T-62 Nga quá chậm chạp, như 'bia tập bắn' ở Ukraine

Bản thân những chiếc T-62 đã bị đánh giá là kém cơ động, khi được Nga tái trang bị với lớp giáp bổ sung thì chiếc xe tăng này càng thêm chậm chạp.

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước vào năm thứ ba, Moskva đang phải đối mặt với tình trạng thiếu xe tăng chiến đấu, điều này buộc Nga phải tái triển khai xe tăng T-62 thời Chiến tranh Lạnh với lớp giáp bổ sung. Tuy nhiên, động cơ chỉ 620 mã lực của T-62 phải vật lộn với trọng lượng tăng thêm, làm giảm khả năng cơ động vốn đã kém của nó.

Tỷ lệ công suất trên trọng lượng thấp và tốc độ lùi chậm sẽ cản trở sự hiệu quả của T-62 trong chiến thuật đánh và chạy, điều này khiến chiếc xe tăng dễ bị pháo binh và tên lửa của Ukraine tấn công.

Trong khi đó, xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 của Ukraine có khả năng cơ động và tốc độ lùi tốt hơn, có nhiều lợi thế hơn về mặt chiến thuật. Việc đưa xe tăng T-62 trở lại chiến đấu là dấu hiệu cho thấy những khó khăn của Nga trong việc duy trì lực lượng tăng thiết giáp trên chiến trường.

T-62 trở lại chiến trường

Theo các số liệu từ cả phía Moskva và phương Tây, Quân đội Nga đã mất hàng nghìn xe tăng trên chiến trường Ukraine. Tỷ lệ tổn thất là đáng báo động, vượt quá khả năng sản xuất xe tăng mới của Nga.

Và để bảo đảm cho các lực lượng tiền tuyến có đủ khả năng chiến đấu, Nga đã phải sử dụng đến kho dự trữ xe tăng của mình. Moskva đã tái trang bị cho những chiếc T-62 có từ thời Chiến tranh Lạnh, chiếc xe tăng này được bổ sung thêm lớp giáp mới để tăng cường khả năng phòng thủ trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại. Sự bổ sung đó là rất cần thiết, bởi xe tăng T-62 đã được đưa vào sử dụng cách đây hơn 60 năm.

Xe tăng T-62 Nga trên chiến trường Ukraine.

Xe tăng T-62 Nga trên chiến trường Ukraine.

Điểm yếu 'chí mạng' của T-62

Các chuyên gia của Forbes cho biết, mặc dù việc bổ sung lớp giáp đã khiến trọng lượng xe tăng tăng thêm, nhưng điện Kremlin không có ý định nâng cấp hoặc thay thế động cơ 620 mã lực trên T-62. Các chuyên gia quân sự cho biết thêm rằng, một bộ giáp phản ứng nổ bổ sung (ERA) đầy đủ nặng tới ba tấn và trọng lượng tăng thêm đó sẽ khiến một chiếc T-62 lỗi thời sẽ càng thêm chậm chạp.

Với ba tấn giáp ERA bổ sung, chiếc T-62 có thể nặng hơn 45 tấn, trong khi động cơ diesel của nó chỉ có công suất 620 mã lực. Vì vậy, tỷ lệ công suất trên trọng lượng của T-62 chỉ đạt dưới 14 mã lực trên một tấn.

Để so sánh, tỷ lệ công suất trên trọng lượng của T-90M của Nga là 26 mã lực trên một tấn, M1A1 của Mỹ là 22 mã lực trên một tấn. Công suất 14 mã lực trên một tấn của T-62 có nghĩa là xe tăng sẽ di chuyển rất khó khăn và thiếu độ linh hoạt.

May mắn cho những người lính điều khiển T-62 là chiếc xe tăng này được bổ sung một lớp giáp phản ứng nổ hiện đại, khi bị tấn công nó sẽ phát nổ, làm chệch hướng viên đạn đang lao tới và làm giảm ảnh hưởng của vụ nổ lên xe tăng. Về cơ bản, lớp giáp mới giúp tăng gấp đôi khả năng bảo vệ trên xe tăng khỏi một số loại đạn nổ mạnh.

Khả năng cơ động của T-62 chưa bao giờ được đánh giá cao và sau khi bổ sung thêm lớp giáp ERA, chiếc xe tăng sẽ càng thêm chậm chạp. Đó là một vấn đề lớn, bởi cả hai bên tham chiến trong cuộc xung đột này đều dựa vào chiến thuật sử dụng xe tăng cho các cuộc đột kích nhỏ và linh hoạt theo kiểu đánh và chạy.

Forbes đưa tin "Có rất nhiều ví dụ về chiến thuật sử dụng các đội xe tăng nhỏ từ cả Nga và Ukraine, chúng sẽ tăng tốc đến vị trí của đối phương, bắn một vài viên đạn rồi tăng tốc chạy để né tránh tên lửa và đạn đánh trả của đối phương".

Xe tăng T-62.

Xe tăng T-62.

Tất nhiên, T-62 không được trang bị tốt để tham gia vào các chiến thuật tấn công chớp nhoáng như vậy. Động cơ chậm chạp làm việc chống lại sức nặng của ERA khiến việc lao vào và thoát khỏi các cuộc giao tranh trở nên khó khăn, cho phép tên lửa và pháo binh Ukraine phản ứng trước khi xe tăng chạy vòng qua nơi an toàn.

Trong khi đó, xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 của Ukraine lại có lợi thế cơ động tốt hơn so với T-62, chúng có thể lao vào và thoát khỏi trận địa của đối phương nhanh chóng. Vì những chiễ xe tăng này có hệ thống truyền động mạnh mẽ với tốc độ lùi nhanh, nghĩa là chúng không phải mất hàng chục giây quay đầu để thoát khỏi vùng nguy hiểm ở tốc độ cao.

Ngược lại, xe tăng thời Liên Xô có số lùi khá chậm chạp. T-62, ngay cả khi hoạt động mà không cần thêm ERA, có thể chỉ lùi được 8 km/h, còn M1A1 của Mỹ có thể đạt tốc độ 30 km/h khi lùi. Với tốc độ như vậy chiếc xe tăng này không phù hợp với chiến thuật cơ động đang được Nga sử dụng trên chiến trường. Khi được gắn thêm lớp giáp bổ sung, tốc độ lùi của xe sẽ còn chậm hơn nữa, điều này sẽ khiến nó trở thành mục tiêu dễ dàng cho các xạ thủ Ukraine.

Lê Hưng (Nguồn: National Interest)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/t-62-nga-qua-cham-chap-nhu-bia-tap-ban-o-ukraine-ar886268.html