Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ (*)

Từ nhiều trăm năm về trước, nho sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngộ ra được cái hạnh phúc bình dị của đời người, không phải là mão cao áo rộng xênh xang, không bon chen đô hội phố phường, mà 'một mai một cuốc một cần câu'(**), ung dung nhàn hạ nơi điền viên thôn dã.

Nhiều trăm năm sau, phố phường vẫn chật hẹp người xe, và lao xao không dứt. Lòng người thường tình mải mê với những mệt mỏi và đa đoan, những tham vọng không dừng.

Bởi vui thú với nơi vắng vẻ không phải là thói quen dễ chịu với số đông. Có phải vì trong thân tâm mỗi người luôn nhiễu loạn? Những hạt electron(***) vẫn bay không ngừng, mịt mù không thể lắng đọng, nên người ta luôn phải chạy đuổi theo đời sống náo nhiệt?

Có người, tuy từ bỏ phố thị, về quê sống đời yên tĩnh, nhưng bản thân vẫn luyến nhớ cuộc sống bận rộn, thì hẳn là trong lòng họ chưa tĩnh, chưa thể nhàn hạ mà vui cùng cây rau ngọn cỏ.

Hay bởi vì nợ áo cơm luôn gắn liền với bận rộn lo toan. Người ta không thể tìm thú vui nhàn nhã khi còn bận mưu sinh, con cái cần môi trường tốt để học tập?

Lại cũng có người, tuy nhà giữa phố, một bước xuống đường xôn xao, mưu sinh vẫn phải không gián đoạn, nhưng nụ cười an tĩnh luôn thường trực, lòng luôn cảm thấy bình an, thì chính trong tâm họ đã vui thú điền viên đấy thôi. Ta thấy họ dù xuất hiện giữa chốn đông người, dù tất bật như con thoi trong văn phòng chốn công sở, vẫn thấy được nét thư thái trên gương mặt. Ta đừng hỏi sao cô ấy, anh ấy luôn có vẻ tươi mới thanh xuân, chính là thể hiện từ cái tâm bình lặng an ổn mà ra đó thôi. Những người ấy cũng luôn có quyết định sáng suốt, không lăn tăn lo lắng, không tính lại tính đi, mà luôn tin vào từng bước đi chắc chắn của mình.

Vậy, cảnh an nhàn không bằng tâm an nhàn. Khi tâm đã tịnh yên người ta luôn tìm được cảnh an nhàn để đặt mình vào, tạo ra được phong thái thong dong.

Và khi đó, giữa chốn văn phòng chật ních hồ sơ, với từng dãy máy tính khô khan, vẫn có chỗ cho một bình hoa hay một chậu cây xanh mướt. Một chút khe hẹp từ cửa sổ cũng được tận dụng để ánh nắng len vào mà tụ họp cùng lá xanh. Khoảng ban công ngoài văn phòng, đủ cho một góc rợp màu xanh, và người an nhiên luôn biết cúi xuống nhìn cây và ngẩng đầu thưởng thức bầu trời cao nhiều mây trắng và gió lộng.

Người tất bật luôn chỉ nhìn thấy chồng hồ sơ cao ngất và những tin nhắn reo miệt mài. Người tất bật chân đi không bén đất, mắt nhìn về phía trước mà đầu suy nghĩ hàng núi việc, thậm chí còn không nhớ ra mình đang định làm gì.

Người biết an nhàn sẽ giữ tâm phẳng lặng, không để lòng ngược xuôi theo toan tính, những đam mê vật chất mang lại niềm vui thoáng qua. Họ luôn biết lắng lại, nhìn sâu vào bên trong mình, hiểu từng nhịp sống của cơ thể.

Và cần gì phải tìm đến một nơi bốn mùa vắng vẻ, có hồ sen, ao cá, có măng trúc thanh cao mà Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi trong bài ngâm vịnh. Giữ một nếp sống thảnh thơi nhẹ nhàng, người “dại” luôn biết thưởng thức cuộc sống một cách chậm rãi, thú vị theo cách riêng của mình, với điều kiện mình đang có.

Khi đó, trong lòng người, sự tĩnh lặng sẽ quay về. Và sức mạnh chữa lành của những khoảnh khắc tĩnh lặng là vô biên.

(*), (**) Mượn ý trong bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

(***) Hạt hạ nguyên tử

Trương Huỳnh Như Trân

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293603/ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve-.html