Tạ Đình Khiêm 'bùng nổ'
Tạ Đình Khiêm triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh, giữa chuỗi ngày bình thường mới, khi nỗi phấp phỏng về đại dịch COVID vẫn đang bủa vây toàn thế giới. 'To be continued' … - còn tiếp, mà thực ra phải là còn mãi, còn nữa, và hơn thế nữa…
Nội lực của Khiêm, sự sục sôi dâng trào trên một bề mặt nhiều tầng nhiều lớp, những ngẫm ngợi của người kiệm lời được dồn nén vào toan vải, ùn ứ thành một tổng thể đa chiều giàu cảm xúc, ầm ào biến hóa, chuyển động… để rồi liên kết thành những chuỗi ngân dài không dứt...
1.Ở ngoài đời hay trên facebook cá nhân, vẫn thường thấy nhiều người gọi Tạ Đình Khiêm là Thầy… Thầy vẽ, cả thầy võ, hình như Khiêm học võ trước khi học vẽ, dạy võ trước khi dạy vẽ. Võ học đã giúp Tạ Đình Khiêm giữ được trạng thái tĩnh lặng điềm đạm trước những ồn ã xô bồ của cuộc sống đời thường lẫn nghệ thuật.
Ra trường đã lâu, từng có triển lãm cá nhân từ sớm, cũng tham gia nhiều triển lãm nhóm, luôn là một trong số các gương mặt trẻ đương đại được trông mong hy vọng, nhưng cách nào đó Khiêm lại náu mình, hoặc đúng ra ít xuất hiện chỗ đông đúc náo nhiệt.
Mỗi ngày của Khiêm là chăm sóc gia đình, quản lý lò võ với võ sinh đủ các lứa tuổi luôn kính nể thầy, là đứng lớp cho học viên trung tâm nghệ thuật Jiu art - một nơi thực sự dạy cảm thụ nghệ thuật chứ không đơn thuần dạy vẽ.
Sau khi ngăn nắp sắp đặt các công việc thường lệ ấy, anh lặng bên những bức tranh đang dang dở. Khiêm đối diện với tấm toan to, choán hết một không gian rộng và bắt đầu đắm mình vào thế giới riêng biệt, đặt tâm hồn trong những rung động khẽ khàng nhất của từng lớp màu dần hiển hiện. Nếu chịu lộ sáng, quăng mình vào dòng chảy nhiều xáo trộn của hội họa như đang diễn ra, anh sẵn có thuận lợi.
Sinh trưởng trong một nếp nhà toàn họa sỹ, sở hữu đủ các mối quan hệ làm bệ đỡ cho con đường đi hanh thông hơn nhưng Khiêm chọn vẽ chứ không nhăm nhăm nổi tiếng, anh chọn sáng tạo nghệ thuật chứ không loay hoay với các chiêu trò cốt lập danh.
Truyền thống gia đình, thậm chí danh tiếng nghệ thuật lẫn vị thế xã hội của người thân không được anh sử dụng như những bậc thang để bước mà ngược lại đã trở thành sức ép, thậm chí gánh nặng vô hình buộc phải gạt sang bên để vượt qua. Khiêm thực hành nghệ thuật theo một hành trình căn cơ, bền vững dẫu biết giữa bối cảnh này chưa hẳn ai cũng đủ ôn tồn chừng mực và kiên nhẫn để đi.
Thuộc tuýp người bảo lưu các phẩm chất truyền thống, tôn trọng giá trị gia đình mặc dù theo đuổi trường phái trừu tượng phương tây, có lẽ thế nên trừu tượng của Khiêm luôn xuất phát từ hiện thực, từ những gì mắt người thâu nhận. Hiện thực qua con mắt nhìn tỉnh táo được sàng lọc qua sự mẫn cảm phóng khoáng của tâm hồn, tranh Khiêm thành ra luôn bắt mắt thị giác mà không bị kiểu cố tình tỏ vẻ cao xa bí ẩn.
Đúng như anh từng tự bạch: “Lối đi của tâm trí là sự suy tưởng, là những mảng cảm xúc có hình, chúng được sắp nhặt sau mỗi ngày sống. Với tôi trừu tượng lại là những gì rất cụ thể mà có thể xếp lại trên tranh và “tô” màu cho chúng. Mỗi một cách nhìn đều là sự lựa chọn của mỗi người mà thôi. Để rồi ai cũng sẽ phải mãi đi tìm con đường mình muốn đi nhất để đi, để trải nghiệm, và để tâm mình vào đó !” trong dịp ra mắt triển lãm tại Đông Phong Gallery tháng 4-2015, nghệ thuật Tạ Đình Khiêm chính là những vũ điệu nội tâm khó có thể sẻ chia, bộc bạch bằng ngôn từ…
2. Vẫn là Tạ Đình Khiêm của trừu tượng khổ lớn, nguyên vẹn một Tạ Đình Khiêm của hiện thực nội tâm nhưng Tạ Đình Khiêm năm 2020 trong triển lãm “To be continued”… diễn ra tháng 12 tại Eight gallery số 8 Phùng Khắc Khoan (TP Hồ Chí Minh) đã có sự chuyển hóa đầy tinh quái và lãng mạn.
Võ học với thế mạnh ưu việt đã trợ giúp cho Khiêm bản lĩnh để luôn nhất quán trong hành trình nghệ thuật. Căn cốt của Vĩnh Xuân quyền không chăm chăm thi đấu, không cạnh tranh hơn thua, càng không chủ trương bạo lực, luôn một tâm niệm dĩ nhu chế cương, những triết lý nền tảng ấy nằm lòng trong Khiêm trợ lực để anh không hề bị lung lay dao động giữa một môi trường nghệ thuật nhiều toan tính thực dụng.
