Tạ Đình Phong từ bỏ quốc tịch Canada sau khi chính quyền có động thái thắt chặt hoạt động của nghệ sĩ có hộ chiếu nước ngoài
Tạ Đình Phong là nghệ sĩ thứ hai tuyên bố công khai rằng anh đã từ bỏ quốc tịch khác Trung Quốc.
Ngày 4/9 vừa qua, khi tham gia chương trình của đài CCTV, Tạ Đình Phong đã có những chia sẻ gây chú ý liên quan đến vấn đề quốc tịch của mình. Nam tài tử 41 tuổi cho biết: "Tôi sinh ra ở Hong Kong, nên vốn dĩ là người Trung Quốc. Thực ra tôi đã làm đơn xin từ bỏ quốc tịch Canada". Tạ Đình Phong nhấn mạnh, dù thân phận của mình là gì, anh cũng chỉ mong truyền bá văn hóa Trung Hoa và tinh thần Trung Hoa ra thế giới.
Tạ Đình Phong trong buổi phỏng vấn với đài CCTV
Trước đó, The Straitstimes đưa tin về danh sách 7 nghệ sĩ có thể bị hạn chế hoạt động do vi phạm quy định của giới quản lý văn hóa Trung Quốc, bao gồm Lưu Diệc Phi, Phan Vỹ Bá, Triệu Hựu Đình, Vương Lực Hoành, Tạ Đình Phong, Trương Thiết Lâm và Lý Liên Kiệt, đều mang quốc tịch nước ngoài. Nhiều cư dân mạng nhận định rằng, việc Tạ Đình Phong muốn từ bỏ quốc tịch Canada là do lo sợ bị hạn chế sự nghiệp tại đất nước tỉ dân. Trước nam diễn viên, Trần Phi Vũ - con trai đạo diễn Trần Khải Ca - cũng từ bỏ quốc tịch Mỹ về làm công dân Trung Quốc.
Tạ Đình Phong sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha ruột của anh - ông Tạ Hiền là ngôi sao hàng đầu thập niên 1960 - 1980. Mẹ anh - Địch Ba Lạp - là diễn viên, Hoa hậu Hong Kong 1973. Từ nhỏ, Tạ Đình Phong đã nhận được rất nhiều sự chú ý của truyền thông, 1 tuần tuổi đã lên bìa tạp chí, cùng cha mẹ tham gia các chương trình truyền hình. 8 tuổi, nam tài tử theo gia đình định cư tại Vancouver. 15 tuổi, anh tới Tokyo học âm nhạc. Một năm sau, Tạ Đình Phong về Hong Kong gia nhập làng giải trí.
Nhiều người cho rằng nam tài tử họ Tạ vì lo sợ bị hạn chế hoạt động tại Trung Quốc nên phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài
Sau vụ scandal rúng động của Ngô Diệc Phàm (quốc tịch Canada) vào đầu tháng 7, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã thông qua kế hoạch hạn chế và cấm các nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài hoạt động nghệ thuật tại Đại lục. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc cũng ra văn bản về việc thực hiện công tác quản lý toàn diện trong lĩnh vực văn hóa và giải trí, theo đó những người hoạt động trong giới giải trí được yêu cầu phải có bằng cấp, chứng chỉ, trình độ nghề nghiệp và hiểu biết về luật, văn hóa truyền thống... nhằm mục đích tránh bị bóp méo hay có tư tưởng lệch lạc về đạo đức, chính trị khi hoạt động nghệ thuật.
Tuần trước, Trung Quốc ra văn bản cho các đài truyền hình, yêu cầu không làm việc với các nghệ sĩ có lập trường chính trị không đúng đắn và phong cách ẻo lả, đồng thời cho biết cần phải nuôi dưỡng bầu không khí yêu nước, kiên quyết dẹp bỏ những thành phần gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí xã hội.
Theo Nguoiduatin.vn