T-6 Texan II, dòng huấn luyện cơ đắt hàng của Mỹ
T-6 Texan II là loại máy bay huấn luyện sơ cấp của Mỹ sản xuất, hiện chúng đang được sử dụng rộng rãi bởi không quân nhiều nước trên thế giới.
T-6 Texan II được phát triển dựa trên mẫu Pilatus PC-9 của Thụy Sĩ. Máy bay được công ty Hàng không vũ trụ và Quốc phòng Raytheon phát triển trong thập niên 1990 và đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 2001, thay thế mẫu Cessna T-37B của không quân và T-34C Turbo Mentor hải quân.
Lực lượng hải quân và hải quân đánh bộ Mỹ đều sử dụng máy bay này để huấn luyện và đào tạo phi công sơ cấp với giá thành lên đến gần 4,3 triệu USD/chiếc. Ngoài làm nhiệm vụ huấn luyện, bằng một vài thao tác thay đổi có thể biến loại máy bay này thành cường kích hạng nhẹ uy lực.
Hiện nay, Mỹ đang sử dụng khoảng 446 chiếc T-6 động cơ cánh quạt để đào tạo phi công. Số lượng máy bay này chủ yếu đang được biên chế tại căn cứ Không quân Columbus bang Mississippi, căn cứ Không quân Vance thuộc Oklahoma, căn cứ Không quân Laughlin và căn cứ Sheppard bang Texas. Ngoài Mỹ còn có Canada, Hy Lạp, Đức, Iraq, Israel, Mexico, Maroc tin dùng.
Đang có thông tin Việt Nam cũng đã mua dòng máy bay này. Cụ thể tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) thuộc không quân Mỹ, nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 4/6 cho biết: "Việt Nam đã đặt mua máy bay huấn luyện T-6 nhằm cải thiện chương trình huấn luyện phi công. Đây là một trong những điểm quan trọng và dễ thấy nhất trong hợp tác song phương",
Thông tin được tướng Wilsbach đưa ra khi được hỏi về triển vọng thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ. Ông cho biết: "Chúng tôi cam kết hỗ trợ bàn giao và đưa các máy bay T-6 này vào hoạt động, giúp Không quân Việt Nam nâng cao năng lực đào tạo phi công", ông nói thêm.
Việt Nam hồi năm 2018 cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng úy Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP vào ngày 31/5/2019, đồng đội của anh là trung úy Doãn Văn Cảnh cũng hoàn tất chương trình huấn luyện không lâu sau đó.
Theo thông cáo của không quân Mỹ, các phi công như Đặng Đức Toại được huấn luyện hơn 167 giờ bay trên máy bay T-6A Texan II và được đào tạo chuyên sâu về loại phi cơ này trước khi được cấp chứng nhận tốt nghiệp chương trình.