Không để bị lẫn vào bất kỳ ai, Tạ Đình Khiêm là họa sỹ ngay khi trẻ, ngay lúc khởi nghiệp đã định ra con đường riêng rồi lăn lóc với nó, lúc nhanh lúc chậm lúc thăng hoa lúc trầm lắng, trước sau luôn tiến về phía trước, trung thành với bản ngã cá nhân. Từng có giai đoạn hoang mang, từng có thời khắc chông chênh mệt mỏi, những thoáng chốc yếu mềm bối rối ấy chỉ khiến Khiêm mạnh hơn, sắt đá hơn với lựa chọn của mình.
Màn đêm, hàng cây, bãi đá cổ, bóng trăng hay gần gũi ưa nhìn như hồ Gươm với cầu Thê Húc, Tháp Rùa…, vẫn những sự vật, hiện tượng quen thuộc nhưng được diễn tả qua nhiều biến ảo của sắc màu và thanh âm. Hội họa Tạ Đình Khiêm có chuyển động của thanh âm, những réo rắt tươi vui, những róc rách tự sự của cuộc sống hoặc nội tâm họa sỹ.
Trừu tượng của Khiêm không đánh đố người xem, không dẫn dụ công chúng vào những mê cung bí hiểm mà thực ra dễ cảm, dễ tiếp nhận và rất dễ tìm thấy sự đồng điệu.
Khiêm vừa kỹ thuật vừa thăng hoa để bề mặt tác phẩm của mình luôn sâu hút, thăm thẳm, cứ bóc đi lớp này lại lộ ra lớp kia, tầng tầng ngữ nghĩa chồng lấn, len nhau. Trên bảng màu chủ đạo là đen, Tạ Đình Khiêm tung hứng để thành muôn vàn những ánh sáng lấp lánh, những đốm lân tinh hân hoan rạo rực.
Thế nên đứng trước tác phẩm Tạ Đình Khiêm đôi khi đung đưa nhún nhẩy như nghe một bản nhạc đồng quê trộn hòa với âm thanh điện tử, thoạt đầu khó nghe nhưng nghe rồi sẽ quen tai, quen rồi sẽ thấy thân thêm nữa…
Trui rèn một thẩm mỹ bậc cao, trau dồi một tư duy hiện đại, tạo dựng được kết cấu văn minh nên tranh khổ lớn mà không bị cảm giác lỏng lẻo thừa thãi, Tạ Đình Khiêm đã ngày càng khôn ngoan hơn, thân thiện hơn, làm chủ được nhiều hơn cảm xúc của mình.
Những tưởng sẽ lạc đề khi tán dương một họa sỹ có thẩm mỹ, bởi đó phải là thuộc tính đương nhiên của người làm nghệ thuật tạo hình. Nhưng thị trường mỹ thuật đương thời éo le thay, đã sản sinh ra những họa sỹ thiếu, thậm chí không có thẩm mỹ mặc dù nổi tiếng, những người chiếm lĩnh được thị hiếu tuy nhiên lại chưa hề tạo dấu ấn nghệ thuật riêng của mình…
3. Ngôi nhà hòa hợp giữa thế giới võ thuật và hội họa của vợ chồng Tạ Đình Khiêm trong một con ngõ nhỏ phố to Hà Nội luôn ngập tràn hương sắc tự nhiên. Năng lượng dồi dào, buồn chân buồn tay lại… lôi nhà ra sửa, sắp lại chỗ này xếp lại chỗ kia, trong cái trật tự của những đồ vật luôn được xáo trộn là một cách thức để anh tư duy về bố cục.
Khiêm bảo rằng “thời điểm mà ta như trôi cùng với Xuân, tự nhìn vào từng cái cây ngọn cỏ trong tự nhiên để giúp lòng mình thiền tĩnh hơn. Để đưa mọi xáo trộn trở về quy luật. Tôi đi tìm cảm thức đồng điệu thông qua màu sắc và lớp lang của đường nét. Với quan niệm của mình, tôi luôn hướng đến sự tích cực trong cuộc sống. Càng lúc càng khó khăn biến động, ta cần lắm sự đối diện, biết chấp nhận để biết cách vượt qua. Điều đó hướng chúng ta đến sự thay đổi phía trước”.
Tạ Đình Khiêm bình thản được, phần do bản tính đôn hậu khiêm nhường, phần nữa vì anh có hậu phương ấm êm, ổn thỏa, có vợ là bạn nghề, bạn học, là cầu nối tương tác với thế giới bên ngoài. Cùng làm nghệ thuật, cùng vẽ, cùng có chỗ đứng riêng nhưng vợ chồng họa sỹ Tạ Đình Khiêm - Đặng Thảo Ngọc là hai cá tính độc lập, hai nội tâm khác biệt trong sự đồng điệu hòa hợp của tình yêu và thấu hiểu.
Tạ Đình Khiêm đã bước chậm trong một đoạn đường dài, anh đã tới thời điểm guồng chân dồn dập hơn, mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn. Nội lực đã dư thừa, những chắt lọc nâng niu theo thời gian đã chín, Tạ Đình Khiêm đang ẩn chứa sức mạnh để bùng nổ.
Những tiếp diễn còn dài, còn thênh thang với họa sỹ mới bước qua tuổi 40 đầy khát vọng. Đường đi của anh không hề khó, mà do anh tự làm khó mình, nghiêm khắc với mình, “To be continued” - thả lỏng mình hơn, yêu chiều mình hơn một chút, hội họa của Tạ Đình Khiêm sẽ đày đặn thêm sự thăng hoa để xâm chiếm cảm xúc của con người…
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/ta-dinh-khiem-bung-no-621288/