôi chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh của chúng tôi". Theo đại sứ Israel, Tel Aviv vẫn cam kết chấp hành khuôn khổ Thỏa thuận phân chia lực lượng năm 1974.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric tuyên bố việc quân đội Israel di chuyển vào vùng đệm ở rìa Cao nguyên Golan “cấu thành hành vi vi phạm” thỏa thuận rút quân năm 1974 giữa nước này và Syria.

Theo ông Dujarric, Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) đã “thông báo cho các đối tác Israel rằng những hành động này sẽ cấu thành hành vi vi phạm thỏa thuận rút quân năm 1974." Lực lượng Israel tiến vào khu vực vẫn hiện diện ở ít nhất 3 địa điểm.

Phần lớn Cao nguyên Golan Heights bị Israel chiếm đóng kể từ năm 1967. Sau đó, Tel Aviv sáp nhập vùng lãnh thổ này - động thái vốn không được hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận.

Cũng trong ngày 9/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington quyết tâm ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tái lập nơi trú ẩn an toàn ở Syria, cũng như nguy cơ quốc gia Trung Đông này bị chia cắt.

Phát biểu trong một sự kiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken nhận định “IS sẽ cố gắng lợi dụng giai đoạn hiện nay để tái lập năng lực của chúng, hòng tạo ra nơi trú ẩn an toàn," song “những cuộc tấn công chính xác” của quân đội Mỹ hồi cuối tuần qua đã minh chứng cho “quyết tâm không để kịch bản đó xảy ra".

Đáng chú ý, Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định Mỹ có một loạt lợi ích “rõ ràng” ở Syria, trong đó có quyết tâm giữ cho quốc gia Trung Đông này thống nhất. Theo ông, Washington sẽ “làm những gì có thể để tránh sự chia cắt ở Syria," ngăn chặn “làn sóng di cư hàng loạt từ Syria” cũng như nguy cơ “xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan".

Trong một động thái khác, các nhà ngoại giao Qatar cùng ngày đã khởi động kênh liên lạc với nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng của phe nổi dậy Syria khiến chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Một quan chức Qatar tiết lộ Doha có kế hoạch tiếp xúc với nhà lãnh đạo Mohammed Al-Bashir của HTS. Ông Bashir - người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” của lực lượng nổi dậy - được cho là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất cho chức Thủ tướng Syria trong chính quyền chuyển tiếp thời “hậu Assad".

Trọng tâm trong cuộc tiếp xúc của phía Qatar là nhấn mạnh “yêu cầu đối với HTS và các nhóm khác về việc duy trì sự bình yên và bảo vệ các thể chế công cộng của Syria trong thời kỳ chuyển tiếp".

Các nước trong khu vực đang cố gắng thiết lập những mối liên hệ mới với HTS và các nhóm nổi dậy khác đã tham gia chiến dịch tấn công chớp nhoáng từ ngày 27/11 giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, dẫn đến bước ngoặt thay đổi cục diện trên chính trường Syria.

Cũng trong ngày 9/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Pierre-Alain Elchinger tuyên bố Bern sẵn sàng đóng vai trò trung gian nếu các bên ở Syria đưa ra lời đề nghị. Phát biểu trước báo giới, ông Elchinger nêu rõ: “Thụy Sĩ sẵn sàng cung cấp các cơ sở tốt nhất của mình nếu các bên liên quan (ở Syria) đưa ra lời đề nghị. Thụy Sĩ kêu gọi tất cả các bên tham gia đối thoại và chuyển tiếp hòa bình."

Lực lượng nổi dậy ở Syria ngày 9/12 xác nhận người đứng đầu lực lượng này Abu Mohammed al-Jolani đã gặp Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed al-Jalali để thảo luận về việc “chuyển giao quyền lực". Thông tin này được đưa ra 1 ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Theo tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của lực lượng nổi dậy, ông Jolani - hiện sử dụng tên thật là Ahmed al-Sharaa - đã gặp Thủ tướng Jalali “để phối hợp công tác chuyển giao quyền lực nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ” cho người dân Syria.

AD

Một đoạn video ngắn ghi lại cuộc gặp còn cho thấy sự hiện diện của ông Mohammed Bashir, người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” của lực lượng nổi dậy ở thành trì phía Tây Bắc Syria. Ông Bashir được cho là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất cho chức Thủ tướng Syria trong chính quyền chuyển tiếp thời “hậu Assad".

Trong đoạn video, ông Jolani còn nói với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jalali rằng mặc dù “Idlib là một khu vực nhỏ, thiếu tài nguyên” nhưng chính quyền ở đó “có rất nhiều kinh nghiệm sau khi bắt đầu từ con số không".

Trong một động thái khác có liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày đã thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp ở Syria và các biện pháp khả thi để tái thiết đất nước này. Trong cuộc thảo luận, hai bên còn đề cập đến vấn đề đưa viện trợ nhân đạo vào Syria và những công việc mà LHQ có thể làm để giúp tái thiết nước này.

Trong diễn biến liên quan, ngày 9/12, Anh, Đức, Pháp, Ý và một số nước châu Âu khác cho biết họ sẽ đình chỉ việc xem xét các yêu cầu xin tị nạn đang chờ xử lý của người Syria.

Trong khi Áo thông báo sẽ sớm trục xuất người tị nạn trở về Syria, các nước khác đã hoãn xem xét hồ sơ xin tị nạn và theo dõi những diễn biến nhanh chóng tại Syria. Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã chỉ thị cho Bộ Nội vụ tạm dừng xử lý đơn xin tị nạn của người Syria và xem xét lại mọi khoản trợ cấp tị nạn, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Gerhard Karner đã chỉ thị chuẩn bị một chương trình hồi hương và trục xuất có trật tự về Syria.

Bộ trưởng Karner nêu rõ: "Tình hình chính trị ở Syria đã thay đổi cơ bản và rất nhanh chóng trong những ngày gần đây, chúng tôi đang theo dõi và phân tích tình hình mới." Hiện có khoảng 100.000 người Syria đang sinh sống tại Áo.

Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết nhiều người tị nạn Syria cuối cùng cũng có hy vọng trở về quê hương, song cảnh báo rằng tình hình ở Syria hiện rất không rõ ràng.

Văn phòng Liên bang về di cư và người tị nạn của Đức đã đình chỉ quyết định về cho phép tị nạn cho đến khi tình hình rõ ràng hơn. Đức đã tiếp nhận gần một triệu người Syria, phần lớn vào nước này trong giai đoạn 2015-16 dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel.

Về phần mình, Bộ Nội vụ Pháp cũng thông báo sẽ tạm dừng các yêu cầu tị nạn của người Syria, tương tự động thái của các nước Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Anh và Ý. Tại Thụy Điển, lãnh đạo đảng Dân chủ cực hữu, một đối tác liên minh trong chính phủ, cho rằng nên xem xét lại giấy phép cư trú cho người tị nạn Syria trong bối cảnh hiện nay.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/323697/syria-yeu-cau-israel-rut-quan-khoi-lanh-tho-nuoc-nay.html