Tà Chải - mạch ngầm văn hóa truyền thống vẫn dạt dào tuôn chảy

Cuộc sống hiện đại dù đã len lỏi khắp bản làng vùng cao bởi nhiều thiết bị công nghệ, nhưng không vì thế mà đồng bào các dân tộc thiểu số bỏ quên những nét đẹp văn hóa truyền thống mà ông cha để lại. Thậm chí, nhờ công nghệ, họ còn duy trì việc hát cho nhau nghe, tiếp cận nhiều hơn với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc mình...

Bản Tà Chải - nơi có 100 hộ dân tộc Phù Lá sinh sống. Ảnh: Lê Thanh Cường

Bản Tà Chải - nơi có 100 hộ dân tộc Phù Lá sinh sống. Ảnh: Lê Thanh Cường

Chúng tôi ngược núi Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đến thăm bản Tà Chải - nơi có 100 hộ người Phù Lá đang sinh sống. Nắng ấm nên đường lên bản Tà Chải đẹp như một bức tranh. Hai bên đường, những ruộng lúa xanh mướt, đặc biệt, nơi đây còn có những nông trại rau quả ôn đới, các loại hoa... cũng tạo nên sức hấp dẫn riêng của một miền quê nơi vùng đất “cao nguyên trắng” Bắc Hà.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh bản, chị Lâm Thị Hồng, Bí thư Chi bộ Tà Chải hồ hởi khoe về những đổi thay trong đời sống của bà con người Phù Lá. Vẫn biết, hiện nay, công nghệ thông tin đã len lỏi đến tận các bản làng vùng cao, thế nhưng, người Phù Lá ở nơi này vẫn còn bảo tồn và giữ nguyên vẹn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Chị Hồng bảo: "Bà con Phù Lá ở Tà Chải đều vẫn mong muốn bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy được những giá trị tốt đẹp truyền thống trong đời sống hiện nay".

May mắn thay, không chỉ có chị Hồng, mà cũng còn rất nhiều bà con đồng bào dân tộc Phù Lá ở Tà Chải vẫn nặng lòng và đau đáu với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ấy, để không mai một đi mà còn sống được giữa đời sống hiện đại. Ông Giàng Sín Phù, ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, vui vẻ chia sẻ cho chúng tôi nghe về phong tục ăn cơm mới mà người Phù Lá ở Tà Chải vẫn duy trì tổ chức hằng năm. Ấy là, mỗi khi phơi khô thóc và để gọn vào bồ thóc trong nhà, người Phù Lá bắt đầu tổ chức nghi lễ mừng cơm mới.

Lúc ấy cũng là khi các gia đình đã đổi công cho nhau và gặt xong hết các thửa ruộng của gia đình mình, họ thay phiên nhau tổ chức làm cơm mới, vừa là cúng báo tổ tiên về thành quả của một mùa vụ thu hoạch, cảm tạ trời đất đã đem lại mùa màng tươi tốt, cũng như cầu cho mùa vụ năm sau tiếp tục hạt lúa chắc mẩy, trĩu bông. “Nhà nào ăn to thì mổ hẳn con lợn, còn không cũng mổ gà, mua thịt lợn về làm cỗ cúng, mời anh em họ hàng, bà con trong bản đến chung vui. Hầu như, nhà nào cũng làm lễ cúng mừng cơm mới, tạo thành nét văn hóa trong cộng đồng người Phù Lá” - ông Giàng Sín Phù.

Sinh ra và lớn lên ở bản Tà Chải, anh Giàng Củi Tờ, hiện đang là cán bộ công chức xã Lùng Phình, cũng là một trong những người có nhiều trăn trở về công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Anh Giàng Củi Tờ tâm sự: "Người Phù Lá có vốn văn hóa truyền thống khá phong phú. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại phần nào cũng khiến không ít phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Phù Lá dần mai một theo năm tháng. Tôi cũng như đồng bào Phù Lá ở Lùng Phìn mong muốn hỗ trợ bà con khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống".

Hiện tại, địa phương cũng đã hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Phù Lá, khôi phục văn hóa ẩm thực của người Phù Lá..., ghi chép và sưu tầm để lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa cần được bảo tồn. Đặc biệt, sự phong phú trong ẩm thực của người Phù Lá đã được ngành văn hóa hỗ trợ để tôn vinh, nâng tầm, giúp bà con đưa văn hóa của dân tộc mình khi du khách đến điểm du lịch Lùng Phình-Bắc Hà. Mèn mén, bánh sừng trâu, bánh giầy, mầm thảo quả xào thịt, mầm dẻ xào thịt ngựa... là những món ăn quen thuộc của bà con Phù Lá nhưng lại là những hương vị khó quên đối với thực khách phương xa.

Cũng thật vui và hy vọng vốn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số được gìn giữ bởi chính họ, nhất là thế hệ trẻ. Chị Giàng Củi Sửu hằng ngày miệt mài làm việc cho trang trại hoa hồng gần nhà, nhưng vẫn không quên nhẩm hát những câu dân ca Phù Lá do mẹ truyền dạy từ khi còn là cô bé lên 5, lên 6... Tuổi thơ của Sửu lớn lên trong dân ca Phù Lá, rồi yêu, chất liệu dân ca cứ thế ngấm dần và chảy trong huyết quản của người con gái Phù Lá. Chính vì yêu thích, lại được trời ban cho chất giọng trong trẻo, thánh thót, khiến chị Sửu luôn đam mê hát dân ca dân tộc mình. Chị Sửu hiện đang là một hạt nhân văn nghệ trẻ của bản người Phù Lá.

Phụ nữ Phù Lá vẫn vừa duy trì nghề thêu thổ cẩm, vừa hát dân ca dân tộc mình. Ảnh: Lê Thanh Cường

Phụ nữ Phù Lá vẫn vừa duy trì nghề thêu thổ cẩm, vừa hát dân ca dân tộc mình. Ảnh: Lê Thanh Cường

Giờ đây, người Phù Lá ở Tà Chải không chỉ hát cho nhau nghe, hát trong lễ cưới, lễ hội mà họ đã biết dùng công nghệ, tải những đoạn hát nhạc dân ca Phù Lá từ Youtobe, Tiktok... về điện thoại để mang đi theo nương, đi chăn trâu, đi lấy củi và luyện tập hát theo. Điệu hát không còn phải đợi phiên chợ, đợi lễ hội mà hễ lên núi, lội suối, hay ở bất cứ đâu, người Phù Lá cũng mang theo tiếng hát bên mình.

Trong gian bếp ánh lửa bập bùng, bà Giàng Sín Mẩy năm nay đã ngoài 60 tuổi, vừa đun ấm nước để pha trà mời khách, vừa chuyện trò sôi nổi: "Người già trong bản vẫn luôn giữ nghề thêu và may trang phục truyền thống, vừa là để phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng cũng là để trao truyền lại cho con cháu, cho thế hệ mai sau, nhất là thế hệ trẻ bây giờ, khi cuộc sống hiện đại đã về bản, cũng không còn nhiều người biết làm trang phục truyền thống. Thêm nữa, những làn điệu dân ca, dân vũ của người Phù Lá, tôi và một số người cao tuổi trong bản Tà Chải vẫn duy trì tập hát, tích cực tham gia biểu diễn văn nghệ ở bản, ở xã, để cho con cháu học theo, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình".

Tôi rời bản Tà Chải trong một buổi chiều với nhiều cảm xúc về một bản làng vùng cao thanh bình, nhưng ở trong đó vẫn có một mạch ngầm văn hóa âm thầm tuôn chảy qua những năm tháng. Chúng tôi tin, với những gì mà những người con Phù Lá đã và đang gìn giữ, họ sẽ tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống ấy cho thế hệ mai sau...

Lê Thanh Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ta-chai-mach-ngam-van-hoa-truyen-thong-van-dat-dao-tuon-chay-post479103.html